22/08/2020 11:12
TP.HCM lên kế hoạch phục hồi du lịch sau làn sóng COVID-19 lần thứ hai
Trong kịch bản lạc quan, nếu COVID-19 được khống chế trong tháng 9, TP.HCM đề xuất tiếp tục triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa, giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng.
Sở Du lịch TP.HCM vừa đề xuất UBND TP. HCM 2 kịch bản của ngành du lịch trong bối cảnh làn sóng COVID-19 lần thứ hai vẫn còn phức tạp.
TP.HCM lên kế hoạch phục hồi du lịch sau làn sóng COVID-19 lần thứ hai. Ảnh: Nguyên Phương |
Theo đó, kịch bản thứ nhất, trường hợp dịch bệnh được khống chế trong tháng 9, Sở đề xuất tiếp tục triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa trên cơ sở liên kết các doanh nghiệp lữ hành khách sạn, vận chuyển và các điểm tham quan để có những sản phẩm mới, hấp dẫn an toàn và cạnh tranh.
Đồng thời, đẩy mạnh triển khai các nội dung liên kết hợp tác phát triển với các tỉnh thành trong cả nước, chú trọng các tour thu hút phân khúc khách khác nhau như doanh nhân, học sinh, sinh viên, công nhân.
Nghiên cứu thực hiện số hóa các điểm đến du lịch trên địa bàn thành phố bằng giao diện ảnh 360, 3D, công nghệ thực tế ảo để tăng cường ứng dụng công nghệ trong tuyên truyền quảng bá hình ảnh.
Kịch bản thứ hai, trường hợp xấu hơn, dịch bệnh kéo dài đến hết tháng 12/2020, Sở Du lịch TP.HCM kiến nghị tập trung các nhóm giải pháp tái cơ cấu, đào tạo lại nguồn nhân lực trong ngành du lịch.
Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp tái cơ cấu, định hướng lại thị trường khách du lịch và xây dựng các sản phẩm mới chuẩn bị tái khởi động kinh doanh khi dịch bệnh được khống chế.
Theo ước tính vào đầu tháng 8 của Sở Du lịch TP.HCM, hơn 35.000 chương trình du lịch gồm tour trọn gói, tour tự chọn và dịch vụ như khách sạn, vé máy bay, điểm tham quan… của các doanh nghiệp lớn trên địa bàn đã bị huỷ.
Riêng Vietravel, hơn 20.000 lượt khách đã yêu cầu hủy tour đặt trước, thiệt hại ước tính lên đến 90 tỷ đồng. Đây cũng là doanh nghiệp nhận được nhiều quan tâm nhất của người dân tại Ngày hội Du lịch TP.HCM vừa diễn ra.
Nhiều điểm du lịch hè nổi tiếng như Đà Lạt, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang… cũng ghi nhận lượt khách hủy tour, phòng cao kỷ lục.
Đối với hoạt động lưu trú, các đơn đặt phòng trong tháng 7 và tháng 8 tại các khách sạn đa số bị hủy, các hợp đồng hội nghị, tiệc cưới, nhà hàng quy mô từ 30 người trở lên cũng lâm vào cảnh tương tự.
Trước khó khăn chung, các khách sạn bắt đầu chia ca làm việc 2-3 ngày/tuần, công suất phòng giảm hơn 90%, số lượng lao động giảm 61%, trong đó, gần 90% người lao động trong ngành du lịch nghỉ không lương chia sẻ cùng doanh nghiệp.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp