12/11/2019 14:49
Trái cây Trung Quốc gắn mác phương Tây tràn ngập thị trường
Nhiều loại trái cây Trung Quốc gắn “mác” Nhật, Tây Ban Nha, Ấn Độ... nhập vào thị trường Việt Nam với giá cực rẻ.
Thông tin từ Vietnamnet, hiện nay, trái cây Trung Quốc vẫn xuất hiện tràn ngập chợ Việt. Ngoài đội lốt đặc sản Việt nam, trái cây Trung Quốc còn gắn mác cao cấp với đủ các loại tên khác nhau.
Dù chưa biết quy trình trồng, chăm sóc như thế nào, song việc gắn mác cao cấp cho trái cây Trung Quốc cùng những lời quảng cáo có cánh khiến những mặt hàng này bán đắt như tôm tươi, được các bà nội trợ tranh nhau mua.
Cụ thể, nho sữa Nhật được xem là loại nho gây sốt thị trường gần đây có giá bán khoảng 1,3 triệu đồng/kg. Tuy nhiên, năm nay thị trường xuất hiện nho sữa Nhật với giá chỉ 200.000-250.000 đồng/kg. Đóng “mác Nhật”, giá lại tương đối rẻ nên nho sữa Nhật được các bà nội chợ tranh nhau mua.
Theo một số chủ cửa hàng chợ đầu mối, nho sữa Nhật chỉ là tên gọi, thực tế là loại nho này được trồng ở Trung Quốc nên giá thành mới rẻ như vậy. Không những có nho sữa Nhật, hiện nay trên thị trường cũng đang có cơn sốt táo vàng Nhật với vỏ ngoài vàng bóng, bên trong ruột ứa mật.
Khoảng thời gian trước, táo vàng Nhật sẽ có giá gần 1 triệu đồng/kg, nhưng thời gian gần đây loại táo này được bán với mức giá chỉ từ 180.000-250.000 đồng/kg. Giá rẻ lại mang “mác Nhật” nên nhiều người cũng tranh thủ tìm mua loại táo này về ăn.
Người buôn cho biết, giá của loại táo này rẻ như vậy là do đây là loại giống táo từ Nhật Bản được đưa về Trung Quốc trồng.
Ngoài ra, còn có đào bánh rán Tây Ban Nha xịn giá bán lên tới 500.000 đồng/kg. Nhưng hiện nay trên thị trường, giá bán mặt hàng này chỉ từ 80.000-100.000 đồng/kg. Đây cũng là mặt hàng nhập từ Trung Quốc.
Khoảng thời gian giữa năm, chị em cũng lùng mua lựu đen Ấn Độ nhập từ Trung Quốc với giá 140.000-170.000 đồng/kg. Trong khi lựu Ấn Độ gốc sẽ có giá lên đến nửa triệu đồng/kg.
Thông tin từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT) cho thấy, 10 tháng năm 2019, Việt Nam chi khoảng 1,5 tỷ USD nhập khẩu các loại trái cây và rau củ quả, trong đó nhập từ Trung Quốc chiếm 25,4%, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2018.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp