13/11/2018 10:45
TP.HCM muốn làm sân golf rộng 135ha ở Cần Giờ
Sân golf Cần Giờ rộng hơn 135ha thuộc địa phận xã Long Hòa và trị trấn Cần Thạnh. Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đô thị Du lịch Cần Giờ.
UBND TP.HCM vừa kiến nghị Bộ Kế hoạch Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung dự án sân golf Cần Giờ thuộc đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ với quy mô 2.870ha, tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ vào danh mục quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020.
Sân golf Cần Giờ rộng hơn 135ha thuộc địa phận xã Long Hòa và trị trấn Cần Thạnh. Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đô thị Du lịch Cần Giờ. Tổng mức đầu tư theo đề xuất của Công ty Đô thị Du lịch Cần Giờ khoảng 900 tỷ đồng, chưa gồm chi phí giải phóng mặt bằng, lãi vay…
Phần đất thực hiện dự án là đất tạo lập mới do lấn biển, không phải đất nông nghiệp, không thuộc đất quy hoạch để xây dựng khu công nghiệp, đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Dự án khi đi vào hoạt động sẽ có đóng góp lớn vào GDP của TP.HCM, giải quyết công việc thường xuyên cho 300-400 lao động, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch và kinh tế huyện Cần Giờ.
TP.HCM sẽ có sân golf thứ 6. |
Theo quy hoạch đã được phê duyệt, đến năm 2020 TP.HCM có 5 sân golf. Hiện tại, sân golf Thủ Đức 266ha và sân bay Tân Sơn Nhất hơn 157ha được đưa vào hoạt động. Sân golf GS rộng 200 ha mới đi vào hoạt động một phần. Sân golf Sing Việt ở huyện Bình Chánh rộng hơn 70ha đang giải phóng mặt bằng. Riêng sân golf Rạch Chiếc tại quận 2 vừa bị loại bỏ khỏi quy hoạch và thay thế bằng khu dân cư.
Tại Quyết định số 1946/QĐ-TTg, ký ngày 26/11/2009 về phê duyệt Quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020 có quy định, tiêu chí quan trọng nhất của một sân golf là tuyệt đối không được sử dụng đất lúa 2 vụ.
Nếu phải sử dụng đất lúa để xây dựng sân golf thì chỉ được sử dụng đất lúa một vụ năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao với diện tích không quá 5% tổng diện tích một sân golf đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Không được sử dụng đất thuộc quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị, đất rừng để xây dựng sân golf.
Các dự án dự kiến quy hoạch xây dựng sân golf phải có đóng góp lớn vào GDP, tạo việc làm khi đưa vào hoạt động khai thác, không gây tổn hại về môi trường, đảm bảo giải quyết cơ bản việc làm cho người bị thu hồi đất trong vùng được quy hoạch xây dựng sân golf.
Địa điểm quy hoạch các sân golf chủ yếu là ở vùng trung du miền núi, vùng bãi cát ven biển khu vực miền Trung và các khu vực trọng điểm du lịch của các vùng và cả nước. Việc xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ hoạt động sân golf chỉ được sử dụng đất đã giao để xây dựng sân golf, không được sử dụng đất đã cấp làm sân golf xây dựng nhà, biệt thự để bán, chuyển nhượng.
Dự kiến quy hoạch sân golf cả nước đến năm 2020 là 89 sân, trong đó có 19 sân đã đi vào hoạt động. Cụ thể, vùng Trung du miền núi Bắc Bộ sẽ có 11 dự án sân golf, với tổng diện tích đất dự kiến là 1.456ha ở địa bàn của 5 tỉnh.
Vùng Đồng bằng sông Hồng, dự kiến toàn vùng quy hoạch 16 dự án sân golf với tổng diện tích đất dự kiến là 1.909ha, trên địa bàn của 6 tỉnh thành. Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ quy hoạch có 29 dự án với tổng diện tích đất dự kiến là 2.943ha nằm trên địa bàn của 12 tỉnh thành.
Vùng Tây Nguyên, dự kiến toàn vùng quy hoạch có 8 dự án với tổng diện tích đất dự kiến là 839ha trên địa bàn của 3 tỉnh thành. Vùng Đông Nam Bộ sẽ có 21 dự án với tổng diện tích đất dự kiến là 2.376ha, trên địa bàn của 5 tỉnh thành. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 4 dự án với tổng diện tích đất dự kiến là 461ha, trên địa bàn của 3 tỉnh thành.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp