23/10/2018 23:27
"Trùm mền" hơn 10 năm, dự án The Mark lại vướng vào tranh chấp mới
Sau khi cầu cứu Thủ tướng vào cuối tháng 9/2017, các cổ đông góp vốn vào dự án The Mark lại vướng vào việc tranh chấp 400 tỷ đồng.
Dự án The Mark có vị trí đắc địa tại quận 7, TP.HCM với diện tích khoảng 29.310m2, tổng mức đầu tư ban đầu là 79 triệu USD. Dự án này được UBND TP.HCM cấp phép đầu tư cho Công ty TNHH Quy hoạch và Phát triển nhà Việt Nam-Hàn Quốc (VK Housing) vào tháng 8/2007.
VK Housing là công ty liên doanh góp vốn giữa pháp nhân Việt Nam là Công ty Cổ phần Phát triển và Kinh doanh nhà-HDTC nắm 20% vốn điều lệ cùng với 2 pháp nhân Hàn Quốc là Công ty P&D Korea Co.ltđ (P&D) và Công ty Lucky Vietnam Construction (LVC), nắm 80% vốn điều lệ.
Ngày 21/4/2016, VK Housing được Sở Kế hoạch Đầu tư TP.HCM cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số 0305339044. Đến ngày 29/4/2016, VK Housing được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với mã dự án số 2162333062.
Dự án The Mark ở quận 7 liên tục vướng tranh chấp bởi cổ đông góp vốn. |
Tuy nhiên, tháng 4/2016 khi HDTC hoàn tất thủ tục cổ phần hóa, 70% vốn Nhà nước từ Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn được bán cho Công ty Cổ phần Việt Hân thì nội bộ VK Housing nảy sinh tranh chấp.
HDTC tố cáo VK Housing với hành vi giả mạo hồ sơ, tài liệu tới Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an và đề nghị Sở Kế hoạch Đầu tư TP.HCM thu hồi lại giấy đăng ký doanh nghiệp và giấy chứng nhận đầu tư dự án của VK Housing với lý do, hai pháp nhân Hàn Quốc là P&D và LVC đã bị Tòa án Seoul tuyên phá sản nên không còn khả năng thực hiện dự án The Mark.
VK Housing đã kêu cứu đến Thủ tướng. Sau đó, UBND TP.HCM đã có công văn 6649/UBND-DA ngày 22/112016, không chấm dứt hoạt động của dự án The Mark và không thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án, chấp thuận cho VK Housing tiếp trục triển khai dự án, được giãn tiến độ…
Hơn 1 năm sau, cuộc chiến nội bộ giữa các cổ đông của dự án The Mark lại bùng phát. Sau khi Công ty LVC và P&D tuyên bố phá sản thì cổ phần của 2 công ty này được chuyển nhượng cho DWS Star Bridge Co., Ltd-DWS. DWS sau đó đã được công nhận quyền thay thế góp vốn tại VK Housing.
Mới đây, DWS đã gửi đơn cầu cứu với nội dung tố Ngân hàng Woori đã chiếm đoạt 400 tỷ đồng của công ty này từ tháng 12/2016 đến nay. Số tiền 400 tỷ đồng này được xác định liên quan đến hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất số BA489719 tại dự án The Mark tại quận 7, TP.HCM.
Cụ thể, để thực hiện dự án The Mark, VK Housing đã vay của DWS gần 15 tỷ Won. Tuy nhiên, là đơn vị cho vay theo thỏa thuận nhưng DWS lại không có chức năng cho vay nên DWS đã ủy thác cho Ngân hàng Woori nhận và quản lý phần tài sản thế chấp của HDTC, có trả phí hằng năm.
Hợp đồng ủy thác của DWS cho Ngân hàng Woori tại TP.HCM quy định rõ, Woori không thể tự ý từ bỏ, chuyển nhượng, xử lý tài sản đảm bảo hay chấm dứt hợp đồng đảm bảo quản lý vốn khi không có sự đồng ý hay sự chỉ định bằng văn bản của DWS.
Tuy nhiên, theo đơn tố cáo của DWS thì Ngân hàng Woori TP.HCM đã vi phạm thỏa thuận hợp đồng đảm bảo quản lý vốn được xác lập giữa 2 bên khi tự ý nhận tiền từ HDTC và trả chứng nhận quyền sử dụng đất đã thế chấp cho HDTC mà không thông báo cho DWS biết.
Phía DWS cho rằng, Ngân hàng Woori đã có hành vi cố tình chiếm đoạt 400 tỷ đồng thông qua việc tự ý nhận tiền từ HTDC khi chưa đảm bảo các điều kiện của hợp đồng thế chấp, hợp đồng bảo lãnh và chưa được sự đồng ý của bên cho vay là DWS.
Sau 10 năm, dự án vẫn là bãi đất trống. |
Sau đó, đại diện DWS đã có buổi làm việc, yêu cầu Ngân hàng Woori làm rõ 3 vấn đề là căn cứ hoàn trả chứng nhận quyền sử dụng đất cho HDTC? Khoản vay của HDTC chưa được tất toán theo hợp đồng bảo lãnh, hợp đồng vay tại sao Ngân hàng Woori lại đơn phương thực hiện việc hoàn trả quyền sử dụng đất cho HDTC? Ngân hàng Woori có nhận tiền từ HDTC để giải tỏa thế chấp hay không? Tuy nhiên, Ngân hàng Woori đã từ chối trả lời các vấn đề này.
Ông Lin Kuo Wei, Tổng giám đốc DWS cho biết: “Chúng tôi không rõ dựa vào đâu mà HDTC chuyển 400 tỷ đồng cho Ngân hàng Woori chi nhánh TP.HCM và căn cứ nào để Woori Bank nhận số tiền này từ HTDC. Nếu 400 tỷ đồng này dùng để hoàn trả cho khoản vay 15 tỷ Won theo hợp đồng vay cho mục đích nhận lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì số tiền này phải trả cho DWS. Nếu 400 tỷ đồng này là dựa vào việc HTDC đã nhận của VK Housing 394 tỷ đồng thì số tiền này phải trả lại cho VK Housing để công ty này thanh toán khoản vay 15 tỷ Won cho DWS”.
Tổng giám đốc DWS cho biết thêm, dù có hoàn trả cho DWS hay VK Housing thì số tiền 400 tỷ đồng này cũng chưa đủ thanh toán cho khoản vay 15 tỷ Won của DWS, gồm cả gốc và lãi mà HTDC là bên có nghĩa vụ bảo đảm cho khoản vay này. Do đó, Woori Bank TP.HCM chưa thể giải phóng nghĩa vụ của HTDC ra khỏi các Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và hợp đồng vay đã ký.
Các cổ đông góp vốn vào dự án The Mark tiếp tục phát sinh tranh chấp mới khiến dự án này tiếp tục "trùm mền". Hơn 10 năm sau ngày được chấp thuận đầu tư, The Mark vẫn là bãi đất trống.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp