05/10/2020 05:17
Trung tâm thương mại mùa COVID-19: Nơi quá tải, chỗ đìu hiu, vì sao? (bài 1)
Hệ thống Trung tâm thương mại (TTTM) mọc lên như nấm sau mưa. Nhưng theo ghi nhận của phóng viên, không phải TTTM nào cũng thành công trong việc thu hút khách.
Vắng như... chùa Bà Đanh
Dạo một vòng quanh các trung tâm thương mại có tiếng tại Sài Gòn có thể thấy, không phải nơi nào cũng mua sắm nhộn nhịp, không ít trung tâm vốn đìu hiu sau dịch lại càng heo hút.
Ghi nhận tại trung tâm thương mại Vincom trên đường Cộng Hòa cuối tuần qua, trung tâm này không có nhiều người qua lại mua sắm. Bãi xe vắng vẻ, lưa thưa vài ba vị khách.
Mặt bằng trống trơn tại Vincom trên đường Cộng Hòa. Ảnh: Cẩm Viên. |
Bước vào trong sảnh trung tâm, chỉ thấy vài cửa hàng đồng đồ, trang sức còn sáng đèn với một hai nhân viên. Có mặt tại đây, hơn 2 tiếng đồng hồ ngày cuối tuần, phóng viên không thấy một vị khách nào ghé vào.
Theo nhân viên một quầy hàng đồng hồ thì đây là tình trạng của mấy tháng nay. Cửa hàng chỉ mở cửa để duy trì hoạt động chứ không mua bán được gì “có lẽ giữa thời buổi khó khăn của dịch bệnh thì những mặt hàng xa xỉ như hồ đồng, trang sức không phải là những mặt hàng thiết yếu mà người dân quan tâm”.
Cả trung tâm chỉ vài tiệm trang sức và đồng hồ sáng đèn. Ảnh: Cẩm Viên. |
Ghi nhận tình hình tại siêu thị Vinmart, nơi bán tất cả những nhu yếu phẩm, thực phẩm thiết yếu nằm ngay phía trong của trung tâm thương mại cũng cùng chung cảnh ngộ. Cả một siêu thị rộng lớn nhưng chỉ có vài người mua sắm.
Siêu thị Vinmart chỉ vài quầy thu ngân hoạt động. Ảnh: Cẩm Viên. |
Siêu thị với hơn 20 quầy thanh toán tiền nhưng chỉ có khoảng 2 quầy thu ngân hoạt động vì số lượng khách quá ít.
Theo chị Thanh Hương (42 tuổi, quận Tân Bình) do nhà ở gần đây nên tôi hay đi siêu thị tại Vincom. Siêu thị trước nay đều vắng vẻ như vậy, sau dịch thì ngày càng ít khách hơn.
Toàn cảnh siêu thị. Ảnh: Cẩm Viên. |
Tầng 1 của trung tâm nơi bán quần áo, thời trang cũng chung cảnh ngộ, khi cả một không gian rộng lớn của trung tâm thương mại chỉ còn vài cửa hàng của những thương hiệu lớn sáng đèn, còn lại là khoảng không gian trống. Có vài vị khách vừa bước lên khu vực này rồi lại quay đầu vì không thấy ai.
Kinh doanh ế ẩm khiến nhiều doanh nghiệp tại Vincom Cộng Hòa trả mặt bằng. Ảnh: Cẩm Viên |
Vài cửa hàng quần áo rao giảm giá tận 80%, thậm chí có những sản phẩm giảm giá sốc, chỉ còn 10.000-20.000 đồng/cái cũng không ai mua. Nhân viên ở đây cũng chẳng buồn ra tiếp khách.
Chị Phương Anh, chủ cửa hàng nệm cho biết, trung tâm thương mại giảm giá 30% mặt bằng đến hết tháng 10 cho khách thuê. Nhưng nhiều người vẫn không cầm cự được nên trả mặt bằng. Chúng tôi cố gắng cầm cự thêm vài tháng, nếu lượng khách vẫn đìu hiu như thế này, chúng tôi cũng sẽ trả mặt bằng vì thu không đủ bù chi.
Một trong số ít thương hiệu còn sót lại tại trung tâm sale sập sàn cũng không có một vị khách nào ghé qua. Ảnh: Cẩm Viên. |
Thực trạng vắng khách này cũng đang diễn ra tại Vincom trên đường 3/2 hay rất nhiều trung tâm thương mại khác cũng dần mất đi sức hút điển hình như trường hợp của TTTM Pakson, Garden mall, Diamond Plaza, Nowzone với quy mô rất lớn (đường Nguyễn Văn Cừ, quận 1) cũng không thoát khỏi tình trạng ế ẩm.
Không chỉ Vincom mà những trung tâm khác như The garden mall cũng chung cảnh ế ẩm vì dịch bệnh. Ảnh: Cẩm Viên. |
"Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra"
Tình trạng ế ẩm là tình hình chung của TTTM, nhưng không có nghĩa là tất cả đều vắng khách. Ngược lại, có nhiều TTTM vẫn chật kín người. Có thể kế đến như TTTM Aeon Mall Tân Phú, Bình Tân, Vincom Center Đồng Khởi, Takashimaya, Gigamall luôn trong tình trạng quá tải dù lễ tết hay cuối tuần.
TTTM Aeon Tân Phú luôn trong tình trạng quá tải vào những dịp cuối tuần. Ảnh: Cẩm Viên. |
Sở dĩ những trung tâm này hút khách vì mô hình kinh doanh one stop shop (cửa hàng một điểm đến). Những trung tâm này không chỉ cung cấp mặt bằng bán lẻ, còn có những tiện ích cho khách thuê mặt bằng thông qua tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, giải trí, đem lại cảm giác mới lạ, tò mò cho khách hàng…
Aeon Tân Phú khá rộng và thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động vui chơi giải trí thu hút người tiêu dùng. Ảnh: Cẩm Viên. |
Như chị Thu Thảo (40 tuổi, quận Tân Phú, TP.HCM) thì cuối tuần chị dẫn hai bé vào TTTM Aeon Tân Phú. Ở đây đáp ứng được tất cả nhu cầu của cả nhà như con vui chơi tại các khu dành cho trẻ em, mẹ có thể uống cà phê làm việc, mua sắm thỏa thích. Sau đó dẫn các con ra khu ăn uống và cuối cùng thì đi siêu thị mua sắm đồ ăn cho cả tuần.
Không khí mua sắm tại TTTM Takashimaya. Ảnh: Cẩm Viên. |
Nhưng theo ghi nhận trên thực tế, số lượng các TTTM kinh doanh hiệu quả, là điểm đến của nhiều thương hiệu, đồng thời thỏa mãn nhu cầu vui chơi, giải trí và mua sắm của người dân thì chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Trong Quy hoạch phát triển ngành thương mại TP.HCM đến năm 2025, định hướng 2030 (đã được phê duyệt), phát triển thương mại để phục vụ đời sống nhân dân tốt hơn, đưa sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng đảm bảo đến với người tiêu dùng; phát triển thương mại để thúc đẩy giao thương hàng hóa giữa TPHCM với các tỉnh/thành; hướng đến vai trò là trung tâm mua sắm, TTTM quốc tế ở Đông Nam Á.
Khu vực ăn uống tại Takashimaya. Ảnh: Cẩm Viên. |
Hoạt động thương mại được khuyến khích phát triển phù hợp với tính chất, quy mô các điểm du lịch; hệ thống hạ tầng thương mại tạo thành địa điểm tham quan, mua sắm hấp dẫn cho du khách và du khách trở thành khách hàng quan trọng, là giải pháp xuất khẩu tại chỗ của thương mại…
Trung tâm thương mại mùa COVID-19 : Cuộc chơi của những ông lớn (bài 2) Dịch COVID-19 gây ảnh hưỡng rõ rệt trong tình hình kinh doanh và hoạt động của các chuỗi trung tâm thương mại nhưng ngành này vẫn đem lại lợi nhuận tốt. |
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp