20/03/2020 10:31
TP.HCM khuyến cáo người dân hạn chế ra đường trong thời gian dịch bệnh
Chiều 19/3, tại cuộc họp giao ban trực tuyến về việc ứng phó với dịch bệnh diễn ra trên địa bàn, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 TP.HCM khuyến cáo người dân nên hạn chế ra đường trong thời điểm cao về dịch bệnh.
Người dân nên hạn chế ra đường
Theo nguồn tin từ Zing, tại buổi giao ban, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh nhận định 10 ngày tới là giai đoạn quan trọng trong phòng, chống dịch COVID-19 của TP.HCM và Hà Nội. Để sẵn sàng ứng phó, TP.HCM đã triển khai 1.000 giường cách ly tại Khu ký túc xá Đại học quốc gia, mỗi ngày Thành phố tiếp tục triển khai 2.000 giường. Đến ngày 27/3/2020 đảm bảo triển khai xong 20.000 giường.
Ông Bỉnh cũng đề nghị người dân không có việc cần thiết thì không nên ra đường, hàng quán không cần thiết thì nên đóng cửa, trừ các hàng thuốc, thực phẩm, siêu thị…
"Chính phủ và các địa phương đã phát đi thông điệp: người dân nếu không có việc gì tối cần thiết thì không nên ra ngoài. Chúng ta đã kịp thời nhưng phải quyết liệt hơn, chạy nhanh trước khi dịch lan rộng ra cộng đồng" ông Bỉnh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng tiến hành triển khai mở rộng khu cách ly điều trị. Ngoài 3 nơi hiện tại gồm Bệnh viện dã chiến Củ Chi, Bệnh viện huyện Cần Giờ và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, Sở Y tế tính tới chuyển toàn bộ bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM (huyện Bình Chánh) sang Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Nhi đồng 2 để vận hành nơi này như khu chữa trị.
Toàn cảnh cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 TP.HCM. Ảnh: HMC |
Về trang thiết bị y tế, Sở cho biết đã tăng lượng dung dịch sát khuẩn, khẩu trang, máy thở lên gấp đôi để đảm bảo đáp ứng cho cả nhân viên y tế và nhân viên kiểm dịch tại sân bay Tân Sơn Nhất. Định mức cho trang phục phòng hộ của nhân viên y tế cũng được tăng từ 250.000 đồng lên 500.000 đồng/bộ.
Về phòng áp lực âm, ông Bỉnh cho biết hiện có 3 công ty cung cấp thiết bị này cho thành phố và đang vận hành hết công suất để sản xuất 20 phòng/tuần, đáp ứng nhu cầu chữa trị.
Thành phố cũng đã chủ động đã trang bị 3.000 bộ xét nghiệm có độ nhạy cao để sàng lọc, tầm soát rộng những trường hợp nghi ngờ, trường hợp tiếp xúc gần. Tiếp tục trang bị thêm 10.000 bộ xét nghiệm trong tháng 3/2020 để tăng cường tầm soát những người nghi nhiễm.
Các đơn vị quận huyện, phường xã phải có kịch bản ứng phó dịch bệnh
Chỉ đạo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh hiện mỗi ngày có 1.300-1.700 người nhập cảnh ở sân bay Tân Sơn Nhất, trong 10 ngày tới có khoảng 17.000 người. Do đó, việc chuẩn bị giường cho khu tập trung và người nhập cảnh về thành phố phải được chuẩn bị.
Trong tuần này, đích thân Chủ tịch UBND TP.HCM sẽ kiểm tra, rà soát phương án ứng phó dịch của từng địa phương. Ông Phong nhấn mạnh, trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp và khó dự đoán, thành phố cần tính toán kiểm soát chặt chẽ mọi vấn đề liên quan đến dịch bệnh và kiểm soát dịch bệnh.
Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong phát biểu tại cuộc họp. |
Chủ tịch Phong cũng gợi ý, ngoài đội ngũ y bác sĩ hơn 19.000 người đang làm việc, ngành y tế cần kêu gọi, vận động lực lượng sinh viên y khoa, các y bác sĩ về hưu, bác sĩ bộ tư lệnh quân khu, bác sĩ từ bệnh viện của công an tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch. Nếu Bộ tư lệnh thành phố thiếu nhân lực, ông đề xuất tận dụng lực lượng thanh niên xung phong của thành phố.
Ông Phong cũng giao Sở Công Thương chuẩn bị sẵn sàng nhu yếu phẩm cho khu cách ly và lương thực cho thành phố trong trường hợp dịch lan rộng. Sở Giao thông Vận tải cũng được giao điều động hỗ trợ 30 xe có tài xế để chuyển người cần cách ly tập trung về khu cách ly hoặc qua các tỉnh lân cận.
Ngưng tất cả các hoạt động tập trung học sinh, học viên
Nguồn tin từ báo Tuổi Trẻ, Sở GD&ĐT TP.HCM vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị trên địa bàn ngưng tất cả các hoạt động tập trung học sinh, học viên như các kỳ thi, khảo sát chứng chỉ ngoại ngữ - tin học, các hoạt động giáo dục kỹ năng, ngoại khóa...
Tạm ngưng tất cả hoạt động tập trung học sinh và ngưng nhận hồ sơ đăng ký cấp phép hoạt động các loại hình dịch vụ giáo dục. |
Sở GD&ĐT đề nghị UBND các quận,huyện tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, yêu cầu các đơn vị, cơ sở GD trên địa bàn thực hiện nghiêm.
Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT sẽ tạm ngưng nhận hồ sơ đăng ký cấp phép hoạt động các loại hình dịch vụ giáo dục (các loại hình trường, trung tâm ngoại ngữ - tin học, dạy thêm - học thêm, giáo dục kỹ năng, tư vấn du học…) thuộc quản lý của Sở GD&ĐT.
Thời gian thực hiện các nội dung trên từ nay đến khi UBND TP cho phép học sinh, học viên TP đi học trở lại.
Tính đến chiều 19/3, trên cả nước ghi nhận 76 ca dương tính với COVID-19. Riêng TP.HCM ghi nhận 12 ca nhiễm COVID-19, trong đó, 3 ca đã chữa khỏi, 2.997 trường hợp đang cách ly tập trung và 615 người đang cách ly tại nhà.
Chiều 19/3/2020, tại cuộc họp giao ban trực tuyến về việc ứng phó với dịch bệnh diễn ra trên địa bàn, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 TP.HCM khuyến cáo người dân nên hạn chế ra đường trong thời điểm cao về dịch bệnh.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp