Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Trái chiều cổ phiếu dệt may: TCM lao dốc, TNG, MSH và GIL lập đỉnh

Chứng khoán

17/09/2021 08:50

Kim ngạch xuất khẩu dệt may tháng 7 và 8 giảm 3,2% so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch xuất khẩu dệt may giảm vì dịch bệnh

Trong nửa đầu năm, ngành dệt may đã có nhiều tín hiệu khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm trước nhờ chuỗi sản xuất phục hồi với đơn hàng truyền thống tăng trở lại. Theo thống kê của Tổng cục hải quan, kim ngạch xuất khẩu đạt 15,31 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước.

Song, với đặc điểm cần nhiều lao động, ngành dệt may chịu ảnh hưởng đáng kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở TP HCM và các tỉnh phía Nam. Kim ngạch xuất khẩu dệt may tháng 7 đạt 3,3 tỷ USD, tăng 7,7% so với tháng 6; qua tháng 8 đạt 2,6 tỷ USD, giảm 15% so với tháng 7. Như vậy, tính chung tháng 7 và 8, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 5,9 tỷ USD, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 8 tháng, xuất khẩu dệt may đạt 21,2 tỷ USD, còn tăng 9,7%.

Theo báo cáo Bộ Công Thương dịch bệnh diễn biến phức tạp tại TP HCM và các tỉnh phía Nam, thời gian giãn cách xã hội kéo dài khiến cho hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, giao thông vận tải, hậu cần và logistics bị gián đoạn. Các doanh nghiệp hoạt động trong điều kiện phải đảm bảo phòng chống dịch với những yêu cầu nghiêm ngặt, đáp ứng được các điều kiện sản xuất "3 tại chỗ" hoặc "một cung đường, hai điểm đến"… Không những vậy, việc lao động về quê tránh dịch cũng dẫn đến nguy cơ thiếu lao động sản xuất sau khi dịch được kiểm soát.

Ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết dịch bệnh diễn biến phức tạp gần đây tại miền Nam đã làm nhiều doanh nghiệp dệt may phải đóng cửa, ngừng sản xuất, sản xuất cầm chừng. Nếu tình hình dịch bệnh không được kiểm soát trong tháng 9, kim ngạch xuất khẩu dệt may chỉ khoảng 33-34 tỷ USD, cách xa mục tiêu 39 tỷ USD đặt ra. Các tháng cuối năm sẽ là khoảng thời gian cực kỳ khó khăn đối với ngành dệt may, do không ít khách hàng chuyển đơn hàng đi nước khác và thiếu nhân công do nhiều người lao động đã về quê không dễ quay trở lại ngay.

i-ndh-vn_det-may-hinh-5225-1631784029(1).png
Ngành dệt may lo thiếu nhân công sau dịch.

Dù vậy, Bộ Công Thương đánh giá nhu cầu hàng hóa trên thị trường thế giới vẫn đang trong xu hướng phục hồi trở lại, trong đó việc Mỹ và EU tái mở cửa nền kinh tế nhờ tiến trình tiêm vaccine ngừa Covid-19 được triển khai rộng rãi đang tác động tích cực tới nhu cầu hàng hóa của các thị trường này. Đồng thời, các hiệp định thương mại tự do đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn, được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy các ngành xuất khẩu của Việt Nam, tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, thông qua đó thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.

Theo đó, đây lại là cơ hội cho những doanh nghiệp may mặc ở khu vực ít chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. VNDirect nhận định những doanh nghiệp dệt may có nhà máy ở phía Nam sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất như Vinatex, Dệt may Thành Công và May Sài Gòn. Nếu dịch bệnh kéo dài, các doanh nghiệp này sẽ phải gánh thêm chi phí cho việc sinh hoạt triển khai “3 tại chỗ”, test Covid-19 cho nhân viên. Ngược lại, những doanh nghiệp có nhà máy ở khu vực ít bị ảnh hưởng dịch như Đầu tư TNG, May Sông Hồng hay Gilimex hưởng lợi.

Trái chiều cổ phiếu dệt may

Mới đây, Dệt may Thành Công (HoSE: TCM) – với nhà máy đặt chủ yếu ở TP HCM và các tỉnh phía Nam lần đầu tiên báo lỗ khi tháng 8 lợi nhuận sau thuế âm 6,4 tỷ đồng. Lũy kế 8 tháng, doanh thu đạt 2.406 tỷ đồng, tăng 4%; lãi sau thuế 124 tỷ đồng, giảm 24,4% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch Dệt may Thành Công chia sẻ trong bối cảnh dịch bệnh, duy trì được lực lượng lao động đáp ứng 65-70% đã là nỗ lực lớn, trong đó có 10-15% là thuê gia công bên ngoài các đơn vị may ở phía Bắc và miền Trung.

Với hoạt động kinh doanh chịu ảnh hưởng nặng từ dịch bệnh, cổ phiếu TCM đã giảm sâu từ vùng 86.000 đồng/cp xuống 64.000 đồng/cp trong vòng 1 tháng, tức giảm 34%.

3.png
Nguồn: TradingView

Sợi Thế Kỷ (HoSE: STK) với nhà máy đặt tại TP HCM và Tây Ninh cũng bị ảnh hưởng bởi đợt dịch lần thứ 4 này. Trao đổi với Người Đồng Hành, bà Nguyễn Phương Chi – Phụ trách HĐQT kiêm Giám đốc chiến lược cho biết đặc thù ngành sợi sử dụng ít lao động hơn ngành may, chi phí cho duy trì sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” không lớn. Tuy nhiên, đơn vị cũng phải đối diện với việc công suất bị giảm, chỉ duy trì được 50% nhân công so với trước dịch.

Trong bối cảnh công suất giảm, doanh nghiệp ưu tiên sản xuất những mặt hàng có giá trị gia tăng cao. Nhờ vậy, doanh thu quý III ước 471 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 52 tỷ đồng, lần lượt tăng 44% và gấp 2,6 lần cùng kỳ năm trước. So với quý I và II, doanh thu đạt khoảng 80% và lợi nhuận khoảng 75%.

Với diễn biến này, cổ phiếu STK tăng giá đều đặn từ 36.300 đồng/cp lên 52.000 đồng/cp trong 2 tháng qua, ghi nhận vùng đỉnh trong lịch sử giao dịch.

i-ndh-vn_stk-cp-5697-1631784029(1).png
Nguồn: TradingView

Dệt may TNG (HNX: TNG) công bố doanh thu tháng 8 giảm nhẹ 7% nhưng lợi nhuận tăng 11% đạt 28,6 tỷ đồng. Lũy kế 8 tháng, doanh thu tăng 16% đạt 3.963 tỷ đồng; lãi sau thuế 142 tỷ đồng, tăng 18%.

Doanh thu TNG trong tháng 7 và 8 ghi nhận mức 580-590 tỷ đồng, giảm so với tháng 6 nhưng cao hơn các tháng đầu năm. Dệt may TNG có địa bàn hoạt động chủ yếu ở tỉnh Thái Nguyên, địa phương có số ca nhiễm ít và kể từ giữa tháng 8 không phát sinh ca mới. Doanh nghiệp cho biết trong tháng 8 vẫn tuyển dụng thêm gần 600 lao động bổ sung cho các nhà máy mới thành lập, tăng năng lực sản xuất.

Cổ phiếu TNG đã có đà tăng giá mạnh từ 18.200 đồng/cp lên 32.700 đồng/cp trong vòng 2 tháng qua, tương đương mức tăng 80% và lập đỉnh lịch sử.

Tương tự, cổ phiếu MSH và GIL cũng liên tục tăng giá và lập đỉnh trong thời gian qua. Cụ thể, MSH cũng tăng từ vùng giá 55.000 đồng/cp lên 85.000 đồng/cp, GIL tăng từ vùng 46.700 đồng/cp lên 70.500 đồng/cp trong vòng 2 tháng.

i-ndh-vn_co-phieu-det-may-3695-1631784029(1).png
Nguồn: TradingView
NGỌC ĐIỂM
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement