27/05/2017 06:36
Trăm ngàn tỷ nợ xấu: Đi tù không sợ bằng 'chết chìm'
Hàng trăm ngàn tỷ đồng nợ xấu vẫn treo trên đầu, trong khi tài sản đảm bảo đang mất giá hàng ngày. Điều mà nhiều sếp lớn lo sợ là ngân hàng chết chìm, tạo gánh nặng cho nền kinh tế chứ không phải ngại bị soi xét sai phạm và tù tội.
Còn rất nguy hiểm
Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cuộc chiến xử lý nợ xấuđã diễn ra rất quyết liệt, với hơn 610 ngàn tỷ đồng đã được xử lý trong giai đoạn 2012-2016, trong đó gần 57% được các tổ chức tín dụng (TCTD) xử lý thông qua đôn đốc thu nợ, phát mại tài sản, trích lập dự phòng, bán choVAMC.
Tình hình nợ xấu đã qua thời kỳ tồi tệ nhất, hệ thống ngân hàng tránh được cú sốc đổ vỡ. Tuy nhiên, thực trạng nợ xấu được đánh giá vẫn còn rất nguy hiểm và nếu không được xử lý dứt điểm thì “cục máu đông” trong huyết mạch của nền kinh tế có trở thành một “khối u” rất nguy hiểm.
Ông Nguyễn Kim Anh, phó Thống đốc NHNN cho biết, nợ xấu đã được kiềm chế, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 2/2017 về mức 2,56% tổng dư nợ cho vay.
Đây là một tỷ lệ thấp hơn so với trung bình của thế giới (khoảng 3%). Tuy nhiên, nếu tính cả khoản nợ xấu bán cho VAMC mà chưa xử ly được, thì nợ xấu lên tới 5,8% và tỷ lệ đương nhiên sẽ cao hơn nếu tính cả nợ có khả năng trở thành nợ xấu (theo chuẩn quốc tế).
Với dư nợ cho vay của toàn hệ thống lên tới hàng triệu tỷ đồng, tổng số nợ xấu có thể lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng (tương đương hàng chục tỷ USD). Đây là một con số quá lớn đối với nền kinh tế. Nó chôn vùi một lượng vốn quá lớn không thể đưa vào để thúc đẩy kinh tế phát triển, đồng thời, theo các chuyên gia, làm tăng chi phí của NH, làm tăng lãi suất cho vay ra nền kinh tế.
Ông Nguyễn Đức Kiên, phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho rằng, nợ xấu của các TCTD dù đã được xử lý rốt ráo, nhưng nợ xấu hiện vẫn là lực cản lớn đối với sự phát triển và ổn định của hệ thống NH và nền kinh tế.
Ông Nguyễn Văn Thắng, chủ tịch HĐQT Vietinbank, thành viên Tiểu ban NH tiền tệ, cho rằng, tình hình nợ xấu hiện vẫn rất xấu và nếu xử lý chậm sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế.
Còn nếu xử lý nhanh, thì có khoảng 10% dư nợ sẽ được đưa vào cung ứng vốn cho nền kinh tế tạo ra động lực thúc đẩy nền kinh tế. Tăng trưởng GDP của Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào tín dụng NH. Nếu nợ xấu không được xử lý thì chi phí NH tăng, kéo lãi suất tăng lên. Các DN giảm khả năng cạnh tranh, thậm chí phá sản.
Không dung túng sai phạm
Ông Nghiêm Xuân Thành, chủ tịch HĐQT Vietcombank, chia sẻ nỗi lo ngại về tình hình nợ xấu hiện tại. Theo đó, nợ xấu hiện vẫn như “cục máu đông”, nếu chưa tan thì gây hệ lụy rất lớn đối với nền kinh tế.
Theo ông Thành, bản chất nợ xấu NH thực chất là của khách hàng, của DN. Điều đáng ngại nhất là việc xử lý khối nợ xấu khổng lồ hiện vẫn rất chậm.
Nguyên nhân chủ yếu, theo các NH, chuyên gia và luật sư, là do NH không có được quyền sở hữu, quyền chủ nợ đối với các tài sản đảm bảo cho các khoản nợ đã trở thành nợ xấu. Hầu hết các trường hợp đều phải đưa ra tòa xử lý. Trong khi thời gian xử lý tranh chấp quá dài.
Theo số liệu của NHNN, trong tổng số hàng trăm ngàn tỷ nợ xấu được xử lý, thì hình thức bán, phát mại tài sản đảm bảo để thu hồi nợ ở mức khá thấp 17,1 ngàn tỷ đồng (chiếm 2,8% tổng nợ xấu được xử lý).
Ngay tại Vietcombank, một NH có tỷ lệ nợ xấu thấp thì thì xử lý nợ xấu cũng vẫn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khi Luật Dân sự 2015 (có hiệu lực từ đầu 2017). Bộ luật Dân sự 2015 đã bỏ quyền thu giữ tài sản bảo đảm của bên nhận bảo đảm, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.
Theo ông Thành, kể từ khi có luật Dân sự sửa đổi, riêng ở Vietcombank cũng đã có 790 vụ chuyển qua tòa án (cho dù ở VCB là rất rất ít so với các NH khác) và 98 vụ đã gửi qua tòa đã thụ lý nhưng chưa đưa ra xét xử. Thời gian giải quyết một vụ việc qua tòa án thường rất dài, vài ba năm, thậm chí có vụ 7 năm. Đó là chưa kể tới thời gian thi hành án.
Đa số đại diện NH, nhiều chuyên gia, luật sư và cả các đại biểu Quốc hội đều cho rằng cần có một Nghị quyết về xử lý nợ xấu được thông qua sớm để tránh tình trạng để việc xử lý nợ xấu vốn đang gặp rất nhiều khó khăn trở nên khó khăn hơn nếu luật cho phép con nợ có cơ hội chây ì, trong khi chủ nợ không có quyền sở hữu, quyền chủ nợ.
TS. Nguyễn Đức Hưởng, cố vấn cao cấp NH LienVietPostBank cho rằng, Nghị quyết xử lý cho cả nền kinh tế chứ không riêng hệ thống NH.
Việc ra đời một nghị quyết như vậy là quá muộn, nhưng muộn còn hơn không và nó sẽ tạo thuận lợi cho việc xử lý tài sản bất động sản khi giá trị bất động sản đang tăng trở lại. Nghị quyết ra thời điểm này sẽ phá tan cục máu đông bất động sản để có vốn cho nền kinh tế.
Còn về vấn đề sai phạm dẫn tới nợ xấu, ông Hưởng khẳng định, NHNN đã chỉ đạo rất nghiêm, trong quá trình xử lý nợ xấu, nếu phát hiện sai trái sẽ xử lý nghiêm minh theo pháp luật.
TS. Võ Trí Thành cũng cho rằng, đây không phải là sự ưu ái cho ngành NH mà sự cần thiết cho cả nền kinh tế. Vấn đề quan trọng là cần làm quyết liệt hơn đi đôi với giải trình, giám sát minh bạch. Người gây ra tội phải chịu trách nhiệm trước pháp luật một cách tường minh chứ không có sự bao che hay dung túng bất kỳ ai.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp