14/12/2020 14:45
Trẻ nhập viện vì cúm tăng, nhiều ca biến chứng não, viêm phổi
Chỉ trong 2 tháng, Bệnh viện Nhi Trung ương ghi nhận 820 ca cúm nhập viện, trong đó có nhiều bệnh nhân biến chứng não, viêm phổi.
Trẻ nhập viện vì cúm tăng cao
TS.BS Đỗ Thiện Hải – Trưởng khoa Nội nhiễm, Trung tâm Bệnh nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương - Hà Nội), cho biết trong 2 tháng qua, đơn vị này ghi nhận nhiều ca nhập viện vì cúm, với nhiều bệnh nhi bị biến chứng nặng.
Nằm li bì trên giường bệnh, bé H.T.V (9 tuổi, quê ở tận Thái Bình) đã qua cơn nguy hiểm nhưng tình trạng sức khỏe còn yếu. Trước đó, V. nhập viện trong tình trạng sốt cao, xuất hiện cơn co giật. Xét nghiệm cho thấy V. bị nhiễm virus cúm A nhưng đã gây biến chứng lên não. Trong thời gian đầu điều trị, V. không ngồi dậy được, nhận thức kém, lơ mơ. Sau điều trị tích cực, hiện bé hồi phục dần, tuy nhiên vẫn còn mệt mỏi.
Tương tự, bé N.M.H (2 tháng tuổi ở Hà Nội) cũng nhập viện do mắc cúm A, với các biểu hiện ban đầu chỉ là ho, sổ mũi. Mẹ bé cho biết bé bị lây cúm từ người chị nhưng bệnh lại diễn biến nhanh, nặng hơn.
Theo bác sĩ Đỗ Thiện Hải, trong 2 tháng qua, đơn vị này ghi nhận tổng số 820 ca cúm nhập viện. Riêng trong tháng 11, con số tới gần 500 ca, tăng 10-20% số bệnh nhân so với trước. Bác sĩ Hải cho hay đây là thời gian giao mùa, lượng bệnh nhân mắc bệnh cúm thường tăng lên. Chủng cúm hay gặp nhất là cúm A và B.
Bệnh nhi bị biến chứng não vì mắc cúm A. |
Đặc điểm của cúm mùa là có thể tự khỏi sau 3- 5 ngày. Tuy nhiên, những trẻ có bệnh mãn tính như hen phế quản, viêm phế quản co thắt, tim mạch thì khi nhiễm cúm có thể làm khởi phát đợt bệnh mới. Trẻ dễ biến chúng sang viêm đường hô hấp cấp, thậm chí tăng nặng hơn như viêm phổi… Nếu không điều trị kịp thời, trẻ có thể đối mặt với nguy cơ tử vong.
Cũng theo bác sĩ Hải, cúm là bệnh đặc trưng của mùa đông xuân, số trẻ em mắc bệnh còn có thể tăng trong những ngày tới. Do đó, các bậc phụ huynh nên tiêm phòng vaccine để phòng bệnh. Khi trẻ bị cúm cần được cách ly và người chăm sóc trẻ phải đeo khẩu trang để phòng lây nhiễm. Các gia đình cần chú ý đảm bảo nơi ở thông thoáng, sạch sẽ, nhiều ánh sáng…
Phòng ngừa bệnh cúm cách nào?
Cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh cúm là thường xuyên rửa tay; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ gìn vệ sinh thân thể và môi trường sống thật tốt.
Tránh tiếp xúc với người nghi ngờ nhiễm khuẩn hô hấp cấp, giữ khoảng cách an toàn; mang khẩu trang y tế khi đến chỗ đông người như bệnh viện, siêu thị, công viên, rạp chiếu phim…. Tăng cường tập thể dục; ăn uống điều độ, nhiều rau xanh, trái cây giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Cách phòng ngừa chủ động tốt và hiệu quả nhất là tiêm phòng vaccine phòng bệnh cúm. Việc tiêm phòng vaccine cúm không chỉ giúp phòng ngừa chủng cúm mùa đang lưu hành, mà còn giúp giảm nhẹ triệu chứng nếu mắc phải các chủng cúm khác, do tính miễn dịch chéo trong vaccine.
Dấu hiệu cúm. |
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus cúm gây nên, thường là do các chủng virus cúm A (H3N2), cúm A (H1N1), cúm B và cúm C. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao qua đường hô hấp, qua các giọt nước bọt hoặc dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc, tiếp xúc với các đồ vật bị nhiễm mầm bệnh… Bệnh xuất hiện quanh năm và thường tăng cao hơn vào mùa đông xuân. Biểu hiện của bệnh thường là: hắt hơi, sổ mũi, đau họng, sốt, ho, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi... Bệnh thường diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch... bệnh có thể diễn biến nặng, gây các biến chứng, trong đó có viêm phổi, và có thể dẫn đến tử vong. Một số chủng cúm đã có vaccine phòng bệnh. |
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp