04/05/2021 14:30
Triệu chứng nhận biết sốt virus và sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết và sốt virus là hai bệnh hoàn toàn khác nhau nhưng ở giai đoạn ban đầu, những triệu chứng xảy ra khá giống nhau khiến nhiều người bị nhầm lẫn.
1. Triệu chứng sốt virus
Tùy từng loại virus mà bệnh nhân có thể gặp phải những triệu chứng bệnh nặng nhẹ khác nhau. Cụ thể là:
Bệnh nhân sốt cao từ 39 đến 40 độ C, cơ thể mệt mỏi, uể oải và đáp ứng kém với một số loại thuốc hạ sốt.
Người bệnh có thể gặp phải một số triệu chứng như chảy nhiều dịch mũi, đau họng, ho…
Một số biểu hiện của tình trạng rối loạn tiêu hóa, chẳng hạn như đi đại tiện phân lỏng...
Người bệnh có thể kèm theo dấu hiệu nôn và buồn nôn…
Bệnh nhân bị nổi hạch ở cùng đầu mặt cổ, có thể phát hiện dễ dàng bằng cách sờ, ấn bằng tay.
Trường hợp bệnh nhân là người lớn thì thường có cảm giác đau nhức, khó chịu, đau nhức đầu, nhức mắt… Với trẻ nhỏ, các bé sẽ có biểu hiện quấy khóc nhiều hơn bình thường, thậm chí trẻ có thể bị co giật vì sốt cao.
Sau khi sốt khoảng 2 ngày, người bệnh bắt đầu có biểu hiện nổi những mẩn đỏ trên da.
2. Triệu chứng của sốt xuất huyết
Những triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết có thể khác nhau qua từng giai đoạn. Cụ thể như sau:
Ở giai đoạn khởi phát
Đây là giai đoạn 3 ngày đầu tiên của bệnh. Bệnh nhân có biểu hiện đột ngột sốt cao, sốt lên tới 39 - 40 độ C. Kèm theo đó là tình trạng mệt mỏi, đau nhức đầu, đau hốc mắt và cũng có triệu chứng chảy nhiều dịch mũi, đau họng, ho… giống như biểu hiện ở bệnh nhân bị sốt virus.
Giai đoạn toàn phát:
Ở giai đoạn này, người bệnh có thể hạ sốt nhưng sẽ có thể bị giảm tiểu cầu trong máu và bắt đầu có triệu chứng xuất huyết từ nhẹ đến nặng. Đây là giai đoạn dễ xảy ra biến chứng.
Tình trạng xuất huyết dưới da, kèm theo biểu hiện ngứa da.
Xuất huyết đường tiêu hóa: Bệnh nhân đi ngoài phân đen, đi ngoài có lẫn máu hoặc nôn ra máu.
Một số trường hợp khác có thể bị chảy máu cam, chảy máu chân răng, phụ nữ bị xuất huyết âm đạo không phải do đến ngày nguyệt san.
Những trường hợp nghiêm trọng có thể bị xuất huyết não hoặc chảy máu trong ổ bụng, rất nguy hiểm.
Một số bệnh nhân bị hạ huyết áp hoặc bị sốc vì tình trạng giảm khối lượng tuần hoàn.
Giai đoạn hồi phục
Ở giai đoạn này, bệnh nhân hết sốt và cơ thể dần khỏe trở lại, tiểu cầu tăng dần.
3. Cách chăm sóc đối với người bệnh bị sốt virus và sốt xuất huyết
Đối với những trường hợp bị sốt xuất huyết
Khi có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh, người bệnh cần phải đến thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín. Tại đây, các bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện những xét nghiệm cần thiết để nhận biết bệnh.
Nếu bệnh nhân sốt cao trên 38,5 độ cần sử dụng thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của bác sĩ, không được sử dụng thuốc aspirin, analgin…Đồng thời, người bệnh cũng không nên tự ý truyền dịch.
Trong trường hợp bệnh nhân sốt cao mà không thấy đỡ thì cần đến bệnh viện. Một số trường hợp bệnh nhân nặng cần phải nằm viện để theo dõi. Đối với các trường hợp nhẹ thì có thể điều trị tại nhà theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Đối với trường hợp bị sốt virus
Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu dành cho bệnh nhân bị sốt virus.
Bệnh nhân sốt cao trên 38,5 độ C nên uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ.
Khi sốt cao, người bệnh rất dễ bị mất nước. Vì thế, cần cho bệnh nhân uống nhiều nước, có thể nước lọc hoặc nước ép hoa quả, nước điện giải oresol.
Bệnh nhân nên ở nhà, không nên tiếp xúc với nhiều người để tránh lây bệnh cho người khỏe mạnh.
Phương pháp phòng bệnh
Đối với bệnh sốt xuất huyết: Cách phòng bệnh tốt nhất là nên phòng chống muỗi đốt bằng cách ngủ buông màn, mặc quần áo dài tay khi phải đi vào vùng có nhiều muỗi, đồng thời diệt muỗi, hạn chế sự sinh sản của muỗi bằng cách phát quang bụi rậm, đậy kín các dụng cụ chứa nước.
Đối với bệnh sốt virus: Bạn có thể ngăn ngừa bệnh bằng cách ăn uống đủ chất, tập luyện thường xuyên để tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ cơ thể, hạn chế bị tấn công bởi các loại virus gây bệnh. Nếu gia đình hoặc khu dân cư hay nơi làm việc có người bị bệnh thì cần chủ động phòng ngừa lây nhiễm bệnh bằng cách hạn chế tiếp xúc với người bệnh.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp