29/10/2019 08:05
TP.HCM mạnh tay xử lý nhà không phép
Sở Xây dựng sẽ kiểm tra, xử lý công trình vi phạm ngay từ đầu, điều chỉnh quy hoạch xây dựng để đáp ứng nhu cầu xây dựng của người dân.
Tràn lan
TP.HCM đang là điểm nóng về vi phạm trật tự xây dựng, nhất là tại huyện Bình Chánh, quận Thủ Đức, Bình Tân, quận 9... Theo thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM, từ năm 2017 đến 6 tháng đầu năm 2019, có 6.825 công trình vi phạm.
Trong đó, có 4.252 công trình được cấp phép xây dựng và công trình xây dựng không phép nhưng đủ điều kiện cấp phép xây dựng, với hành vi phổ biến là xây dựng vi phạm chỉ giới xây dựng, xây dựng trên khoảng lùi công trình, xây dựng lấp ô thông tầng, công trình đã hoàn công nhưng lại tiếp tục xây dựng không phép.
TP.HCM tràn lan xây dựng không phép. |
Có 2.573 công trình xây dựng không phép, không đủ điều kiện cấp giấy phép xây dựng, với hành vi phổ biến là xây dựng trên đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng trên đất không được cấp phép xây dựng...
Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm nay, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng đã ban hành 1.156 quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền và trình Chủ tịch UBND TP.HCM ban hành 185 quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Điển hình, huyện Bình Chánh hiện vẫn còn 161 nhà “ba chung” (chung giấy phép xây dựng, chung chứng nhận quyền sử dụng đất và chung số nhà). Nguyên nhân là từ một hộ được cấp phép xây dựng một nhà hai tầng với diện tích 168m2, chủ đầu tư tự thay đổi kiến trúc thành 25 căn nhà có diện tích 1.181m2. Hoặc một công ty thương mại dịch vụ truyền thông biến nhà ở thành một chung cư, với 200 hộ dân, 645 nhân khẩu.
Hôm 22/10, ông Nhân phải xuống tận nơi kiểm tra, yêu cầu xử lý khu nhà xưởng rộng hơn 1.800m2 của gia đình ông Lê Hữu Thành (Phó chủ tịch thường trực HĐND quận Thủ Đức) tồn tại trái phép suốt 7 năm, gây bức xúc cho người dân.
Hay toà nhà số 51 Nguyễn Chí Thanh đã được chủ đầu tư là Công ty TNHH Kinh doanh Bất động sản Mai Hoàng xây dựng sai phép 5 tầng với tổng diện tích hơn 1.800m2, công trình chưa được nghiệm thu nhưng chủ đầu tư đã đưa hơn 200 người vào ở. Với hành vi sai phạm nghiêm trọng, UBND TP.HCM đã xử phạt chủ đầu tư số tiền kỷ lục 925 triệu đồng, cắt điện nước, đồng thời yêu cầu công an xử lý.
Ở các dự án nhà ở thương mại, vi phạm trật tự xây dựng cũng nhan nhản nhưng quá trình xử lý cưỡng chế lại rất chậm. Điển hình, dự án Tân Bình Apartment (nay đổi tên thành Tân Bình Town) ở phường 15, quận Tân Bình do Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Tân Bình làm chủ đầu tư bị phát hiện sai phạm từ năm 2016, với tổng diện tích xây trái phép lên đến 2.197m2. Trong đó, chủ đầu tư đã xây thêm hai tầng và xây bít một ô thông tầng, một tầng mái để tạo thêm hai tầng nữa. Các sai phạm này giúp chủ đầu tư tăng thêm được 28 căn hộ.
Từ khi phát hiện sai phạm, Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM đã ra văn bản buộc chủ đầu tư tháo dỡ các hạng mục sai phạm nhưng chủ đầu tư không thực hiện. Một tháng sau, Sở Xây dựng ban hành quyết định cưỡng chế, giao đội 3, Thanh tra cơ động thuộc Sở Xây dựng phối hợp với UBND Q.Tân Bình thực hiện. Thế nhưng, quyết định ban hành rồi... bỏ đó. Người dân bức xúc kéo đến Sở Xây dựng phản ánh gay gắt.
Tình trạng xây dựng không phép diễn ra nhiều ở quận 9, Thủ Đức, Bình Tân, Bình Chánh. |
Trong gần một năm, Sở Xây dựng tổ chức gần chục cuộc họp với dân, ra hàng loạt văn bản hứa xử lý kiên quyết nhưng đến nay, hàng loạt hạng mục sai phạm của công trình này vẫn còn nguyên.
Tương tự, hơn một năm trước, dự án The Park Residence ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè do Công ty Cổ phần Phú Hoàng Anh làm chủ đầu tư bị phát hiện xây trái phép với tổng diện tích hơn 800m2.
Trong đó, rất nhiều hạng mục sai rất nghiêm trọng như xây dựng vách ngăn, thay đổi chức năng phòng sinh hoạt cộng đồng và phòng ban quản lý chung cư, làm lợi cho chủ đầu tư thêm 4 căn hộ thương mại. Tại vị trí sảnh của dự án, chủ đầu tư ngăn vách tạo thêm một căn hộ dịch vụ nữa với diện tích lên đến 78,4m2...
Các sai phạm trên đều được Thanh tra Sở Xây dựng ra quyết định xử phạt hành chính, đề nghị tháo dỡ. Khi chủ đầu tư chỉ đóng tiền phạt mà không chịu tháo dỡ, sở tiếp tục ra quyết định cưỡng chế, nhưng thực tế việc cưỡng chế chỉ thực hiện trên giấy.
Còn cao ốc The One Sài Gòn (đường Ký Con, quận 1) do Công ty Cổ phần Tập đoàn Capella (trước đây là Công ty Địa ốc Bến Thành) làm chủ đầu tư, công ty đã tự ý mở rộng diện tích khu căng tin, văn phòng, kỹ thuật tại ba tầng 21, 22, 23 và chuyển đổi sang kinh doanh nhà hàng sai mục đích, không được cơ quan chức năng cấp phép. Dù việc xây dựng trái phép này đã bị người dân phản ánh gần 3 năm, Sở Xây dựng TP.HCM cũng đến kiểm tra nhưng đến nay, các sai phạm vẫn còn đó.
Theo ông Lê Trần Kiên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, các ngành, đơn vị đã rất tích cực trong việc phát hiện và xử phạt nhưng vẫn không chấm dứt triệt để tình trạng này do nhiều nguyên nhân.
Trong đó, nguyên nhân chủ yếu vẫn là nhu cầu nhà ở không đáp ứng được tỷ lệ dân số ngày một tăng. Lợi nhuận từ mua bán đất nông nghiệp, phân lô bán nền rất lớn. Một số đầu nậu lợi dụng nhu cầu nhà ở của người dân, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, sau đó xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp để kinh doanh, mua bán.
Cũng theo ông Kiên, công tác cưỡng chế tháo dỡ các công trình vi phạm gặp nhiều khó khăn. Hàng ngàn trường hợp không tuân theo yêu cầu, buộc cơ quan chức năng phải cưỡng chế. Nhưng pháp luật lại quy định biện pháp phạt tiền bằng cách khấu trừ lương hoặc một phần thu nhập, kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để đem đi đấu giá, thu hồi.
Hơn 3 năm trôi qua, dự án Tân Bình Apartment (nay đổi tên thành Tân Bình Town) ở phường 15, quận Tân Bình vẫn chưa cưỡng chế vi phạm. |
“Trong hầu hết các trường hợp, cơ quan quản lý không xác định được thu nhập, tài khoản của đối tượng vi phạm do ngân hàng không hợp tác, dẫn đến không thể ban hành quyết định cưỡng chế. Hơn nữa, có quá nhiều trường hợp người dân chỉ có tài sản duy nhất là căn nhà bị yêu cầu tháo dỡ nên không thể kê biên”, ông Kiên nói.
Biện pháp mạnh
Ông Lý Thanh Long, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, để đối phó với nạn xây dựng không phép, Thành Ủy TP.HCM đã ban hành Chỉ thị 23-CT/TU ngày 25/7/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy và Kế hoạch 3333/KH-UBND ngày 12/8/2019 của UBND TP.HCM về tăng cường quản lý nhà nước về đảm bảo trật tự xây dựng.
“Sau 3 tháng triển khai Chỉ thị 23 - CT/TU và Kế hoạch 3333/KH-UBND, tình hình quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP.HCM đã có chuyển biến tích cực. Cụ thể, số công trình vi phạm trên địa bàn TP.HCM là 450 công trình”, ông Long nói.
Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM cho biết thêm, TP.HCM sẽ triển khai kế hoạch liên tịch tăng cường quản lý trật tự xây dựng. Theo đó, Sở Xây dựng và Ủy ban nhân dân các quận, huyện sẽ ký kết kế hoạch liên tịch tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn quận, huyện, thành lập Tổ công tác trong đó Phó Chủ tịch quận, huyện làm Tổ trưởng, Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng làm Tổ phó.
Đội Thanh tra địa bàn quận, huyện chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thanh tra Sở Xây dựng về tổ chức, nhân sự, chuyên môn và thực hiện công tác phối hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân quận, huyện trong quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn phụ trách.
UBND phường, xã, thị trấn chịu trách nhiệm kiểm tra, phát hiện và xử lý đối với các công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng theo quy định. Công trình xây dựng lấn chiếm hành lang bảo vệ sông, kênh, rạch, đầm, hồ công cộng. Công trình xây dựng trên đất không được phép xây dựng; công trình xây dựng ở nông thôn thuộc khu vực chưa có quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt; nhà ở riêng lẻ ở nông thôn, trừ nhà ở riêng lẻ xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử văn hóa.
3 năm trôi qua, vi phạm Còn cao ốc The One Sài Gòn (đường Ký Con, quận 1) vẫn còn nguyên. |
Tổ công tác theo kế hoạch này sẽ kiểm tra, phát hiện và xử lý đối với các công trình xây dựng là nhà ở riêng lẻ, công trình xây dựng do UBND cấp phép xây dựng, dự án đầu tư xây dựng do Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định đầu tư, nhà ở thuộc dự án phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở có quy mô dưới 7 tầng và tổng diện tích sàn dưới 500m2, có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Đồng thời, công trình, bộ phận công trình xây dựng phát sinh sau khi công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng theo giấy phép xây dựng do Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp hoặc đã được cập nhật giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản. Công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thuộc dự án đầu tư xây dựng phát triển nhà ở hoặc khu đô thị.
Ngoài ra, Tổ công tác lập biên bản vi phạm hành chính đối với công trình xây dựng vi phạm thuộc trách nhiệm kiểm tra, phát hiện, xử lý của Tổ công tác; đồng thời, tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền hoặc tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với các trường hợp vượt thẩm quyền.
Ông Lê Hoà Bình, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, việc ký kết liên tịch (đầu tháng 11/2019 sẽ triển khai chính thức) nhằm tăng cường nhân lực, chủ động phối hợp giữa Đội thanh tra địa bàn thuộc Sở Xây dựng với lãnh đạo UBND quận huyện.
Việc thực hiện kế hoạch liên tịch góp phần chấn chỉnh, khắc phục những yếu kém trong phối hợp giữa Sở Xây dựng và Ủy ban nhân dân các quận, huyện trong công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng.
TP.HCM quyết tâm lập lại trật tự xây dựng nhưng có đạt được kết quả như mong muốn? |
Đảm bảo 100% công trình xây dựng trên địa bàn phải được kiểm tra theo đúng quy định (trừ công trình bí mật Nhà nước, công trình quốc phòng, an ninh), 100% công trình vi phạm trật tự xây dựng được phát hiện, xử lý kịp thời, đồng thời, kéo giảm ít nhất 50% số vụ vi phạm trật tự xây dựng qua từng năm.
Ngoài ra, triển khai liên tịch cũng chuẩn bị cho đề án đang chờ Thủ tướng Chính phủ thông qua là đề án thành lập thí điểm Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị (trên cơ sở sáp nhập các Đội Thanh tra địa bàn thuộc Thanh tra Sở Xây dựng và Đội Quản lý trật tự đô thị thuộc Phòng Quản lý đô thị quận, huyện) thuộc UBND quận huyện quản lý như đã triển khai ở thành phố Hà Nội.
“Việc thực hiện kế hoạch liên tịch góp phần chấn chỉnh, khắc phục những yếu kém trong phối hợp giữa Sở Xây dựng và UBND các quận huyện trong công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn”, ông Bình nói.
Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM nói thêm, TP.HCM sẽ tiến tới chấm dứt tình trạng xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch, xây dựng trên đất không được phép xây dựng mà không bị xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật. Để không phải xử lý cán bộ vi phạm, Sở Xây dựng sẽ kiểm tra, xử lý công trình vi phạm ngay từ đầu, phối hợp rà soát điều chỉnh quy hoạch xây dựng để tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu xây dựng của người dân.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp