19/08/2020 14:40
Trung Quốc sơ tán hơn 100.000 dân khi lũ lụt sông Dương Tử đe dọa Di sản Thế giới
Lũ lụt thượng nguồn sông Dương Tử của Trung Quốc buộc giới chức Trung Quốc sơ tán hơn 100.000 người hôm 18/8.
Đợt lũ lụt Trung Quốc mới nhất cũng đe dọa một di sản thế giới 1.200 năm tuổi - tượng phật khổng lồ Lạc Sơn Đại Phật ở tỉnh Tứ Xuyên, theo Reuters.
Cảnh sát và các tình nguyện viên đang dùng các bao cát để bảo vệ Lạc Sơn Đại Phật (cao 71m) ở tỉnh Tứ Xuyên, một di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận, khi nước lũ đã dâng đến tận chân tượng – lần đầu tiên kể từ năm 1949, đài truyền hình CCTV đưa tin.
Tứ Xuyên, nơi có sông Dương Tử chảy qua, đã nâng ứng phó khẩn cấp lên mức tối đa vào hôm 18/8 để đối phó với đợt mưa lớn mới.
Ủy ban Thủy lợi Trường Giang (tên gọi khác của sông Dương Tử) - cơ quan chính phủ phụ trách giám sát dòng sông, đã phát báo động đỏ trong tối 18.8, cảnh báo mực nước lũ tại một số trạm quan trắc dự kiến vượt mức chống lũ an toàn hơn 5m.
Đập Tam Hiệp, một công trình thủy điện khổng lồ được thiết kế một phần để chế ngự lũ lụt trên sông Dương Tử, dự kiến sẽ chứng kiến dòng nước tăng lên 74.000 m3/giây trong ngày 19/8, cao nhất kể từ khi đập Tam Hiệp được xây dựng, Bộ Thủy Lợi Trung Quốc cảnh báo.
Đập Tam Hiệp hạn chế nước chảy xuống hạ nguồn bằng cách dự trữ nước trong hồ chứa, nhưng mức nước trong hồ chứa của đập này trong hơn 1 tháng đã cao hơn 10m so với cảnh báo.
Đập này buộc phải tăng mức xả nước trong ngày 18/8 để “giảm áp lực kiểm soát lũ”, Bộ Thủy lợi thông báo.
Giới chức Trung Quốc đang chật vật chứng minh rằng dòng chảy của các đập và hồ chứa khổng lồ được xây dựng dọc theo thượng nguồn của sông Dương Tử đã bảo vệ khu vực khỏi những trận lũ lụt tồi tệ nhất trong năm nay, mặc dù các nhà phê bình chỉ trích rằng chúng có thể khiến mọi thứ tồi tệ hơn.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp