04/05/2019 12:43
Tranh giành quản lý tên miền Amazon
Trước khi có sự tồn tại của trang Amazon, thoạt tiên chuyên bán sách rồi dần phát triển thành một doanh nghiệp thương mại điện tử khổng lồ như ngày nay thì mỗi khi nói đến Amazon, người ta nghĩ ngay đến khu rừng già rộng mênh mông đến 7 triệu km2 ở Nam Mỹ.
Vậy ai có quyền sở hữu hay quyền quản lý tên miền .amazon? Đây là cuộc chiến đấu dai dẳng giữa doanh nghiệp Amazon và tám nước Nam Mỹ có một phần lãnh thổ nằm trong khu vực này. Tên Amazon thì các nước này nói cứ lấy xài thoải mái nhưng tên miền .amazon thì không được độc quyền vì như thế ngành du lịch, chẳng hạn, làm sao tận dụng cơ hội đặt tên kiểu như trip.amazon, hotels.amazon.
Các nước xem .amazon như một di sản quý báu của họ bởi nền văn minh Nam Mỹ gắn liền với rừng già Amazon từ ngàn xưa. Nên biết Jeff Bezos, nhà sáng lập Amazon đặt tên doanh nghiệp theo con sông Amazon.
Ảnh: Reuters |
Mọi chuyện bắt đầu từ năm 2012 khi Amazon.com nộp đơn lên Icann, tổ chức độc lập, phi lợi nhuận quốc tế, có trách nhiệm quản lý mọi tên miền trên thế giới để đăng ký sử dụng tên miền .amazon. Đây là tên miền cấp cao nhất như .com, .org, .net; lấy ví dụ Canada đăng ký sử dụng tên miền .ca, Việt Nam lấy tên miền .vn. Amazon là một doanh nghiệp mà đòi lấy tên miền .amazon thì làm sao các nước Nam Mỹ chịu; thế là Brazil và Peru phản đối đầu tiên, sau đó lần lượt các nước khác gồm Colombia, Ecuador, Bolivia, Venezuela, Guyana và Suriname cùng tham gia phản đối.
Tuy nhiên, điểm đặc biệt là các nước không đăng ký độc quyền sử dụng tên miền .amazon; họ chỉ phản đối một doanh nghiệp lại đi sử dụng tên đó vào các mục đích thương mại bất kể ý nghĩa văn hóa và di sản thiên nhiên của từ này. Nó khác với chuyện hai bên nào đó tranh nhau một tên miền. Tức ý muốn của các nước là bất kỳ ai sau này cũng có thể đăng ký tên, ví dụ khachsannamsao.amazon để cho biết họ là một khách sạn hạng sang ở khu vực Amazon. Giả thử Amazon.com đăng ký thành công, chỉ mình họ được quyền sử dụng tên miền này.
Năm 2012 là năm có sự bùng nổ đăng ký các loại tên miền theo kiểu mới. Trước đây người ta chỉ quen các loại tên miền .com (thương mại); .org (tổ chức) hay tên miền quốc gia như .sg (Singapore); .nl (Hà Lan)... Nay có đến 2.000 đơn đăng ký các tên bình thường như .laywer (luật sư); .gay (đồng tính nam); .nyc (thành phố New York)... Năm đó Amazon rất tham, ngoài tên miền .amazon, họ còn đăng ký các tên khác như .shop; .game; .mobile; .free...
Icann nhờ có nhiều năm kinh nghiệm trong phân xử tranh chấp tên miền nên quy định tên mang ý nghĩa địa lý phải được sự đồng ý của chính quyền địa phương đó. Ví dụ tên .nyc hay .rio được các địa phương đăng ký nên được phê duyệt dễ dàng còn tên .patagonia do hãng sản xuất quần áo thể thao Patagonia Inc. đăng ký phải rút đơn sau khi Argentina và Chile phản đối (Patagonia là một khu vực địa lý rộng lớn nằm ở cực nam Nam Mỹ). Riêng Amazon không chịu rút đơn, cứ nằn nì từ đó đến giờ.
Amazon.com thậm chí còn nói các nước nên đăng ký các tên miền phản ánh đúng tên khu rừng già theo ngôn ngữ sử dụng ở các nước như .amazonia hay .amazonas. Các nước thì khá mềm dẻo, ví dụ gần đây nhất Brazil đề nghị thành lập một ủy ban gồm chính phủ tám nước và Amazon.com để xét duyệt các tên miền có sử dụng tên miền cấp cao .amazon.
Brazil cũng nói rõ họ không phản đối các tên do Amazon đặt như books.amazon hay kindle.amazon nhưng e ngại trong tương lai nếu doanh nghiệp này giành luôn các tên như hotels.amazon hay trip.amazon thì ngành du lịch các nước sẽ bị thua thiệt.
Giả thử các nước liên kết để quảng bá du lịch vùng Amazon bằng tên miền tourism.amazon mà phải đi xin Amazon.com rồi bị từ chối vì lúc đó Amazon.com đã nhảy vào lĩnh vực du lịch thì thử hỏi nó trái khoáy đến mức độ nào.
Cuộc tranh giành kéo dài đã bảy năm; năm ngoái Amazon.com đề nghị tặng máy đọc sách Kindle trị giá 5 triệu đô la kèm theo là các dịch vụ cho thuê chỗ trên hệ thống máy chủ của họ để xoa dịu các nước. Thế nhưng như nội dung một bức thư ông Francisco Carrión Mena, Đại sứ của Ecuador tại Mỹ gửi Icann, các nước không cần bù đắp bằng tài chính; họ chỉ muốn được chia sẻ quyền quản lý tên miền .amazon mà thôi.
Nói cách khác các nước muốn có quyền quyết định tên miền này được sử dụng như thế nào trong tương lai để khỏi chỏi với giá trị văn hóa, xã hội của các nước vùng Amazon.
theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Advertisement
Advertisement