12/05/2019 09:14
Trước 1/6 phải bàn giao mặt bằng để thi công cao tốc Bến Lức-Long Thành
Hiệp định vay vốn của dự án cao tốc Bến Lức-Long Thành với ADB sẽ hết hạn vào 14/12/2020 nên chủ đầu tư chỉ có 17 tháng để hoàn thành dự án.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa yêu cầu UBND TP.HCM và tỉnh Đồng Nai khẩn trương tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc, hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trước ngày 1/6/2019 để bàn giao cho đơn vị thi công, không làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án cao tốc Bến Lức-Long Thành.
Trước đó, Tổng công ty Đầu tư Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã báo cáo Bộ Giao thông Vận tải những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai dự án Bến Lức-Long Thành.
Sau 4 năm triển khai, đến nay, khu vực tuyến chính cao tốc và đường dẫn Quốc lộ 1 trên địa bàn huyện Bình Chánh của TP.HCM còn 26 nhà dân chưa được giải tỏa. Tỉnh Đồng Nai còn 116 hộ dân, tương đương 18 ha đất chưa bàn giao mặt bằng. Phần lớn trường hợp chưa giải tỏa đã có khiếu kiện, tranh chấp từ những năm trước đây.
Dự án đường cao tốc Bến Lức-Long Thànhdự kiến thông xe vào cuối năm 2018 nhưng phải lùi tiến độ hoàn thành đến cuối 2020 do vướng mặt bằng. |
VEC cho rằng, nếu TP.HCM bàn giao mặt bằng sớm thì dự án có thể thông xe trước 20km đoạn cao tốc từ Bến Lức đến nút giao thông Nguyễn Văn Tạo ở huyện huyện Nhà Bè vào tháng 9/2019. Còn hơn 37km đoạn cao tốc đến huyện Long Thành của tỉnh Đồng Nai dự kiến hoàn thành cuối năm 2020.
Hiệp định vay vốn của dự án cao tốc Bến Lức-Long Thành với Ngân hàng Phát triển Á châu (ADB) sẽ hết hạn vào 14/12/2020 nên chủ đầu tư chỉ có 17 tháng để hoàn thành dự án. Nếu mặt bằng không được bàn giao cho các nhà thầu thi công trước ngày 1/6/2019, thì dự án không thể hoàn thành toàn tuyến vào cuối năm 2020 như chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải và cam kết với ADB.
VEC đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Thủ tướng có công điện gửi các địa phương yêu cầu đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng trước ngày 1/6, để dự án hoàn thành theo kế hoạch.
Cao tốc Bến Lức-Long Thành dài 57,7km, vốn đầu tư hơn 31.000 tỷ đồng, được khởi công tháng 7/2014, đi qua các tỉnh Long An, TP.HCM và Đồng Nai. Đây là dự án đường bộ cao tốc dài và lớn nhất miền Nam, dự kiến thông xe cuối năm 2018 song đã lùi tiến độ hoàn thành vào cuối 2020.
Dự án là công trình quan trọng, nằm trong hệ thống đường cao tốc Bắc-Nam, khi hoàn thành, tuyến đường sẽ giúp giao thông giữa các tỉnh Tây và Đông Nam Bộ không phải qua trung tâm của TP.HCM, rút ngắn thời gian lưu thông, vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh trong vùng.
Tuyến đường còn tạo thành một phần của tuyến hành lang kinh tế phía Nam thuộc tiểu vùng sông Mekong mở rộng, từ Bangkok (Thái Lan) qua Phnom Penh (Campuchia) đến TP.HCM-Vũng Tàu.
Đồng thời kết nối mạng cao tốc và quốc lộ với các cảng biển lớn của khu vực như Cái Mép-Thị Vải, Sao Mai-Bến Đình, sân bay quốc tế Long Thành... để khai thác hiệu quả các các dự án hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, thu hút đầu tư, du lịch của các địa phương vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp