06/12/2020 16:34
Trung Quốc sẽ cho 'ra lò' 600 triệu liều vaccine COVID-19 trong năm nay
Trung Quốc sẽ cho "ra lò" 600 triệu liệu vaccine COVID-19 ngay trong năm nay. Hiện đang có 3 nhà sản xuất chuẩn bị cho việc sản xuất đại trà.
Theo tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng, Trung Quốc sẽ có 600 triệu liều vaccine Covid-19 và sẵn sàng đưa ra thị trường ngay trong năm nay và phía Bắc Kinh sẽ sớm đưa ra “một thông báo lớn”.
Vương Tuấn Chi, Phó Trưởng nhóm chuyên gia về phát triển vaccine thuộc Quốc vụ viện, Học viện Kỹ thuật Trung Quốc, cho biết: “Về sự phát triển của vaccine COVID-19, sẽ có một thông báo lớn trong một đến hai tuần tới. Bây giờ nó đang ở giai đoạn cuối cùng. Theo kế hoạch, sẽ có 600 triệu liều vaccine bất hoạt sẵn sàng tung ra thị trường trong năm nay”.
Các nhà sản xuất dược phẩm Trung Quốc với vaccine đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng vẫn chưa công bố dữ liệu về hiệu quả. Ảnh: AFP |
Vaccine bất hoạt sử dụng kỹ thuật thông thường bao gồm việc tiêu diệt virus trong phòng thí nghiệm và sử dụng nó để kích hoạt phản ứng miễn dịch. Hai loại vaccine như vậy được phát triển bởi Tập đoàn Biotec Quốc gia Trung Quốc (CNBG) và một loại thứ ba do Sinovac Biotech đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng ở Nam Mỹ, Trung Đông và Châu Á. Sinovac đã vận chuyển hơn 1,12 triệu liều vaccine của mình tới Brazil, nơi họ đang tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3, trước khi dữ liệu được xem xét và phê duyệt.
Các công ty đã xây dựng các cơ sở an toàn sinh học cấp độ cao cần thiết và mở rộng quy mô sản xuất. Nhưng các nhà sản xuất trên vẫn chưa công bố bất kỳ dữ liệu giai đoạn 3 nào cần thiết để được phê duyệt theo quy định đầy đủ.
Chuyên gia này không tiết lộ chi tiết về 600 triệu liều, nhưng các báo cáo trước đây cho biết hai cơ sở trực thuộc CNBG có thể cung cấp 100 triệu liều trong năm nay với tiềm năng đạt 300 triệu bằng cách mở rộng công suất hiện có. Theo báo cáo, Sinovac cũng có thể cung cấp 100 triệu liều vaccine ngay trong năm nay.
Hai loại vaccine khác được phát triển ở Trung Quốc - bởi CanSino và An Huy Zhifei Longcom Biopharmaceuticals - cũng đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng trên người. Các công ty này cho biết họ có thể sản xuất 100-300 triệu liều trong năm nay, tùy thuộc vào nhu cầu.
Vaccine CNBG và Sinovac được phép sử dụng khẩn cấp vào cuối tháng 7, và chúng đã được tiêm cho khoảng 1 triệu người Trung Quốc được coi là có nguy cơ cao. Các đối tượng này bao gồm những người làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, những người tiếp xúc với những người đến nước ngoài và những người lao động thiết yếu. Một số tỉnh đã bắt đầu quá trình mua sắm vaccine này, bao gồm Chiết Giang, Tứ Xuyên và Giang Tô.
Phó Thủ tướng Tôn Xuân Lan (phải) chỉ đạo các nhà sản xuất vaccine hãy sẵn sàng để sản xuất hàng loạt. Ảnh: Tân Hoa Xã |
Phát biểu của ông Vương Tuấn Phi được đưa ra sau khi Phó Thủ tướng Tôn Xuân Lan, người phụ trách y tế ở Trung Quốc, hôm 2/12 đã đến thăm một nhà sản xuất vaccine thuộc CNBG, cũng như Sinovac, và cơ quan quốc gia giám sát vaccine ở Bắc Kinh.
Bà nói với các nhà sản xuất thuốc rằng, họ nên tiến hành "một cách khoa học và nghiêm ngặt" các thử nghiệm giai đoạn 3 của họ và "chuẩn bị" để sản xuất hàng loạt vaccine. Phó Thủ tưởng nước này cho biết, việc tiêm chủng cho tất cả các nhóm đối tượng có nguy cơ cao cần được hoàn thành vào cuối năm nay.
Cơ quan quản lý dược phẩm của Trung Quốc đã ban hành hướng dẫn vào tháng 8 yêu cầu vaccine COVID19 phải có hiệu quả ít nhất 50%, nhưng tốt hơn là cao hơn 70%. Quy định này cũng yêu cầu vaccine phải tạo ra khả năng miễn dịch trong ít nhất 6 tháng.
Công ty mẹ Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc cho biết, thông tin chính thức về vaccine của CNBG có thể được công bố “sớm”. Trong khi Sinovac cũng dự kiến sẽ đưa ra thông báo về giai đoạn thử nghiệm 3 sắp diễn ra.
Ông Vương Tuấn Chi cho biết, Trung Quốc đã có sẵn công nghệ và tiêu chuẩn để sản xuất vaccine trong những cơ sở của mình. “Vaccine bất hoạt của chúng tôi đang dẫn đầu thế giới”, ông tự tin. Điều này là có cơ sở vì Sáng kiến vaccine của Hoa Kỳ, Chiến dịch Warp Speed, không bao gồm kỹ thuật bất hoạt vì lo ngại về an toàn. Tại Ấn Độ, Viện Huyết thanh, nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, cũng bắt đầu sản xuất hàng loạt loại vaccine do Đại học Oxford-AstraZeneca phát triển. Nhưng loại này vẫn chưa được phê duyệt hoặc chứng minh là có hiệu quả. Trong khi các nhà sản xuất vaccine Trung Quốc vẫn chưa có kết quả chính thức thử nghiệm giai đoạn 3, một loại vaccine do công ty Pfizer của Mỹ và công ty BioNTech của Đức phát triển và một loại khác của nhà sản xuất thuốc Moderna của Mỹ đã cho thấy hiệu quả cao trong các thử nghiệm giai đoạn 3 của họ. Anh tuần qua cũng đã phê duyệt vaccine Pfizer-BioNTech để sử dụng khẩn cấp, bắt đầu từ tuần tới và dự kiến loại này sẽ được phê duyệt tại Mỹ và Châu Âu trong tuần tới. Pfizer đặt mục tiêu cung cấp 50 triệu liều trên toàn cầu trong năm nay. Trong khi đó, Moderna cho biết họ dự kiến sẽ có từ 100-125 triệu liều vaccine thử nghiệm có sẵn trên toàn cầu trong quý đầu tiên của năm 2021. |
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp