18/01/2017 09:51
Trào nước mắt, nứt toác da vì kho cá thuê, kiếm tiền triệu mỗi ngày
Thức trắng đêm trông coi bếp lửa cá kho, mỗi nhân công nhận được 1 triệu đồng/ngày.
Làng Vũ Đại nay là làng Đại Hoàng, xã Hòa Hậu, Lý Nhân (Hà Nam) nổi tiếng với món cá kho. Vào dịp Tết số lượng niêu cá bán ra của mỗi hộ từ 3000 niêu đến gần chục nghìn niêu vì thế cần một lượng lớn nhân công kho cá thuê.
Chị Chung chủ một cơ sở cá kho ở xóm 15, xã Hòa Hậu cho biết, năm ngoái chị xuất đi trên trên 4.000 niêu cá kho. Để kịp đơn hàng cho dịp Tết, chị phải thuê 40- 50 người làm.
“Để có được một niêu cá kho phải trải qua các công đoạn cầu kỳ như làm cá, xếp cá, cho gia vị, rồi đun trong niêu đất liên tục trong khoảng 16 giờđồng hồ. Trong quá trình kho, phải luôn có người làm túc trực để tăng giảm lửa, cho nước kịp thời, người nấu phải thức thâu đêm để canh niêu cá kho”, chị Chung cho hay.
Tiền công cho người lao động tùy thuộc vào số giờ làm. Nếu làm 24 tiếng, tiền công là 1 triệu đồng, làm 12 tiếng giá 500.000 đồng, làm 8 tiếng giá 300.000 đồng. Bình quân mỗi người kiếm được trên chục triệu đồng nhờ kho cá trong mấy ngày Tết. Mặc dù mức lương cao nhưng nhiều cơ sở phải đặt trước mới tìm được người.
Chị Chung cho biết, vào dịp Tết nhân công rất khan hiếm. Việc canh niêu cá đòi hỏi phải có kỹ thuật. Hơn nữa, công việc này tuy không nặng nhọc nhưng lại rất vất vả, khắc nghiệt nên không phải ai cũng có thể làm được.
Vừa kho cá, vừa quệt nước mắt vì khói, chị Trần Thị Hội ở xóm 16, xã Hòa Hậu cho biết hôm nay vẫn chưa phải là ngày cao điểm nên cũng chưa vất vả lắm. Còn từ ngày 23 âm lịch trở đi, mỗi ngày kho gần cả nghìn niêu cá, khói mù mịt không nhìn thấy người đâu.
Chị chia sẻ, công việc này rất vất vả nhưng lương cao nên cứ trước Tết 1 tháng chị lại gác hết công việc để đi làm nghề kho cá thuê. Tính đến nay, chị đã có 8 năm làm công việc này.
Theo chị, yêu cầu của công việc này là phải luôn trông chừng 24/24, lúc mới đun phải để lửa to để cá sôi đều, sau đó chỉ dùng than đượm, nhưng đảm bảo niêu cá vẫn sôi trong suốt mười mấy giờ đồng hồ. Người làm phải để ý để thêm nước kịp thời, không được để cháy cá.
“Chúng tôi vẫn nói đùa, ngày Tết người ta đi làm đẹp còn mình thì đi làm xấu. Vì thức trắng đêm, ăn uống thất thường nên nhìn mặt mũi bơ phờ, hốc hác. Khói chảy nước mắt, da nứt toác vì nóng nhưng chúng tôi cũng chẳng có biện pháp gì. Đêm về thì tra mắt cho dễ chịu. Chịu khói, chịu khổ trong nửa tháng chúng tôi cũng để ra được chục triệu”, chị Hội tâm sự.
Chị Hoa ở xóm 15 Hòa Hậu cũng có thâm niên đi kho cá thuê 6-7 năm nay, chị chia sẻ, nếu so với nghề phụ hồ, làm bê tông thì việc kho cá này còn khổ hơn nhiều. Tuy nhiên đây là công việc thời vụ, lương cao nên các chị cũng chịu khó để kiếm thêm. Năm nào chị cũng làm đến tận 30 Tết mới nghỉ.
“Tôi mới đi làm mấy ngày đã sụt mất 3kg rồi. Hôm nào vào cao điểm còn không không ăn, không ăn không ngủ được”, chị Hoa nói.
Trần Thị Phương Thoa (49 tuổi) cũng chia sẻ: “Không gì vất vả bằng nghề kho cá. Mặc dù tiền công cao nhưng thực ra không phải ai cũng kiếm được đủ số tiền 1 triệu đồng/ngày. Tôi nhớ năm ngoái, cố lắm tôi mới thức trông niêu cá đúng 2 ngày rưỡi không ngủ chút nào”.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp