10/08/2019 07:02
Trên thế giới có bao nhiêu loại bia?
Bia là một trong các đồ uống có cồn lâu đời nhất từ thiên niên kỷ 5 TCN và được ưa chuộng khắp thế giới. Vậy bia có bao nhiêu loại?
Nếu bạn đã từng vào một quán bia thủ công (craft beer), hẳn bạn sẽ thấy cả một rừng tên các loại bia mà nhiều khi người sành điệu cũng lúng tủng không hiểu nó là gì. Thường thì người mới làm quen chỉ phân biệt bia vàng và bia đen. Nhưng am hiểu kỹ hơn về các loại bia khác nhau sẽ giúp bạn chọn lựa được loại bia phù hợp. Mỗi loại bia khác nhau sẽ có những đặc trưng khác nhau.
Bia chai và bia lon
Nồng độ cồn và lượng đường của bia chai, bia lon cao hơn bia hơi và bia tươi. Quá trình lên men của bia chai, bia lon cũng diễn ra lâu hơn. Cụ thể, lên men chính khoảng 7 đến 8 ngày, lên men phụ khoảng 4 ngày. Sau khi trải qua quá trình thanh trùng, khí CO2 được bơm vào bia nhằm tăng thời gian bảo quản.
Thời gian bảo quản bia chai, bia lon lâu khoảng vài tháng. Bia chai và bia lon chỉ khác nhau ở quy cách đóng gói.
Bia hơi
Bia hơi có thời gian lên men bia ngắn (7 đến 10 ngày), độ đường thấp. Sau khi lên men không cần lọc các nấm men, bia hơi được chiết vào các thùng chứa đã được làm sạch bằng khí nén, nước nóng và xút. Sau đó, bia được thanh trùng bằng hơi nóng nhiệt độ cao (135 độ C) và được làm lạnh lại. Thời gian bảo quản bia hơi ngắn khoảng 3 ngày.
Bia tươi
Bia tươi có thời gian lên men dài gấp đôi bia hơi và được nấu với độ đường cao hơn. Sau khi lên men, bia tươi được lọc hết các nấm men và trải qua quá trình thanh trùng như bia hơi. Do vậy, bia tươi không lẫn vi sinh vật, tạp chất và uống rất mát. Thời gian bảo quản bia tươi ngắn khoảng 3 ngày.
Bia sệt
Bia sệt là các loại bia như bia chai, bia tươi, bia hơi… được làm lạnh bằng phương pháp ướp lạnh phun sương đặc biệt, tạo lớp tuyết bao phủ bên ngoài chai bia, nhưng bia ở bên trong vẫn ở dạng lỏng. Bia sệt có độ lạnh lý tưởng để uống, nhưng vẫn giữ nguyên được hương vị, không bị đóng đá bên trong, không bị làm nhạt bởi đá hoặc bia hết lạnh quá nhanh.
Độc đáo với các phương pháp lên men bia
Phương pháp lên men chìm (Lager)
Bia làm theo phương pháp lên men chìm được lên men ở nhiệt độ thấp (khoảng 7-12°C) và men bia nằm ở đáy thùng chứa; loại bia này được gọi là Lager bia. Người Việt mình biết đến loại bia này nhiều nhất, điển hình là bia Sài Gòn, Tiger, Heineken, Budweiser…
Đây là loại bia có màu sáng, hương vị mạnh của hoa bia và có nồng độ cồn từ 3-6%, không chỉ riêng Việt Nam mà cả thế giới đều tiêu thụ loại bia này nhiều nhất.
Phương pháp lên men nổi (Ales)
Đây là loại bia có phương pháp lên men khác với bia Lager, thường được lên men ở nhiệt độ cao hơn (khoảng 18-23°C), men bia nổi trên mặt thùng chứa, loại bia này thường có độ cồn cao hơn bia Lager, vị bia ngọt, có mùi vị của hoa hay các loại trái cây như: táo, lê, chuối, mận… và dòng họ bia Ales này nhiều hơn so với bia Lager. Dòng bia này không phổ biến ở Việt Nam nhưng hiện nay nhiều người đã bị mê hoặc bởi hương vị của dòng bia Ales này.
Phương pháp lên men tự nhiên
Cuối cùng để phân biệt các loại bia đó là phương pháp lên men tự nhiên, đây là quá trình không thêm men bia vào, nhưng nguyên liệu làm bia phải tiếp xúc không khí trong các bể chứa nông, được các loại men trong không khí thúc đẩy quá trình lên men, sau đó bia được tiếp tục lên men trong thùng gỗ trong vài tháng tiếp theo.
Đây là một phương pháp lên men thủ công và vùng thung lũng Zenne ở nước Bỉ nổi tiếng nhất thế giới, ở đây các quy trình sản xuất được quản lý chặt chẽ để đảm bảo chất lượng nhất. Lambic là tên được dành riêng cho bia được sản xuất tại khu vực này.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp