13/11/2020 11:28
Trump và 5 vấn đề liên quan trong ngày 13/11
Tổng thống Trump ký sắc lệnh mới khiến Trung Quốc lại 'lãnh đòn', song song đó ông vẫn tiến hành nỗ lực pháp lý với cáo buộc bầu cử gian lận.
Tòa án Pennsylvania xử Trump thắng, nhiều phiếu bầu vô danh bị loại
Thẩm phán Tòa án Pennsylvania vừa ra phán quyết ủng hộ đơn kháng cáo của ông Trump và không công nhận các phiếu bầu thiếu thông tin nhận dạng cử tri theo quy định.
Nhân viên scan phiếu bầu ở Trung tâm Hội nghị Pennsylvania Convention Center hôm 5/11. Ảnh: WHYY. |
Tòa án phúc thẩm Pennsylvania vừa tuyên bố ủng hộ đơn kháng cáo của Tổng thống Donald Trump về tính hợp pháp của việc kiểm phiếu qua đường bưu điện trong cuộc bầu cử hôm 3/11. Theo đó, vụ kiện liên quan đến lá phiếu của những cử tri không thể xác minh danh tính, theo VTC News.
Theo luật Pennsylvania, các cử tri có thể xác minh tính xác thực của họ trong vòng 6 ngày kể từ ngày bầu cử, tức là cho đến ngày 9/11. Tuy nhiên, quan chức cấp cao của Pennsylvania là Kathy Boockvar đã gia hạn đến ngày 12/11.
Hôm 12/11, Thẩm phán Mary Hannah Leavitt đưa ra phán quyết với nội dung Tòa án Pennsylvania phán quyết rằng bà Kathy Boockvar, với tư cách là bộ trưởng của Khối thịnh vượng chung Pennsylvabia, không có thẩm quyền chỉ đạo thay đổi thời hạn để xác minh danh tính của một số cử tri.
Tòa án phúc thẩm Pennsylvania vừa tuyên bố ủng hộ đơn kiện của Tổng thống Donald Trump.
Theo Philadelphia Inquirer, Thẩm phán Mary Hannah Leavitt đã yêu cầu ủy ban bầu cử các hạt thuộc Pennsylvania không kiểm các lá phiếu bầu không hợp lệ trên. Trong một phán quyết hôm 5/11, tòa án cũng đã yêu cầu tách riêng các phiếu bầu này cho đến khi có phán quyết tiếp theo.
Trump kháng cáo Philadelphia, cáo buộc hàng nghìn phiếu bầu sai sót
Nhân viên bầu cử ở Trung tâm Hội nghị Pennsylvania ở Philadelphia hôm 3/11. Ảnh: New York Times |
Chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump kháng cáo sau khi Hội đồng Bầu cử thành phố Philadelphia bác đơn kiện của họ, trong đó ứng viên đảng Cộng hòa cáo buộc hàng nghìn phiếu bầu được kiểm không đúng cách và lẽ ra phải bị từ chối theo luật của bang, theo Dân Trí.
Trong 5 hồ sơ gửi tòa tại thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania, chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump cáo buộc các nhà chức trách đã sai sót khi kiểm đếm cả những phiếu bầu thiếu thông tin.
Chiến dịch tranh cử của ứng viên đảng Cộng hòa cho biết tổng cộng có hơn 8.000 phiếu bầu không hợp lệ vì nhiều lý do khác nhau như thiếu tên, ngày tháng hoặc địa chỉ.
Tòa án thành phố Philadelphia sẽ tổ chức phiên điều trần về tất cả kháng cáo trên vào 10h sáng 13/11 theo giờ địa phương.
Theo tính toán của các hãng truyền thông, ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden giành chiến thắng tại Pennsylvania - bang chiến trường với 20 phiếu đại cử tri. Hai ứng viên tổng thống bám đuổi sát nút tại bang này, với tỷ lệ phiếu bầu dành cho ông Biden là 49,8%, còn ông Trump là 49%, theo Fox News.
Trump tố 2,7 triệu phiếu bầu 'bị xóa'
Trump tố phần mềm bầu cử Dominion "xóa" 2,7 triệu phiếu bầu của ông hoặc "chuyển" chúng sang cho Biden, nhưng giới chức bầu cử bác bỏ.
Các nhân viên kiểm phiếu ở hạt Lehigh, bang Pennsylvania hôm 5/11. Ảnh: AP. |
Cáo buộc này của Trump được ông dẫn từ Chanel Rion, một thành viên website cánh hữu One America News Network (OANN). Twitter ngay sau đó đã dán nhãn cảnh báo "tuyên bố về gian lận bầu cử này đang có nhiều tranh cãi" dưới bài đăng của Trump, theo VnExpress.
Dù vậy, cáo buộc của Trump vẫn được nhiều người ủng hộ và những người cánh hữu ủng hộ nhiệt liệt, cho rằng đây là một bằng chứng nữa về tình trạng gian lận bầu cử diện rộng gây bất lợi cho Tổng thống.
Cáo buộc này dường như bắt nguồn từ một trục trặc trong hệ thống bầu cử Dominion do công ty Dominion Voting Systems phát triển được phát hiện tại hạt Antrim, bang Michigan. Giới chức bầu cử hạt Antrim phát hiện sự cố này và lập tức thông báo trên Facebook hôm 4/11, một ngày sau bầu cử, cho hay phần mềm đã không được cập nhật đúng cách và đã nhanh chóng được khắc phục, các phiếu bầu cũng đã được kiểm lại.
Trên thực tế, không có bằng chứng nào cho thấy xảy ra gian lận trên diện rộng trong cuộc bầu cử 2020 hay có vấn đề lớn trong hệ thống bỏ phiếu của Dominion.
Giới chức bầu cử từ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều tuyên bố rằng cuộc bầu cử diễn ra suôn sẻ và các quan sát viên quốc tế cũng xác nhận không có dấu hiệu nào bất thường nghiêm trọng.
Tổng thống Trump ký sắc lệnh mới, Trung Quốc 'lãnh đòn'
Ngày 12/11, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã công bố một sắc lệnh hành pháp, trong đó cấm các hoạt động đầu tư của Mỹ vào các công ty Trung Quốc, vốn bị Washington cho là do quân đội Trung Quốc sở hữu hoặc kiểm soát, theo TGVN.
Chính quyền của Tổng thống Trump đã công bố một sắc lệnh hành pháp, trong đó cấm các hoạt động đầu tư của Mỹ vào các công ty Trung Quốc. Nguồn: Politico |
Giới quan sát nhận định, động thái trên nhằm mục đích gia tăng sức ép đối với Trung Quốc sau cuộc bầu cử Mỹ. Sắc lệnh hành pháp mới có thể tác động tới một số công ty hàng đầu của Trung Quốc, trong đó có 2 hãng viễn thông China Telecom và China Mobile, cũng như nhà sản xuất thiết bị giám sát Hikvision.
Sắc lệnh hành pháp mới ngăn chặn các nhà đầu tư, quỹ lương hưu và những tổ chức khác của Mỹ mua và bán cổ phần của 31 công ty Trung Quốc, vốn bị Bộ Quốc phòng Mỹ hồi đầu năm nay xác định là do quân đội Trung Quốc hậu thuẫn.
Kể từ ngày 11/1/2021, sắc lệnh sẽ cấm các nhà đầu tư Mỹ thực hiện giao dịch chứng khoán của 31 công ty này.
Trong sắc lệnh, Tổng thống Trump cho biết, ông phát hiện Trung Quốc “ngày càng lợi dụng nguồn vốn của Mỹ để trang bị, thúc đẩy phát triển và hiện đại hóa quân đội, lực lượng tình báo và các bộ máy an ninh khác của nước này, qua đó tiếp tục cho phép Trung Quốc đe dọa trực tiếp lãnh thổ Mỹ và các lực lượng Mỹ ở nước ngoài”.
Đảng Cộng hòa hối thúc Trump gửi báo cáo mật cho Biden
Nhiều thượng nghị sĩ Cộng hòa đề nghị chính quyền Trump cho phép Biden nhận các thông tin tình báo quan trọng, ngầm thừa nhận chiến thắng của ông.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa John Cornyn tại thủ đô Washington hồi tháng 9/2018. Ảnh: Reuters. |
Các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa, gồm John Cornyn, Ron Johnson, James Lankford, Chuck Grassley và Lindsey Graham, đang thúc giục chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump chia sẻ Báo cáo Tình báo Tổng thống (PDB), một bản tóm tắt thông tin tình báo mật hàng ngày, cho Joe Biden.
Theo truyền thống, tổng thống đắc cử thường được cung cấp PDB do tình báo Mỹ xây dựng hàng ngày, để nắm được những mối đe dọa mà Mỹ phải đối mặt trước khi nhậm chức. Tổng thống Trump cũng có thể ra lệnh cho tình báo Mỹ cung cấp thông tin này cho Biden, nhưng ông chưa làm vậy.
"Tôi không nghĩ đó là một đề xuất rủi ro cao. Tôi chỉ nghĩ đó là một phần của quá trình chuyển giao quyền lực", Cornyn cho biết, song từ chối nói rằng ứng viên Dân chủ Biden đã chiến thắng.
Khi được hỏi về đề xuất cho phép Biden nhận tin PDB, thượng nghị sĩ Graham, người luôn bênh vực Tổng thống Trump, cũng đồng tình với ý tưởng này.
Tuy nhiên, Lãnh đạo phe Cộng hòa tại Hạ viện Kevin McCarthy cho biết ông hoàn toàn phản đối đề xuất. "Hiện ông ta không phải tổng thống. Tôi cũng không rõ liệu ông ấy có trở thành tổng thống vào ngày 20/1 hay không", McCarthy nói, từ chối thừa nhận thất bại của Tổng thống Trump.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và Lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer hôm 12/11 đã chỉ trích chính quyền Trump chậm trễ chuyển giao quyền lực cho Biden. Các lãnh đạo Dân chủ cũng kêu gọi đảng Cộng hòa cùng họ giải quyết đại dịch và củng cố nền kinh tế đang bị tàn phá.
(Tổng hợp)
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp