07/03/2021 08:13
Trung Quốc thời hậu COVID-19
Tập Cận Bình tự tin rằng ông sẽ đưa được Trung Quốc lên đỉnh cao của sự thịnh vượng và quyền lực trong thế giới hậu COVID-19.
Theo ông, Trung Quốc đang đứng trước cơ hội, “phương Đông đang trỗi dậy, còn phương Tây đang tụt dốc”. Tuy nhiên, đằng sau những cánh cửa đóng kín, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thẳng thừng cảnh báo các quan chức rằng không được để đất nước lệ thuộc vào đối thủ cạnh tranh, đặc biệt là Mỹ.
Một quan chức dẫn lời Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng “Mỹ là nhân tố lớn nhất gây ra sự hỗn loạn trên… Mỹ là mối đe dọa lớn nhất đối với sự phát triển và an ninh của đất nước chúng ta (Trung Quốc)".
Lời cảnh báo này được rất nhiều quan chức cấp cao thân cận với Tập Cận Bình nhắc lại trong các phát biểu gần đây, cho thấy nhà lãnh đạo này đang cố gắng cân bằng giữa sự tự tin và thận trọng trong bối cảnh Trung Quốc đang dần khôi phục đà phát triển, còn nhiều quốc gia khác vẫn phải vật lộn chống đại dịch COVID-19.
Những phát biểu vừa tự tin, vừa thận trọng đó phản ánh nỗ lực của Tập Cận Bình muốn giữ cho Trung Quốc luôn trong tâm thế đề phòng bởi dù gặt hái được nhiều thành công ở trong nước, song quốc gia này đang bị Mỹ và các nước phương Tây khác ngờ vực sâu sắc.
Tập Cận Bình sẽ công bố một kế hoạch dài hạn cho đường hướng phát triển của Trung Quốc trong môi trường toàn cầu mới vào cuối tuần này, tại cuộc họp của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Quốc hội Trung Quốc).
Dimitar Gueorguiev, Phó Giáo sư chính trị chuyên nghiên cứu các vấn đề về Trung Quốc tại trường Đại học Syracuse, nói: “Tập Cận Bình là một nhà lãnh đạo thận trọng trong việc xây dựng một di sản cá nhân lâu bền”.
Theo ông, trong mắt các nhà lãnh đạo Trung Quốc, “phản ứng trước dịch COVID-19 thực sự là một ví dụ điển hình của Đảng về cách có thể huy động mọi nguồn lực trong một khoảng thời gian ngắn và triển khai hiệu quả một chương trình”.
Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo Trung Quốc khác gần đây đã nhắc đến những thách thức, cả ngắn hạn và dài hạn, có thể kìm hãm tham vọng của đất nước. Chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phát tín hiệu rằng họ muốn gây sức ép với Trung Quốc trong lĩnh vực nhân quyền, cạnh tranh về công nghệ và ảnh hưởng ở châu Á.
Ở trong nước, Trung Quốc đang phải vật lộn với tình trạng dân số già và nỗ lực cải tổ động lực tăng trưởng kinh tế, vốn đòi hỏi quá nhiều nguồn lực và năng lượng trong khi thành quả thu về không đáng kể và gây ra những thiệt hại môi trường khá lớn.
Bắc Kinh cũng nhận thấy mối đe dọa nhen nhóm ở Hong Kong sau khi nỗ lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc siết chặt gọng kìm đối với đặc khu này đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình chống chính quyền suốt nhiều tháng.
Trung Quốc cũng đang hướng tới một cuộc cải tổ lớn về ban lãnh đạo vào năm tới trong bối cảnh Tập Cận Bình - 67 tuổi - dường như chắc chắn sẽ nắm quyền thêm nhiệm kỳ thứ 3 kéo dài 5 năm.
Nhà nghiên cứu chính trị Lynette H. Ong, làm việc tại trường Đại học Toronto, cho rằng sau khi kiềm chế thành công đại dịch, Tập Cận Bình sẽ tìm cách thâu tóm quyền lực hơn nữa.
Đại hội này là một phần trong kế hoạch của Đảng nhằm củng cố quan điểm rằng Tập Cận Bình là nhân tố cần thiết để chèo lái Trung Quốc vượt qua những thay đổi quan trọng một cách an toàn.
Tháng 7 tới, Tập Cận Bình sẽ chủ trì lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, sự kiện có khả năng đưa ông trở thành một nhà lãnh đạo lịch sử như Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình.
Để cho hào quang của thành công có thể tỏa sáng hơn nữa, Trung Quốc sẽ lên kế hoạch tổ chức Thế vận hội mùa Đông và xây dựng một trạm vũ trụ trên quỹ đạo vào năm tới.
(Nguồn: TTXVN)
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement