19/06/2020 11:00
Trẻ em dễ bị trầm cảm trong nhiều năm sau đại dịch
Theo nghiên cứu của Anh, trẻ nhỏ và thanh thiếu niên có khả năng bị trầm cảm và lo lắng cao trong nhiều năm sau khi lệnh giãn cách do dịch COVID-19.
Đại dịch COVID-19 đã và đang khiến tinh thần và tâm lý rất nhiều người bị tổn thương. Ở lĩnh vực sức khỏe tâm thần, các chuyên gia cho rằng đại dịch này đang gây ra một cú sốc lớn, stress nặng cho con người. Chúng ta cần phải đối mặt và giữ vững tinh thần, vượt qua đại dịch này…
Trẻ em là đối tượng có khả năng bị trầm cảm và lo lắng cao trong nhiều năm sau khi dịch COVID-19 kết thúc. Ảnh minh họa |
Theo nghiên cứu mới từ Anh, trẻ nhỏ và thanh thiếu niên có khả năng bị trầm cảm và lo lắng cao trong nhiều năm sau khi lệnh giãn cách do dịch COVID-19 kết thúc.
Vì vậy, chính phủ, trường học và xã hội cần hợp tác để bảo vệ các em. Nhóm các chuyên gia từ Đại học Bath, Anh phân tích hơn 60 nghiên cứu mới về các chủ đề bao gồm sự cô lập, cô đơn và sức khỏe tâm thần của những người từ 4-21 tuổi trong đại dịch. Nhóm đi đến kết luận rằng, những người trẻ tuổi đã trải qua sự cô đơn trong suốt thời gian cách ly xã hội có thể đối mặt nguy cơ trầm cảm cao gấp ba lần trong tương lai so với mức trung bình trước đây.
Hơn nữa, tác động đến sức khỏe tinh thần này có thể kéo dài ít nhất chín năm. Tại Trung Quốc, sau hơn hai tháng mở cửa trường học, một số học sinh đang mắc kẹt giữa vấn đề xung đột gia đình do khó khăn kinh tế, trong khi một số khác cảm thấy áp lực do sự gián đoạn từ đại dịch ảnh hưởng đến kết quả học tập.
Một cuộc khảo sát trực tuyến trên 1,22 triệu học sinh tiểu học và trung học do Ủy ban Y tế tỉnh Quảng Đông và một trường đại học thực hiện, cho kết luận rằng 10,5 % học sinh có khả năng đối mặt với các vấn đề sức khỏe tâm thần. Mặt khác, tâm lý, tâm thần của thanh thiếu niên đã trở thành vấn đề quan tâm của chính phủ trung ương, khi các phương tiện truyền thông trong nước đưa tin về một loạt các vụ tự tử của những người trẻ tuổi.
PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn - Phó Viện trưởng Viện sức khỏe Tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai; Trưởng Bộ môn Tâm thần - Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, dịch bệnh COVID-19 đã gây nhiều khó chịu, lo lắng cho con người - đó chính là stress. Stress cũng có mức độ khác nhau, khi nhẹ con người có thể đối phó được nhưng trường hợp nặng là stress mạnh, sốc có thể gây hậu quả lớn.
Trẻ em được nghỉ học lại hạn chế vui chơi bên ngoài, rất dễ bị trầm cảm sau đại dịch. Ảnh minh họa |
Ở trẻ em, việc nghỉ học kéo dài, hạn chế vui chơi bên ngoài, nhiều gia đình dường như chỉ biết cho con làm bạn với ipad, điện thoại. Điều này sẽ có ảnh hưởng với con trẻ. Chuyên gia về tâm thần học cho rằng, phụ huynh cần chú ý chăm sóc để trẻ phát triển trong tương lai trở thành người có nhân cách tốt, hiểu biết, hoạt động nghề nghiệp tốt, chia sẻ tốt…
Khi chúng ta tập trung vào một trong những vấn đề mà không sinh công (chơi game) thì sẽ làm đảo lộn nề nếp sinh hoạt cũng như có thể gây ra vấn đề nghiện hành vi (nghiện game, internet), đang học mà nghỉ như vậy sẽ bị trùng xuống và để lấy lại cân bằng cần mất thời gian hơn.
Việc hướng dẫn con trẻ về dịch bệnh và các biện pháp tự bảo vệ bản thân của các gia đình Việt Nam thường thể hiện những khía cạnh cực đoan. Qua cách thức phụ huynh hướng dẫn con trong mùa dịch cũng có thể phản ánh được phong cách giáo dục của gia đình mà đôi khi chúng ta ít chú ý.
Dạy con về dịch bệnh kiểu quá bảo bọc: Nhiều cha mẹ vì lo ngại con có thể bị ảnh hưởng tâm lý tiêu cực vì các thông tin thời sự nên luôn ‘cách ly’ con trước các vấn đề về dịch bệnh. Câu nói thường nghe được trong các gia đình này là: “Chuyện người lớn để người lớn lo, con nít biết gì mà quan tâm…”.
Cách giáo dục này không làm trẻ trưởng thành vì luôn phải tránh né những chủ đề "cấm kỵ" mà ba mẹ không cho phép đề cập đến. Trẻ cũng không có được kiến thức cũng như kỹ năng cần thiết để bảo vệ sức khoẻ bản thân và cộng đồng.
Dạy con về dịch bệnh theo kiểu hù doạ: Ở chiều hướng ngược lại, có những bậc phụ huynh lại khuyếch đại các thông tin chưa chính xác về dịch bệnh để hù doạ trẻ. Trẻ bị hù doạ một cách thái quá về sự nguy hiểm của dịch bệnh kèm theo những quy tắc cứng nhắc như: “không được nói chuyện với bất kỳ ai”, “không được đụng vào bất kỳ vật gì khi đi ra ngoài đường”…
Ba mẹ hãy chủ động giải thích rõ ràng, ngắn gọn cho trẻ về dịch bệnh. Ảnh minh họa |
Tưởng chừng cách thức này giúp trẻ gia tăng mức độ cảnh giác nhưng nó có thể phản tác dụng. Ban đầu trẻ sẽ rất sợ hãi và căng thẳng. Nhưng sau đó, trẻ dần nhận ra điều ba mẹ nói chỉ là hù doạ và có thể không xảy ra trong thực tế. Khi đó, trẻ sẽ dần mất niềm tin vào các lời giáo dục của phụ huynh và muốn tự mình thử khám phá các quy tắc ba mẹ đặt ra.
Những phong cách giáo dục trên không chỉ ảnh hưởng đến con trong giai đoạn tuổi nhỏ mà có thể ảnh hưởng lâu dài đến tính cách của trẻ. Điều này thể hiện rõ nhất trong giai đoạn dậy thì, khi mà những ý tưởng về khẳng định bản thân và thách thức các giới hạn của ba mẹ trỗi dậy mạnh mẽ.
Cách giáo dục phù hợp nhất là phụ huynh hãy chủ động giải thích rõ ràng, ngắn gọn cho trẻ về dịch bệnh và những nguy cơ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân và cộng đồng. Lưu ý lời giải thích cần phù hợp với từng độ tuổi, mức độ nhận thức của các bé.
Ngoài ra, bố mẹ có thể hướng dẫn con các kỹ năng tự bảo vệ theo khuyến cáo của Bộ Y tế như kỹ năng rửa tay, kỹ năng dùng khăn giấy khi hắt hơi, kỹ năng đeo và tháo khẩu trang trong tình huống cần thiết… Các kỹ năng này nên được phụ huynh tập luyện cùng con để trẻ có thể thực hành thuần thục khi cần.
Dịch COVID-19 tại Việt Nam đang tạm lắng xuống, nhưng ba mẹ vẫn nên duy trì dạy những kiến thức, kỹ năng về sức khỏe để các con "học" mỗi ngày. Việc hiểu rõ bản chất của sự việc giúp các con bớt "lo lắng" và tự bảo vệ bản thân tốt hơn.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp