10/04/2021 07:02
TP.HCM: Mặt bằng cản tiến độ nhiều dự án giao thông trọng điểm
Rất nhiều dự án giao thông trên địa bàn TP.HCM đang phải lùi tiến độ do vướng mặt bằng.
Thậm chí, chủ đầu tư dự án cầu Thủ Thiêm 2 còn ra “tối hậu thư” sẽ giải phóng công trường nếu không có mặt bằng và tháo gỡ về pháp lý.
Cầu Thủ Thiêm 2 sẽ dừng thi công từ 15/4
Những ngày đầu tháng 4/2021, công trường thi công cầu Thủ Thiêm 2 đìu hiu, gần như không có công nhân thi công. Quan sát của PV, phần cầu dẫn từ đường Tôn Đức Thắng vượt đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.1) đến bờ sông Sài Gòn cơ bản hoàn thành. Nhà thầu đã trả lại phần lớn mặt đường bên dưới.
Phía bờ quận 2, đường dẫn lên cầu cũng cơ bản xong. Phần cầu chính, các nhịp từ phía bờ quận 2 đã lao ra quá giữa sông. Một trụ chính dây văng (trụ chính duy nhất) cũng được xây dựng và đã căng cáp.
Hiện còn một nhịp khoảng vài chục mét để nối nhịp chính của trụ dây văng giữa sông vào nhịp dẫn phía bờ quận 1 là kết nối được 2 bờ.
Theo báo cáo của Công ty CP Đại Quang Minh (chủ đầu tư dự án), đến nay nhà thầu đã lắp đặt 11/17 đốt dầm thép nhịp cầu chính và 35/56 bó cáp dây văng.
Dù đã thi công phần lớn khối lượng nhưng đại diện chủ đầu tư cho biết, từ tháng 9/2020 công trình đã phải dừng thi công do chưa tháo gỡ được vướng mắc về thủ tục pháp lý, thanh toán hợp đồng BT và công tác GPMB. Lo ngại hơn là việc tạm dừng thi công này chưa biết đến bao giờ mới có thể bắt đầu lại.
Trước việc dự án có thể dừng thi công lâu dài, mới đây, liên danh nhà thầu đã có báo cáo đánh giá cụ thể rủi ro. Cụ thể, việc cầu dây văng không thể tính toán để tồn tại ở trạng thái chưa hoàn thành trong khoảng thời gian dài chưa xác định.
Chiều dài nhịp chính chưa hoàn thành có thể gây ra các chuyển động vặn/xoáy, tạo ra ứng suất không mong muốn trong kết cấu nhịp và trụ. Các dây văng dài 80m hiện nay chưa được lắp đặt thiết bị giảm chấn để chịu hiệu ứng dao động và có thể trầm trọng hơn do chịu chuyển động không mong muốn.
“Hệ dầm thép gia công tại nhà máy ở Hải Phòng đã được vận chuyển vào Vũng Tàu và đã tổ hợp xong. Toàn bộ hệ dầm (mỗi đốt nặng trên 90 tấn) đặt trên gối kê trong tình trạng kho bãi không bằng phẳng, có thể dẫn đến biến dạng kết cấu thép”, liên danh nhà thầu thông tin và cho rằng, các bó cáp đã lắp đặt nhưng chưa bơm sáp sẽ hư hỏng theo thời gian do ảnh hưởng trong môi trường.
Ngoài ra, dự án bắc qua tuyến đường sông lớn có thể xảy ra nguy cơ về sự cố hàng hải, bởi đầu năm 2021, một tàu chở container đã chết máy đâm vào hệ cần cẩu thi công cầu Phước Khánh trên sông Lòng Tàu.
Trước những khó khăn trên, liên danh nhà thầu đã ra “tối hậu thư” đến 15/4 sẽ giải thể công trường thi công cầu Thủ Thiêm 2. Bởi những thiết bị đặc chủng thi công dự án không thể để lâu, giàn nâng sẽ chuyển sang thi công công trình tại Singapore, thiết bị thi công dây văng sẽ chuyển sang thi công công trình tại Nam Phi.
“Chúng tôi sẽ bàn giao cây cầu ở trạng thái hiện tại cho Công ty Đại Quang Minh và sẽ không chịu trách nhiệm bảo hành cũng như các rủi ro có thể phát sinh cho dự án”, đại diện nhà thầu nêu.
Hàng loạt dự án vướng mặt bằng kéo dài
Không chỉ cầu Thủ Thiêm 2, nhiều dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn TP.HCM hiện đang vướng mặt bằng và kéo dài nhiều năm. Dự án đường Vành đai 3 đã ký hợp đồng với tư vấn thiết kế, dự kiến sẽ khởi công vào quý III/2021 nhưng đến nay mặt bằng phía TP Thủ Đức vẫn còn vướng rất nhiều.
Theo Ban QLDA Mỹ Thuận, dự án thành phần 1A (đoạn Nhơn Trạch - Tân Vạn đường Vành đai 3) có chiều dài 8,75km. Điểm đầu giao với đường tỉnh 25B (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) và điểm cuối giao cắt với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (TP Thủ Đức).
Công tác GPMB phía bờ Đồng Nai có phần thuận lợi hơn, dự kiến tháng 6/2021 sẽ hoàn thành. Khó khăn nhất là tại TP.HCM, trước đây dự kiến kinh phí GPMB khoảng 148 tỷ đồng, nay chi phí tăng lên khoảng 1.800 tỷ đồng nên thành phố vẫn chưa chốt.
Tương tự, dự án đầu tư xây dựng nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất đã được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư từ tháng 5/2020, nhưng đến nay vẫn chỉ nằm trên giấy.
Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, hiện các thủ tục đấu thầu, thiết kế, kỹ thuật đã chuẩn bị sẵn sàng, vướng mắc lớn nhất là chuyển giao mặt bằng để thi công.
Trước thực tế đó, ngày 3/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng có văn bản gửi UBND TP.HCM và các bộ ngành truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc bàn giao đất để xây dựng nhà ga T3.
Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng khẩn trương lập quy hoạch sử dụng đất quốc phòng thời kỳ 2021-2030, trong đó xác định rõ khu đất 16,05ha là diện tích đất quốc phòng giao lại cho UBND TP.HCM quản lý sử dụng vào mục đích xây dựng nhà ga T3.
Thủ tướng cho phép lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đối với khu đất 16,05ha theo hình thức chuyển giao về UBND TP quản lý theo Khoản 4, Điều 3, Nghị định 167/2017 về quy định sắp xếp lại, xử lý tài sản công, để trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Giao UBND TP căn cứ theo Nghị quyết 751/2019 của Quốc hội và Bộ TN&MT, đẩy nhanh việc lập và trình phê duyệt quy hoạch TP HCM thời kỳ 2021 - 2030, kế hoạch sử dụng đất 5 năm; trong đó nêu rõ khu đất 16,05ha là đất giao thông để làm cơ sở thu hồi, triển khai dự án. Bộ Tài chính, Bộ TN&MT chủ động phối hợp, hướng dẫn Bộ Quốc phòng và UBND TP để hoàn thành nhiệm vụ nêu trên trong thời gian sớm nhất.
Khó khăn nhất của cầu Thủ Thiêm 2 là vấn đề pháp lý
Ngay sau khi liên danh nhà thầu, nhà đầu tư cầu Thủ Thiêm 2 gửi văn bản kiến nghị đến cơ quan chức năng, Sở GTVT đã tổ chức họp các bên để tháo gỡ. Ông Phan Công Bằng, Phó giám đốc Sở GTVT cho biết, đã làm việc với quận 1 và chốt thời gian giao mặt bằng cho dự án.
Trong đó, sẽ giao mặt bằng để thi công phía bờ quận 1 trước ngày 15/4 để dự án vẫn tiếp tục triển khai. Tuy nhiên, những khó khăn thực chất của dự án cầu Thủ Thiêm 2 hiện nay là vấn đề pháp lý như: Thanh toán hợp đồng BT, ký phụ lục gia hạn hợp đồng BT, đơn giá thanh toán hợp đồng… vẫn chưa có chốt ngày giải quyết.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp