Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Trước đại hội cổ đông lịch sử của Sabeco: Ông chủ mới của Bia Sài Gòn đã thâu tóm bao nhiêu doanh nghiệp ở Việt Nam (bài 2)

Chứng khoán

17/07/2018 09:12

Đại hội cổ đông 2018 của Sabeco không chỉ quyết định những vấn đề như các năm trước nếu nhìn vào cách mà người thái mua Metro, B’Mart, Phú Thái, Vinamilk...

Giàu nhất Thái Lan

Người bỏ tiền mua 53,59% cổ phần của Tổng công ty Cổ phần Bia rượu Nước giải khát Sài Gòn-Sabeco (SAB) là Công ty TNHH Vietnam Beverage, công ty liên quan đến tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi.

Ông Charoen Sirivadhanabhakdi được Forbes xếp hạng là người giàu nhất Thái Lan và đứng thứ 65 trên thế giới với khối tài sản 17,9 tỷ USD. Người giàu thứ 2 ở Thái Lan là ông Dhanin Chearavanont có 14,9. Còn người giàu thứ 3 ở Thái là ông Vichai Srivaddhanaprabha với khối tài sản 5 tỷ USD.

Ông Charoen Sirivadhanabhakdi giàu nhất Thái Lan và đứng 65 trong danh sách tỷ phú thế giới.
Ông Charoen Sirivadhanabhakdi giàu nhất Thái Lan và đứng 65 trong danh sách tỷ phú thế giới.

Chủ mới của Sabeco là ông trùm ở Thái Lan trong lĩnh vực đồ uống, bất động sản và bán lẻ. Hệ sinh thái kinh doanh của ông Charoen Sirivadhanabhakdi có 3 cái tên lớn nhất là là ThaiBev hoạt động trong lĩnh vực đồ uống, Berli Jucker (BJC) hoạt động đa ngành và TCC Land trong lĩnh vực bất động sản. Trong đó, ThaiBev là nhà sản xuất bia lớn nhất tại Thái Lan do chính ông Charoen Sirivadhanabhakdi sáng lập.

Còn BJC là tập đoàn đầu tư phân phối, tiếp thị và sản xuất có giá trị vốn hóa hơn 3 tỷ USD. Ở tuổi 75, ông Charoen Sirivadhanabhakdi vẫn điều hành nhiều công ty và tập đoàn lớn ở khắp nơi trên thế giới.

Charoen Sirivadhanabhakdi cũng sở hữu nhiều bất động sản có giá trị lớn như Pantip Plaza ở Bangkok, Thái Lan, khách sạn Plaza Athenee tại Manhattan tại Mỹ và cùng hàng loạt chuỗi nhà hàng khách sạn nổi tiếng khác ở Mỹ, Úc và châu Á.

3 mảng quan trọng nhất trong hệ sinh thái doanh nghiệp của mình, ông Charoen Sirivadhanabhakdi giao cho 3 người con quản lý. Người con trai Panote Sirivadhanabhakdi đang giữ vai trò quan trọng Hội đồng quản trị Quỹ Fraser & Neave Ltd của Singapore. Thapana Sirivadhanabhakdi, một người con trai khác của vị tỷ phú này đang giữ chức giám đốc điều hành ThaiBev. Cô con gái Wallapa thì nắm trong tay Tập đoàn TCC Land. Các doanh nghiệp này đều do tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Có gì ở Việt Nam?

Không phải đến khi ông Charoen Sirivadhanabhakdi mua lại 53,59% cổ phần của Sabeco, người ta mới chú ý đến vị tỷ phú này. Thực tế, gần 10 năm trước người giàu nhất Thái Lan hiện tại đã bắt đầu xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp của mình tại Việt Nam bằng việc Tập đoàn BJC đầu tư nhà máy sản xuất chai lọ thủy tinh có vốn đầu tư 47,5 triệu USD tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Trước đó, BJC còn sở hữu tới 65% cổ phần của công ty Thái An, một đơn vị chuyên phân phối và vận chuyển thực phẩm tại miền Bắc. Ở khu vực phía Nam, BJC lập ra công ty tương tự với tên Thai Corp. TCC Land của tỷ phú Thái cũng nắm giữ 65% cổ phần của khách sạn 5 sao Melia Hà Nội.

Dấu ấn của ông Charoen Sirivadhanabhakdi với thương trường Việt Nam là giữa tháng 6/2013, khi vị tỷ phú này hoàn tất thương vụ mua lại chuỗi bán lẻ Family Mart. Việc mua lại này được tiến hành thông qua công ty liên doanh Thai Corporation International (TCI), được góp vốn từ BJC và Mongkol Group (Thái Lan). Sau đó, Family Mart được đổi tên thành B’s mart và chữ B là ký tự đầu tiên của Tập đoàn BJC.

B’s mart đánh dấu cho công cuộc M&A thị trường bán lẻ ở Việt Nam của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi.
B’s mart đánh dấu cho công cuộc M&A thị trường bán lẻ ở Việt Nam của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi.

Như vậy, Family Mart chỉ tồn tại được 2 năm trước khi bán mình cho người Thái. Family Mart được thành lập tại Việt Nam với vốn đầu tư ban đầu là 4,2 triệu USD được góp từ Tập đoàn Phú Thái 51%, Family Mart Nhật Bản 44% và Itochu cũng của Nhật 5%.

Đầu năm 2016, Tập đoàn Metro của Đức thông cáo về việc hoàn tất thương vụ chuyển giao Metro Cash & Carry Việt Nam cho đối tác Thái Lan. Vị đối tác Thái mà Metro nhắc đến chính là ông Charoen Sirivadhanabhakdi.

Thâu tóm Metro, vị tỷ phú này sở hữu 19 cửa hàng bán buôn và các danh mục đầu tư bất động sản liên quan thuộc Metro Cash & Carry Việt Nam với giá trị khoảng 879 triệu USD cho BJC. Thương hiệu Metro có mặt tại thị trường Việt Nam năm 2002 với lĩnh vực kinh doanh bán sỉ.

Một doanh nghiệp Việt khác cũng nằm trong tầm ngắm của ông Charoen Sirivadhanabhakdi là Vinamilk. Hiện tại, cổ đông lớn thứ hai của Vinamilk là Quỹ Fraser & Neave Ltd, nơi con trai vị tỷ phú Thái nắm vai trò quan trọng trong Hội đồng quản trị.

Hiện tại, Quỹ Fraser & Neave Ltd nắm 17,31% vốn điều lệ của Vinamilk. Quỹ này đã đăng ký mua vào 14.512.467 cổ phiếu VNM của Vinamilk từ ngày 11/7 đến 9/8/2018 để đầu tư. Nếu giao dịch thành công, cổ đông này sẽ tăng tỷ lệ sở hữu lên 265.759.453 cổ phiếu, chiếm 18,31% vốn điều lệ tại Vinamilk.

Điều đáng nói, từ tháng 8 năm 2017 đến nay, Quỹ Fraser & Neave Ltd liên tục có những thương vụ mua đúng con số hơn 14,5 triệu cổ phiếu để nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại Vinamilk. Còn tính riêng 6 tháng đầu năm 2018, cứ đều đặn mỗi tháng, Quỹ Fraser & Neave Ltd đều có động thái gom hàng. Tuy nhiên, với lý do điều kiện thị trường không phù hợp, quỹ ngoại này chỉ giao dịch thành công một tỷ lệ nhất định trong tổng khối lượng cổ phiếu đặt mua.

Xâm nhập

Việc thâu tóm từ Family Mart đến Metro rồi Sabeco và cả Vinamilk cho thấy quyết tâm của người Thái trong việc xâm nhập thị trường bán lẻ Việt Nam. Trong đó, thương vụ đình đám nhất của ông Charoen Sirivadhanabhakdi là mua cổ phần Sabeco với trị giá lên tới 5 tỷ USD. 

Nên nhớ, hệ sinh thái doanh nghiệp của vị tỷ phú Thái Lan có ThaiBev hoạt động trong lĩnh vực đồ uống, BJC hoạt động đa ngành phân phối, tiếp thị và sản xuất. Kết hợp với những doanh nghiệp mà ông Charoen Sirivadhanabhakdi đã thành lập từ 10 năm trước như nhà máy sản xuất chai lọ, Thái An, Thai Corp sẽ tạo nên chuỗi phân phối khép kín.

Vinamilk là doanh nghiệp tiếp theo lọt vào tầm ngắm của người Thái.
Vinamilk là doanh nghiệp tiếp theo lọt vào tầm ngắm của người Thái.

Hiện tại, B’s mart có khoảng 200 cửa hàng và mục tiêu sẽ chạm mốc 300 cửa hàng vào cuối năm 2018. Đến năm 2023 sẽ có 1.500-2.500 cửa hàng. Còn Metro sau 1 năm về tay người Thái đã được đổi tên thành MM Mega Market. Vốn điều lệ của công ty tăng 1.911 tỷ đồng lên 3.620 tỷ đồng, với 100% vốn nước ngoài. MM Mega Market vẫn giữ nguyên 19 trung tâm mà Metro sang nhượng lại, chưa có động thái mở rộng thêm.

Còn theo báo cáo thường niên của Vinamilk, công ty bán sữa lớn nhất Việt Nam đã có gần 251.000 điểm bán lẻ được phục vụ trực tiếp bởi 202 nhà phân phối, chuỗi cửa hàng Giấc mơ sữa Việt đạt con số 418, hơn 3.250 siêu thị và cửa hàng tiện lợi bán các sản phẩm Vinamilk.

Năm 2017, Vinamilk đã mở thêm 4 thị trường mới là New Zealand, Brunei, Madagascar và Yemen. Tổng cộng, Vinamilk đã xuất khẩu trực tiếp đến 35 nước chỉ riêng trong năm 2017 với trọng tâm tại các thị trường mới tại Châu Phi và các nước Đông Nam Á và thị trường truyền thống tại khu vực Trung Đông. Đây chính là nguyên nhân khiến nhà ông Charoen Sirivadhanabhakdi liên tục đi gom cổ phiếu VNM trên sàn chứng khoán.

Ở Sabeco, khi nắm 53,59% vốn điều lệ thì ông chủ mới của SAB có quyền quyết định mọi vấn đề. Hiện tại, Sabeco đang chiếm khoảng 41% thị phần bia của người Việt. Ngoài ra, SAB còn có hệ thống phân phối, đại lý và nhà máy trải dài từ Nam ra Bắc.

Nhận định về việc tỷ phú Thái Lan liên tục đổ tiền thâu tóm doanh nghiệp Việt, chuyên gia kinh tế Lê Minh Hoàng, trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho rằng, đó là bàn đạp cho hàng hoá của hệ sinh thái trong doanh nghiệp do ông Charoen Sirivadhanabhakdi làm chủ xâm nhập thị trường Việt Nam.

“Người Thái M&A các doanh nghiệp có hoạt động tương đồng với công ty của mình ở Thái Lan. Như vậy, họ không phải mất tiền xây dựng kênh phân phối, mặt bằng, khách hàng… Chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, hàng hoá của các công ty do ông Charoen Sirivadhanabhakdi làm chủ sẽ ồ ạt vào Việt Nam qua các doanh nghiệp này”, ông Hoàng nói.

NGUYỄN DUY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement