16/07/2017 10:13
TP.HCM sẽ không hợp thức hóa đối với công trình xây dựng sai phạm
Trong 6 tháng đầu năm, số lượng công trình vi phạm trật tự xây dựng ở TP.HCM đã tăng 24% so với năm trước. Tuy nhiên, TP.HCM sẽ không bao che và hợp thức hóa sai phạm những công trình xây dựng này.
Báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM cho thấy, Sở Xây dựng TP.HCM đã tổ chức kiểm tra gần 52.000 lượt công trình, tăng gần 14.000 lượt so với cùng kỳ. Qua đó, phát hiện 1.595 trường hợp vi phạm hành chính về hoạt động xây dựng, tăng 309 trường hợp so với cùng kỳ năm 2016.
Trong số các trường hợp vi phạm có 830 trường hợp xây dựng không phép, tăng 218 trường hợp và chiếm 52% trong tổng số các công trình vi phạm. Các vi phạm này tập trung chủ yếu tại các huyện Bình Chánh (201 trường hợp), Củ Chi (177 trường hợp), Cần Giờ (66 trường hợp).
Có 557 trường hợp xây dựng sai phép, chiếm 34,9% tập trung chủ yếu tại huyện Hóc Môn (98 trường hợp), Bình Chánh (58 trường hợp), quận 7 (52 trường hợp). Còn lại là các vi phạm khác như che chắn, rơi vãi vật liệu xây dựng 208 trường hợp, tăng 21 trường hợp so với cùng kỳ…
Với những sai phạm đó, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM đã ban hành 25 quyết định khắc phục hậu quả với tổng số tiền hơn 8,8 tỉ đồng, 807 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền gần 9,5 tỉ đồng.
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, số lượng dự án sai phạm tăng là do 100 % công trình xây dựng phải được kiểm tra. Sở cũng nhìn nhận tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động xây dựng trên địa bàn thành phố vẫn còn diễn biến phức tạp.
Để khắc phục tình trạng này, trong thời gian tới sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng thanh tra xây dựng theo hướng toàn diện hơn. Đó là không chỉ kiểm tra, phát hiện và xử lý hành vi xây dựng sai phép, không phép mà còn kiểm tra toàn diện để kịp thời xử lý vi phạm theo quy định.
“Nếu phát hiện thanh tra viên nào có dấu hiệu vi phạm, Sở sẽ xử lý nghiêm. Chỉ cần phát hiện có trường hợp nhà xây dựng không phép, có sự bao che của cán bộ thanh tra sở thì cách chức ngay cán bộ đó”, ông Tuấn nói.
Điển hình về xây dựng sai phép ở TP.HCM trong 6 tháng đầu năm là dự án Thảo Điền Sapphire ở quận 2do Công ty cổ phần TDS làm chủ đầu tư với hàng loạt hạng mục xây dựng sai so với giấy phép xây dựng. Cụ thể, xây tăng diện tích tầng trệt, vi phạm khoảng lùi sông Sài Gòn, rạch Ông Hóa với tổng diện tích lên đến gần 1.400m2.
UBND TP.HCM đã ban hành quyết định xử phạt hành chính với số tiền 1 tỉ đồng và buộc chủ đầu tư Thảo Điền Sapphire tháo dỡ phần thi công sai nội dung giấy phép xây dựng. Đồng thời đình chỉ thi công toàn bộ công trình vi phạm cho đến khi khắc phục xong hậu quả.
Liên quan đến nhiều dự án nhà ở cao tầng trong thời gian gần đây xây dựng sai phép, trái phép nhưng không được xử lý dứt điểm mà sở xem xét cho điều chỉnh thiết kế, lãnh đạo Sở Xây dựng TP.HCM khẳng định, không bao che cho chủ đầu tư mà chỉ xem xét theo quy định pháp luật.
Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng, quy định hiện nay không bắt buộc chủ đầu tư phải lấy ý kiến khách hàng khi điều chỉnh quy hoạch dự án vì Thông tư 02 của Bộ Xây dựng quy định về việc điều chỉnh cơ cấu căn hộ đã hết hiệu lực. Tuy nhiên, để ngăn ngừa tranh chấp phức tạp xảy ra trong tương lai, Sở Xây dựng vẫn yêu cầu các chủ đầu tư lấy ý kiến đảm bảo 100% khách hàng đồng thuận mới xem xét điều chỉnh.
“Chẳng hạn, dự án Tân Bình Apartment ở quận Tân Bình, khi chủ đầu tư xin điều chỉnh tăng hệ số tầng cao. Sở đã buộc chủ đầu tư tham khảo ý kiến khách hàng. Kết quả khách hàng không đồng thuận. Sở đã không duyệt điều chỉnh theo yêu cầu của chủ đầu tư, buộc phải phá dỡ các hạng mục sai phạm. Đây là cái giá chủ đầu tư phải trả cho hành vi sai trái của mình”, ông Tuấn nói.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp