22/07/2019 13:10
Trung Quốc siết chặt nhập khẩu tiểu ngạch, nông sản Việt lao đao
Trung Quốc thay đổi chính sách, siết chặt nhập khẩu tiểu ngạch, hàng loạt nông sản Việt như mít, dứa, khoai lang... bị rớt giá thê thảm, không tìm được đầu ra.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, tháng 6 là thời điểm mít Thái đang vào vụ thu hoạch rộ, nhưng giá bán ở mức 15.000 đồng/kg đối với loại I, 12.000 đồng/kg với loại II và 8.000 đồng/kg đối với loại III. Bình quân giảm gần 35.000 đồng/kg so với thời điểm cách đây 2 tháng.
Nguyên nhân giá mít Thái xuống thấp do thương lái Trung Quốc không thu mua, trong khi đó, các nhà máy chế biến trái cây đã có kế hoạch sản xuất riêng.
Tháng 6/2019, ước kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 320 triệu USD, giảm 10% so với tháng 5/2019 và giảm 1,8% so với tháng 6/2018. Con số theo số liệu Tổng cục Thống kê.
Trong tháng 5/2019, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ rau quả lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 245 triệu USD, giảm 32,7% so với tháng 4/2019 và giảm 4% so với tháng 5/2018; Xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 73% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước.
Trung Quốc siết chặt nhập khẩu tiểu ngạch, nông sản Việt lao đao |
Cũng theo báo cáo, một trong những nguyên nhân xuất khẩu giảm là do Trung Quốc siết chặt nhập khẩu.
Trước đó, Vụ Thị trường Châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) đã thông báo, từ tháng 5/2019, Trung Quốc yêu cầu thay đổi vật liệu đệm, lót dưa hấu xuất khẩu sang thị trường này.
Ngoài ra, tất cả các loại trái cây nhập khẩu sang Trung Quốc phải đăng ký mẫu tem truy xuất nguồn gốc tại cơ quan hải quan của Trung Quốc và dán tem nhãn này nên trên các sản phẩm hoặc trên bao bì. Thông tin trên tem nhãn phải gồm các thông tin về vườn trồng, cơ sở đóng gói… Danh sách vườn trồng và cơ sở đóng gói này phải được cơ quan nước xuất khẩu, ở đây là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo chính thức với cơ quan hải quan phía Trung Quốc.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa cập nhật thông tin cũng như chưa đáp ứng các yêu cầu mà Trung Quốc đưa ra nên gặp khó khăn trong xuất khẩu.
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản kiến nghị Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương tìm cách để sản phẩm mực xà khô có thể xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Tỉnh này cho biết, gần 1.000 tấn mực xà khô của ngư dân Núi Thanh (Quảng Nam) bị tồn đọng thời gian gần đây Trung Quốc bất ngờ thay đổi phương thức nhập khẩu từ tiểu ngạch sang chính ngạch, yêu cầu truy xuất nguồn gốc nên mực xà không xuất bán được.
Không chỉ với mít, mực xà khô, Trung Quốc còn tăng nhiều rào cản khác với mặt hàng nông sản Việt Nam.
Hồi cuối tháng 3/2019, các vùng trồng dứa ở Lào Cai bước vào vụ thu hoạch rộ nhưng Trung Quốc dừng thu mua (dứa chưa nằm trong danh sách nhập khẩu chính ngạch) nên giá dứa trên địa bàn từ 8.000-9.000 đồng/kg giảm xuống chỉ còn 1.000-2.000 đồng/kg.
"Thị trường Trung Quốc tiêu thụ rất nhiều dứa và họ có nhu cầu nhập khẩu, nếu ký được thỏa thuận xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này như dưa hấu, chuối thì dứa Lào Cai, Thanh Hóa sẽ vơi đi nỗi lo được mùa mất giá thê thảm”, lãnh đạo sở NN&PTNT Lào Cai cho hay.
Cũng trong tháng 3, giá khoai lang Gia Lai lao dốc, từ 12.000- 13.000 đồng/kg xuống còn 1.000- 2.000 đồng/kg và phải giải cứu.
Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT Gia Lai, năm 2019 thị trường Trung Quốc đặt ra tiêu chuẩn cao hơn, khắt khe hơn, yêu cầu an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc nên sản lượng khoai xuất đi Trung Quốc giảm. Đây cũng là nguyên nhân khiến khoai không có đầu ra, giá giảm mạnh.
Trước tình hình trên, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, Bộ trưởng NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị liên quan làm việc với Trung Quốc để mở cửa thị trường, đưa cây khoai lang xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Tuy nhiên, việc mở cửa thị trường thường phải mất nhiều năm, chứ không thể một sớm một chiều.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp