09/03/2017 07:08
Tranh cãi xung quanh sắc lệnh cấm nhập cảnh mới của Trump
Sau khi Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh hạn chế nhập cảnh sửa đổi, giới chuyên gia vẫn không chắc nó sẽ giúp nước Mỹ an toàn hơn.
Hôm 6/3, trong một nỗ lực nhằm làm lắng dịu các mối lo ngại về chính trị và pháp lý, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp có hiệu lực từ ngày 16/3 cấm nhập cảnh đối với công dân đến từ 6 nước Hồi giáo gồm Iran, Syria, Somalia, Sudan, Yemen và Libya trong thời gian 90 ngày. Đây là 6 trong 7 quốc gia Hồi giáo mà sắc lệnh cấm nhập cảnh đầu tiên của Trump nêu ra.
Sắc lệnh mới không áp dụng với những người đã có thị thực vào Mỹ, cư dân thường trú tại Mỹ và giảm từ cấm nhập cư vô thời hạn đối với người tị nạn Syria xuống còn 120 ngày.
Dù sắc lệnh mới có những sửa đổi đáng lưu ý, một số chuyên gia cho rằng mục đích của nó vẫn giống như sắc lệnh cấm nhập cảnh đã bị tòa án chặn đứng trước đây, theoDaily Signal.
Khó giúp nước Mỹ an toàn hơn
Dù vậy, nhiều chuyên gia an ninh và ngoại giao vẫn nghi ngờ rằng mục tiêu của sắc lệnh hạn chế nhập cảnh sửa đổi nhắm tới công dân nước ngoài từ các quốc gia vốn bị xem như mối đe dọa khủng bố dưới chính quyền cựu tổng thống Barack Obama và quốc hội, trong bối cảnh các cuộc tấn công khủng bố gần đây nhằm vào Mỹ chủ yếu do những công dân hoặc thường trú nhân Mỹ thực hiện.
"Chính quyền Trump đã loại bỏ tất cả những nội dung khiến tòa án phản đối, đó là tin tốt", James Jeffrey, cựu đại sứ Mỹ tại Iraq kiêm phó cố vấn an ninh quốc gia dưới thời tổng thống George W. Bush, nhận xét.
Sắc lệnh sửa đổi "không bao hàm điều gì trái luật hay có thể bị phản đối. Tuy nhiên, bản chất của chính sách cấm nhập cảnh mới dù sao cũng chỉ mang ý nghĩa tầm thường", Jeffrey, nay là học giả ở Viện Washington về Chính sách Cận Đông, nói trong cuộc phỏng vấnDaily Signal. "Không có gì nhiều trong sắc lệnh này giúp nước Mỹ an toàn hơn", ông nhận định.
Bước tiến lớn
Giới quan sát đánh giá sắc lệnh mới đã hóa giải nhiều mối lo ngại tồn tại ở sắc lệnh hạn chế nhập cảnh đầu tiên mà Trump thông báo cách đây 5 tuần. Các tòa án liên bang đã dừng thực thị sắc lệnh đó. Những người chỉ trích cho rằng nó gây ra tình trạng hỗn loạn ở các sân bay. Một số người coi nó là "lệnh cấm nhập cảnh người Hồi giáo".
Jeffrey, cũng như các chuyên gia khác, hoan nghênh việc chính quyền Trump loại Iraq khỏi danh sách các nước Hồi giáo có công dân bị cấm nhập cảnh vào Mỹ. Theo ông, động thái trên mang nhiều ý nghĩa bởi Baghdad đang hợp tác với Washington để chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS).
"Loại Iraq là một bước tiến lớn. Hầu hết các chính phủ còn lại trong danh sách đều là đối thủ, đang suy yếu hoặc không sẵn sàng hợp tác với Mỹ", Michael O' Hanlon, học giả nghiên cứu chính sách ngoại giao ở Viện Brookings, nhận xét.
Sắc lệnh hạn chế nhập cảnh mới không áp dụng cho các công dân từ 6 nước Iran, Syria, Somalia, Sudan, Yemen và Libya được cấp thị thực vào Mỹ trước ngày 27/1 hoặc đã trở thành thường trú nhân Mỹ.
"Sửa đổi này thể hiện trọng tâm của lệnh hạn chế nhập cảnh sửa đổi là ứng phó với mối đe dọa mới nổi từ các tay súng nước ngoài đang ra khỏi khu vực của chúng để vào Mỹ hơn là trừng phạt hoặc tẩy chay người Hồi giáo", James Carafano, chuyên gia an ninh làm việc tại Quỹ Di sản ở Washington, bình luận. "Đáng lưu ý là việc chính quyền nỗ lực tiếp nhận những người đã có thị thực để bảo đảm họ được đối xử công bằng và không bị trừng phạt bởi một kế hoạch tập trung vào các mối đe dọa tương lai".
Khủng hoảng nhập cư tiếp diễn
Những người chỉ trích sắc lệnh hạn chế nhập cảnh mới của Trump lập luận rằng gần đây, không có một cuộc tấn công khủng bố nào ở Mỹ do công dân đến từ 6 nước Hồi giáo Iran, Syria, Somalia, Sudan, Yemen và Libya gây ra.
Các công dân từ các nước trên cũng chưa sát hại bất kỳ ai trên đất Mỹ. Báo cáo mới nhất từ Bộ An ninh Nội địa kết luận "quốc tịch một người không có khả năng là một chỉ dấu đáng tin cậy cho thấy hoạt động khủng bố tiềm tàng của họ".
Chính quyền Trump đã phản bác các kết luận trong báo cáo này, cho rằng nó dẫn thông tin sai lệch, đồng thời bỏ qua những thông tin mật cho thấy một mối đe dọa nguy hiểm hơn.
"Nhìn vào 6 nước có công dân bị cấm nhập cảnh, bạn có thể thấy đây là những quốc gia đang có nội chiến hoặc tài trợ chủ nghĩa khủng bố", Jonathan Schanzer, nhà phân tích thuộc Bộ Tư pháp Mỹ, nói. "Từ lập trường ấy, có thể hiểu được lý do dẫn đến việc tăng cường giám sát người nhập cư hay du khách đến từ các nước này".
Trong cuộc họp báo chiều 6/3, thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer cho biết danh sách 6 nước trên có thể mở rộng nếu chính phủ Mỹ, sau khi rà soát các quy trình kiểm tra, phát hiện thấy công tác thu thập và chia sẻ thông tin còn thiếu sót.
Theo sắc lệnh hạn chế nhập cảnh mới, Bộ An ninh Nội địa, Bộ Ngoại giao, Văn phòng Tình báo Quốc gia, Bộ Tư pháp sẽ cùng xây dựng các tiêu chuẩn kiểm tra thống nhất đối với tất cả các chương trình nhập cư áp dụng rộng rãi.
Ông Schanzer đánh giá Mỹ và phương Tây sẽ tiếp tục phải đối mặt những thách thức liên quan đến dòng người nhập cư và tị nạn đến từ các nước đang bị chủ nghĩa khủng bố tàn phá trừ khi Mỹ hành động nhiều hơn nhằm giúp giải quyết các xung đột mấu chốt.
"Chúng ta sẽ không phải đương đầu với làn sóng nhập cư nếu không vì những cuộc xung đột xảy ra khắp vùng Trung Đông. Chúng ta hiện không nỗ lực giải quyết các mâu thuẫn này. Nếu ta không thể xử lý xung đột, khủng hoảng nhập cư sẽ tiếp diễn", Schanzer nhấn mạnh.
Advertisement
Advertisement