29/01/2024 11:57
TP.HCM khai trương tàu cao tốc, phà biển đi các tỉnh vào dịp Tết Giáp Thìn
Tuyến tàu thủy cao tốc Nhà Bè (TP.HCM) đi Côn Đảo dài 230km có sức chở 1.000 hành khách, sẽ chính thức khai trương vào ngày 22/2/2024, nhằm ngày 14 tháng Giêng năm Giáp Thìn, nhằm phục vụ du khách trong dịp Tết Nguyên đán.
Đi tàu cao tốc từ TP.HCM tới Côn Đảo chỉ mất 5 tiếng
Tuyến tàu cao tốc có lộ trình đi từ cảng Hiệp Phước thuộc huyện Nhà Bè, TP.HCM đến cảng Bến Đầm, huyện Côn Đào, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, với thời gian hành trình khoảng 5 giờ đồng hồ.
Đây là tuyến nằm trong quy hoạch phát triển đường thủy của TP.HCM giai đoạn 2023 – 2025, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân đồng thời phục vụ giao thông thủy nội địa, tham quan du lịch văn hóa - lịch sử, kết nối giao thông giữa hai địa phương TP.HCM và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu…
Đơn vị vận hành, khai thác tuyến cao tốc này là Công ty cổ phần tàu cao tốc Phú Quốc (Phú Quốc Express). Đây là doanh nghiệp đang khai thác tuyến cao tốc Cần Thơ – Côn Đảo, tuyến Sóc Trăng – Côn Đảo, tuyến Trà Vinh – Côn Đảo (đang đề xuất),…Doanh nghiệp này cũng cho biết, sẽ tổ chức các tour du lịch kết hợp đường thủy để phục nhu cầu đi lại và tham quan du lịch của người dân TP.HCM.
Ở các tỉnh phía Nam, đến nay có hai địa phương có tuyến tàu cao tốc đi Côn Đảo là Cần Thơ và Sóc Trăng. Tuyến Cần Thơ – Côn Đảo do Công ty cổ phần Mai Linh Tây Đô khai thác, với tàu cao tốc Mai Linh Express; tuyến Sóc Trăng – Côn Đảo do Công ty Phú Quốc Express, tàu khai thác là tàu Côn Đảo Express. Tháng 6/2023, Phú Quốc Express đã có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh hỗ trợ mở rộng tuyến vận tải hành khách từ Trà Vinh đi Côn Đảo. Cụ thể, doanh nghiệp này đề nghị tỉnh Trà Vinh giới thiệu một vị trí tiềm năng để đầu tư xây dựng cảng đón trả khách.
Trước đó, bến cảng tàu khách Côn Đảo được Cục Hàng hải Việt Nam cấp phép đưa vào sử dụng từ đầu tháng 3/2023 và chính thức được đưa vào khai thác thử nghiệm đón tàu từ ngày 6/4/2023. Dự án có tổng mức đầu tư 158,4 tỷ đồng, có tổng thể kiến trúc công trình không che khuất tầm nhìn ra biển, có cổng vào và khối nhà dịch vụ hai bên thiết kế đối xứng, hài hòa với cảnh quan xung quanh bãi biển trước vịnh Côn Sơn.
Cảng tàu khách Côn Đảo Đây là cảng biển chuyên dụng đón tàu khách đầu tiên của huyện Côn Đảo, nằm trọn trong vịnh Côn Sơn, được chắn gió tốt, thuận lợi để tàu cập bến ngay cả trong những ngày biển động. Bến cảng tàu khách Côn Đảo hoàn thành và đi vào hoạt động tạo điều kiện thuận lợi hơn cho du khách đến đảo theo đường biển, rút ngắn hơn 10km đường về trung tâm Côn Đảo so với từ cảng Bến Đầm, tiết kiệm chi phí đi lại trung bình 50.000 đồng mỗi lượt, đồng thời giảm tải lớn cho cảng Bến Đầm.
Trong khi đó, cảng Bến Đầm (cách thị trấn Côn Sơn gần 15km) được xem là “cửa ngõ” ra vào Côn Đảo và là địa điểm đầu tiên trong hành trình khám phá Côn Đảo, nơi cập bến và trung chuyển của hàng ngàn tàu bè đi đến các địa điểm tham quan khác trên đảo Côn Sơn, theo Vneconomy.
Phà biển đi từ Cần Giờ đến Tiền Giang chỉ mất 30 phút
Tuyến phà biển Cần Giờ - Vàm Láng dài khoảng 12km, với thời gian hành trình 30 phút từ xã Long Hòa, huyện Cần Giờ (TP.HCM) đi thị trấn Vàm Láng (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) và ngược lại.
Theo đó, đầu bến phía Cần Giờ tại khu vực cầu bến Đồng Hòa hiện hữu, trên sông Hà Thanh - Đồng Hòa (gần cửa sông Soài Rạp), kết nối giao thông đường bộ ra đường Duyên Hải. Tại Tiền Giang, bến nằm liền kề bến đò Vàm Láng xã Kiểng Phước, huyện Gò Công.
Việc đầu tư tuyến phà biển không sử dụng ngân sách do nhà đầu tư tự bỏ chi phí xây bến, phương tiện… với tổng vốn khoảng 120 tỷ đồng: Đầu tư xây dựng 2 đầu bến Cần Giờ - Vàm Láng (55 tỷ đồng); 2 phương tiện thủy (60 tỷ đồng); nhà chờ, nhà giữ xe (5 tỷ đồng).
Phà biển dài 50m, rộng 20m, có khả năng chở trên 250 hành khách, 100 xe máy và 15 xe ô tô. Dự kiến phà chỉ chạy vào ban ngày (6-18h), tối thiểu 4 chuyến một ngày, mỗi chuyến mất khoảng 30 phút với cự ly 12km (một chiều).
Khi được đưa vào khai thác, phà biển sẽ giúp rút ngắn thời gian đường bộ khoảng 100km mất gần 3 giờ di chuyển từ Cần Giờ đến Tiền Giang xuống còn 30 phút. Tuyến còn được kỳ vọng kết nối hai địa phương vận chuyển hàng hóa và phát triển du lịch.
Theo ông Bùi Hòa An, Sở GTVT TP.HCM đã phối hợp với Sở GTVT tỉnh Tiền Giang thành lập tổ công tác để xây dựng tiêu chí, thẩm định, đánh giá hồ sơ và lựa chọn doanh nghiệp khai thác. Dự kiến, tuyến phà biển Cần Giờ - Vàm Láng sẽ khai thác trong quý 2/2024.
Hiện tuyến vận tải hành khách, hàng hóa cố định từ huyện Cần Giờ đi tỉnh Tiền Giang bằng đường thủy chỉ khai thác bằng tàu gỗ, trọng tải thấp, chỉ vận chuyển được hành khách, hàng hóa và xe máy (không vận chuyển ôtô).
Do đó, nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hóa, tăng cường kết nối từ huyện Cần Giờ đi các tỉnh bằng đường thủy, tạo điều kiện đột phá phát triển kinh tế - xã hội và du lịch của huyện Cần Giờ, việc khai thác tuyến phà biển chở ô tô, hành khách, hàng hóa và xe máy từ huyện Cần Giờ đi tỉnh Tiền Giang và ngược lại là rất cần thiết.
Mặt khác, việc khai thác tuyến phà biển này sẽ phát triển vận tải hành khách, hàng hóa giảm áp lực cho vận tải đường bộ, giảm ùn tắc giao thông.
Khi đưa vào hoạt động, thời gian qua lại giữa hai địa phương này sẽ được rút ngắn xuống còn khoảng 30 phút, bằng phân nửa so với đường bộ.
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement