13/11/2020 18:51
Trữ tiền, gom đất, con đường kinh doanh bất động sản của Tân Hiệp Phát lớn mạnh ra sao?
Lãi hàng nghìn tỷ đồng, có trong tay lượng “tiền tươi” lớn, gia đình Tân Hiệp Phát đã và đang gom nhiều “đất vàng” để kinh doanh bất động sản.
Tích trữ được lượng tiền lớn, kinh nghiệm kinh doanh đến giai đoạn chín muồi, các doanh nghiệp bắt đầu “lấn” sang sân này, sân nọ, mộng thành doanh nghiệp đa ngành. Tập đoàn Tân Hiệp Phát cũng vậy. Đình đám hơn cả vụ gom cổ phiếu Công ty Cổ phần Tập đoàn Yeah1, gia nghiệp ông Trần Quý Thanh đang âm thầm hướng đến miếng mồi ngon bất động sản.
Tân Hiệp Phát “đi đường vòng” với bất động sản
Năm 2018, Chủ tịch HĐQT Trần Quý Thanh gây tò mò khi tuyên bố sẽ lấn sân sang lĩnh vực bất động sản. Ông nhấn mạnh đây là ngành quan trọng trong chiến lược kinh doanh của tập đoàn này. Thời điểm đó, ông chủ Tân Hiệp Phát phát ngôn khá “dè chừng” với báo chí và chỉ khẳng định bản thân đang tích lũy dần kinh nghiệm ở lĩnh vực này, thời cơ chín muồi sẽ “nhảy” sang.
Thế nhưng, chuyển “lấn sân” đã được Tập đoàn Tân Hiệp Phát chuẩn bị từ năm 2017. Vào tháng 6/2017, ông Thanh đã từng tham gia vào HĐQT của Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn và sở hữu 478.482 cổ phiếu của doanh nghiệp này. Đầu năm 2018, khi Địa ốc Sài Gòn chính thức xuất hiện ở HOSE, ông Thanh trở thành một người giàu trên sàn chứng khoán.
Đến tháng 5/2018, Tân Hiệp Phát cùng nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn trên địa bàn đứng ra thành lập Câu lạc bộ Bất động sản TP.HCM, trực thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA). Đây được xem như là động thái chính thức của Tân Hiệp Phát để công khai việc bắt đầu gia nhập cuộc chơi.
Ông Trần Quý Thanh nằm trong nhóm thành viên sáng lập Câu lạc bộ Bất động sản TP.HCM. |
Thú vị ở chỗ, Tân Hiệp Phát chọn điểm rơi cho việc “lấn sân” ngay đúng thị trường địa ốc khu vực TP.HCM gần như đóng băng. Lúc bấy giờ, thị trường hầu như không có đất sạch để làm dự án, do quỹ đất ở các thành phố lớn ngày càng cạn kiệt.
Thế là Tân Hiệp Phát phải “đi đường vòng”. Tập đoàn này nhắm vào những khu đất mà Nhà nước hoặc ngân hàng sẽ mang ra đấu giá vì nhiều lý do khác nhau. Gia đình ông Thanh thành lập công ty mua bán nợ là để thuận lợi hơn trong việc tìm quỹ đất sạch theo cách thức nói trên.
Lãi hơn 7.000 tỷ đồng trong một năm
Thị trường rỉ tai nhau về việc Tân Hiệp Phát “nhảy” sang kinh doanh bất động sản. Người chưa am hiểu đôi khi lại cười nửa miệng khi nghe một công ty sản xuất nước giải khát lại đặt chân lên mảng điền địa. Nhưng với những doanh nhân trong nghề, câu cửa miệng tựu trung mỗi khi nhận xét về gia đình ông Trần Quý Thanh chính là: “Họ rất giàu!”.
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, trong 4 năm gần đây, một số doanh nghiệp lớn của nhóm Tân Hiệp Phát đều có sự tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận tích cực, mà trụ cột là Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Tân Hiệp Phát, Công ty TNHH Number One Hà Nam và Công ty TNHH Number One Chu Lai.
Tân Hiệp Phát tỏ ra vượt trội về kết quả kinh doanh khi đều đặn ghi nhận doanh thu thuần trong 3 năm gần nhất đều đạt trên 5.000 tỷ đồng. Năm ngoái, doanh nghiệp báo lãi thuần lên tới 1.554,38 tỷ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận lên tới 26,5%, cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.
Chỉ tính riêng 3 doanh nghiệp kể trên, lợi nhuận thuần tổng cộng đã lên đến 7.161,6 tỷ đồng. Phần lớn khoản tiền lãi khổng lồ này đã được phân phối lại cho gia đình “Dr. Thanh”.
Nhờ đó, các thành viên trong gia đình ông Trần Quý Thanh như chị em Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích, sở hữu rất nhiều sổ tiết kiệm và chứng chỉ tiền gửi với giá trị lớn tại hàng loạt nhà băng.
Với lượng “tiền tươi” kể trên, nếu muốn, nhà Tân Hiệp Phát cũng có thể trở một địa chỉ "vay nóng" tiềm năng. Trong quá khứ, hoạt động điều tra xét xử đại án Ngân hàng Xây dựng (CBBank) từng tiết lộ chuyện đại gia Phạm Công Danh, trong quá trình thu xếp vốn để thâu tóm CBBank, cũng đã phải tìm đến ông Trần Quý Thanh để vay tiền.
Lập công ty mua bán nợ nhưng chỉ để gom đất?
Với lượng tiền mặt khổng lồ và không ngừng khổng lồ thêm, Tập đoàn Tân Hiệp Phát sở hữu một lợi thế đáng kể về nguồn lực để tham gia các thương vụ xử lý nợ xấu cho các nhà băng, qua đó nhận về các tài sản bảo đảm mà phổ biến hơn cả là các bất động sản.
Tháng 8/2018, Tân Hiệp Phát công bố thành lập Công ty TNHH Mua bán nợ VNAMC với hai cổ đông lớn nhất là bà Trần Ngọc Bích và Trần Uyên Phương, đều là con gái của ông Thanh, tỷ lệ góp vốn 50 - 50. Bà Bích vừa làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty này.
Đặt trụ sở chính đặt tại số 194 Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, TP.HCM, VNAMC có vốn điều lệ ban đầu 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, dữ liệu của VietTimes cho thấy, VNAMC vẫn chưa phát sinh doanh thu, cùng đó báo lỗ vài triệu đồng mỗi năm do các khoản chi phí quản lý doanh nghiệp trong kỳ.
Cụ thể, năm 2019, VNAMC báo lỗ thuần ở mức 11,4 triệu đồng, trong khi năm 2018 lỗ 3,6 triệu đồng. Đến cuối năm 2019, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của VNAMC đều là 99,9 tỷ đồng. Có nghĩa, tài sản của công ty này vẫn hoàn toàn là vốn góp của chủ sở hữu chứ công ty gần như chưa hoạt động suốt 2 năm qua.
Gia đình ông Trần Quý Thanh chia nhau sở hữu VNAMC và hàng chục công ty bất động sản được thành lập sau đó. Ảnh: THP |
Gọi là công ty mua bán nợ nhưng rất có thể VNAMC chỉ là công ty mua nợ, qua đó, mua bất động sản thế chấp gắn liền với khoản nợ đó. Việc này càng rõ ràng hơn vì sau khi thành lập VNAMC, tháng 4/2019, gia đình ông Trần Quý Thanh liên tiếp thành lập hơn chục công ty có đăng ký hoạt động kinh doanh chính trong lĩnh vực bất động sản, với tổng vốn điều lệ gần 19.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên đến nay, hầu hết các pháp nhân bất động sản kể trên đều đã ngừng hoạt động và đóng mã số thuế.
Liên tiếp gom được “đất vàng”
Trở lại thời điểm lần đầu tiên ông Trần Quý Thanh chia sẻ với báo chí về mộng địa điền. Lúc bấy giờ, “Dr. Thanh” có tiết lộ: "Nếu nói Tân Hiệp Phát không có quỹ đất thì có vẻ hơi khiêm tốn. Tập đoàn hiện có một vài quỹ đất nho nhỏ, chỉ nói riêng 4 nhà máy chúng tôi đã có 160 ha. Đất mà Tân Hiệp Phát có thể sử dụng, cái trong khu công nghiệp, cái ngoài khu công nghiệp. Nguồn vốn đầu tư vào bất động sản cũng nhỏ thôi, khoảng vài nghìn tỷ đồng”.
Với định hướng gom đất riêng, Tập đòn Tân Hiệp Phát đã sở hữu nhiều lô "đất vàng" tại Đà Nẵng, TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Mới đây, ông Trần Quý Thanh được cho là đã chi 600 tỷ đồng để “mua sỉ” 22 căn hộ hạng sang tại The River Thủ Thiêm. |
Tại Đà Nẵng, Tân Hiệp Phát sở hữu lô đất 12.077 m2 trên tuyến đường Bạch Đằng - phía Bắc đường dẫn vào cầu Sông Hàn và lô đất diện tích 1.836 m2 nằm trên trục nối giữa đường Ngô Quyền và Trần Hưng Đạo (chuyển nhượng năm 2016). Được biết, 2 lô đất này được chuyển nhượng vào thời điểm cuối năm 2016 từ ông Phạm Đăng Quan, Phó quản trị HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Phương Trang (chủ nhà xe Phương Trang - Futabus).
Theo thông tin từ Tân Hiệp Phát, doanh nghiệp sẽ xây dựng dự án đầu tiên của mình tại Đà Nẵng. Dự án có tên là Suntory Bay, nằm gần cầu sông Hàn, có thể là trên lô đất 12.077 m2. "Với vị trí đó, chúng tôi dự định sẽ xây căn hộ nghỉ dưỡng - condotel hạng sang, giá từ 60-70 triệu đồng/m2. Dự kiến vốn đầu tư sẽ từ 4.000-5.000 tỷ đồng", Chủ tịch Tân Hiệp Phát tiết lộ.
Phối cảnh Suntory Bay, dự án đầu tiên của Tân Hiệp Phát. Nguồn: THP |
Tại TP.HCM, vào tháng 4/2018, Tân Hiệp Phát đã nhận được 8 mảnh “đất vàng” với giá 163 tỷ đồng từ bà Đinh Thị Tuyết Nhung. Trước đó, 8 mảnh đất này đã được bà Nhung thế chấp ngân hàng.
Tại Vũng Tàu, vào tháng 5/2019, ông Trần Qúy Thanh đã đấu giá thành công khu đất 18.000 m2 giữa trung tâm thành phố, trị giá 394 tỷ đồng. Đối với khu đất này, Tân Hiệp Phát dự định sẽ xây dựng chung cư cao cấp, giá bán sẽ được công bố sau khi hoàn tất khâu thiết kế.
Bên cạnh đó, bà Trần Bích Ngọc cũng đã trúng thầu khu đất 2 ha tại huyện Đất Đỏ, với giá 170 tỷ đồng. Trước đó chưa lâu, bà Ngọc cũng vừa thắng thầu khu đất 9.994,8 m2 tại đường Bến Đầm (huyện Côn Đảo) với giá 80,1 tỷ đồng. Được biết, khu đất này có mục đích sử dụng đất là đất thương mại dịch vụ, thời hạn cho thuê đất là 50 năm. Khu đất ở Côn Đảo đã được phê duyệt xây dựng khu du lịch, nhà nghỉ.
Hai cô con gái nhà "Dr. Thanh" đã đứng tên tại khá nhiều khu đất tại Vũng Tàu, TP.HCM,... Ảnh: Nhịp Sống Kinh Tế |
Gần đây, bà Trần Uyên Phương cũng ghi tên mình trong một dự án nhà ở Long Thành, Đồng Nai và 2 khu đất ở TP.HCM. Dự án ở Đồng Nai chính là Khu dân cư dịch vụ tại xã An Phước có tổng diện tích hơn 56 ha, do Công ty Cổ phần Bất động sản Minh Thành Đồng Nai đầu tư.
2 khu đất ở TP.HCM gồm một khu có diện tích gần 3.000 m2 tại số 230 Hồ Học Lãm, phường An Lạc, quận Bình Tân và khu đất có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 402 tờ bản đồ số 44-TL 2005 tại phường An Lạc, diện tích 2.400 m2.
Hiện tại, bà Trần Uyên Phương đều đang bị tố cáo chiếm đoạt tài sản, cho vay “nóng” liên quan đến các khu đất kể trên. Bà Phương đang bị phía Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim Oanh Đồng Nai tố cáo về dự án ở Long Thành; bị ông Nguyễn Văn Chung tố cáo về hai khu đất ở TP.HCM.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp