25/08/2020 16:41
Trung Quốc hứa ưu tiên vaccine COVID-19 cho Việt Nam và các nước tiểu vùng sông Mê Kông
Hiện tại, Trung Quốc đang có 4 vaccine COVID-19 thử nghiệm giai đoạn ba. Nước này hứa ưu tiên cung cấp vaccine cho Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan...
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết tại Hội nghị các nhà lãnh đạo Hợp tác Lan Thương - Mê Kông lần thứ ba, rằng Trung Quốc sẽ ưu tiên cung cấp vaccine COVID-19 cho các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông gồm Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan.
Trước đó, hôm 22/8, Trung Quốc đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 cho các nhân viên y tế và lực lượng tuần tra biên giới. Trong tương lai, chương trình tiêm chủng vaccine sẽ mở rộng tới các lao động ngành vận tải, dịch vụ hay các tiểu thương tại các khu chợ hải sản, nhằm tạo "hàng rào miễn dịch".
Chương trình mở rộng tiêm chủng sẽ được thực hiện trước mùa thu đông năm nay.
Vaccine Sinopharm của Trung Quốc, thử nghiệm hồi tháng 7. Ảnh: Global Times |
Ông Cường cho biết Trung Quốc sẽ thành lập một quỹ đặc biệt về sức khỏe cộng đồng, trong khuôn khổ Quỹ Hợp tác Lan Thương - Mê Kông, để tiếp tục hỗ trợ vật tư và kỹ thuật công nghệ, giúp các quốc gia thuộc tiểu vùng sông Mê Kông chống dịch.
Đến hiện tại, Trung Quốc sở hữu 4/8 loại vaccine chống COVID-19 đang thử nghiệm giai đoạn ba. Tất cả đều sử dụng công nghệ truyền thống như virus bất hoạt và vector virus. Mới đây, Sinopharm thông báo vaccine của họ sẽ có mặt trên thị trường vào tháng 12 năm nay, với giá dự kiến cho hai mũi tiêm vào khoảng 3,3 triệu đồng.
Nhưng theo ông Trịnh Trung Vệ, Giám đốc Trung tâm phát triển khoa học và công nghệ của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, mức giá trên chỉ mới là dự kiến, và nước này sẽ có điều chỉnh trước khi ra mắt chính thức.
Hội nghị các nhà lãnh đạo Hợp tác Lan Thương - Mê Kông lần thứ ba cũng hướng trọng tâm vào việc tăng cường hợp tác để giải quyết đại dịch COVID-19, bao gồm các cách thúc đẩy sự phát triển bền vững của khu vực trước những thách thức do dịch bệnh bùng phát gây ra.
Ngoài hợp tác rộng hơn về sức khỏe cộng đồng, 6 quốc gia trong khu vực còn hướng tới việc có tiếng nói chung về bảo vệ môi trường, sinh thái và ứng phó với thiên tai, cùng với việc thúc đẩy thương mại và đầu tư. Các nước tham gia đều nhận thấy sự cấp bách và cần thiết phải nâng cao hợp tác, để giải quyết những thách thức chung một cách tốt hơn.
Phía Trung Quốc cũng hứa sẽ chia sẻ thông tin thủy văn với các nước tiểu vùng sông Mê Kông. Thủ tướng Lý Khắc Cường khẳng định Trung Quốc sẽ làm hết sức mình để giúp các nước đối phó tốt hơn với những thách thức chung.
Đập Vân Nam, một trong những đập thuỷ điện trọng điểm trên sông Mê Kông. Ảnh: Mekong Eye |
Sông Mê Kông dài 4.350 km, chảy qua sáu quốc gia. Bắt nguồn từ Trung Quốc, phần chảy qua lãnh thổ nước này được gọi là sông Lan Thương, rồi chảy qua các quốc gia như Campuchia, Lào, Thái Lan và Myanmar, trước khi đổ ra Biển Đông qua Việt Nam.
Thời gian vừa qua, việc điều tiết nước trên sông Mê Kông của các quốc gia thượng nguồn đã gây ảnh hưởng lớn tới đời sống và sản xuất của khu vực hạ lưu như Campuchia, Việt Nam. Tổ chức Hạ lưu sông Me Kông Initiative, một tổ chức hợp tác đa quốc gia của Mỹ với Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam, đã chỉ ra rằng Trung Quốc giữ lượng nước lớn trong các đập thuỷ điện, trong khi các nước hạ lưu sông Mê Kông trải qua đợt hạn hán ảnh hưởng đến sản xuất, đe dọa an ninh lương thực.
Vì thế, việc chia sẻ dữ liệu thuỷ văn sẽ góp phần minh bạch hoá vấn đề khai thác tài nguyên nước tại khu vực.
Phía Trung Quốc cho rằng sự tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi trên cơ sở bình đẳng, đã chứng kiến kim ngạch thương mại giữa quốc gia tỷ dân và 5 nước khác đạt hơn 260 tỷ USD trong năm 2018, đầu tư của Trung Quốc vào các nước này đã vượt quá 45 tỷ USD. Trung Quốc cũng là đối tác lớn của 5 nước trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, công nghệ, an ninh và nhiều lĩnh vực khác.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp