14/10/2019 15:04
TP.HCM sẽ kiểm soát khí thải độc hại từ xe máy
Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho rằng phải kiểm soát khí thải độc hại hydrocacbon, bụi mịn PM1O... từ xe máy do ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe người dân.
Dẫn tin từ SGGP, tình trạng ô nhiễm không khí ở các quốc gia trên thế giới ngày càng trầm trọng, đặc biệt là các thành phố lớn ở Việt Nam như Hà Nội, TP.HCM. Tổ chức quốc tế giám sát chất lượng không khí AirVisual cảnh báo mức ô nhiễm không khí bởi khí thải các loại phương tiện, nhà máy... trở nên nghiêm trọng với nồng độ bụi siêu vi PM2.5 (bụi mịn) hiện ở mức 102,7 µg/m3. Chất lượng không khí tại TP.HCM và Hà Nội đang duy trì ở mức thuộc nhóm có hại cho sức khỏe con người.
Trong tháng 10, Sở Giao thông Vận tải sẽ làm việc với Sở Tài nguyên Môi trường, Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam và các đơn vị liên quan để bàn kế hoạch khảo sát khí thải xe máy. Phương án cuối cùng sẽ được UBND TP.HCM trình Chính phủ cho thí điểm.
Hiện, TP.HCM có gần 7,9 triệu phương tiện, trong đó hơn 730.000 ôtô và 7,15 triệu xe máy (chiếm khoảng 95%). Số lượng xe máy tiêu thụ 50% xăng (không tính diesel) nhưng thải ra cỡ 94% khí HC (hydrocacbon), 87% khí CO (cacbon monoxit), 57% khí NOx (oxit nitơ) và 33% bụi mịn PM1O trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới.
Hôm 9/10, Trung tâm Quan trắc môi trường TP.HCM công bố khí thải từ xe máy, ôtô là một trong 3 nguyên nhân gây ô nhiễm không khí ở TP.HCM. Việc kiểm soát được khí thải góp phần đáng kể giúp giảm ô nhiễm không khí cho thành phố đông dân nhất nước.
Hiện tại, Thông tư 70/2015 của Bộ Giao thông Vận tải quy định về kiểm định kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có mức tiêu chuẩn khí thải rất thấp và chỉ áp dụng được với ôtô đang lưu hành, chưa có tiêu chuẩn đối với xe máy. Trong khi đó, quy định tiêu chuẩn khí thải theo Quyết định số 49/2011 lại chỉ áp dụng đối với xe sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới chứ không phải với xe lưu thông trên đường.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp