22/10/2019 18:01
TP.HCM đề nghị công nhận Địa đạo Củ Chi là Di sản văn hóa thế giới
Người đứng đầu UBND TP.HCM cho biết nếu trở thành Di sản văn hóa thế giới, Địa đạo Củ Chi sẽ thu hút nhiều khách du lịch hơn.
Trong cuộc cuộc họp ngày hôm nay, 22/10, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã cho biết đã yêu cầu Sở Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa- Thể thao, Sở Nội vụ và Bộ Tư lệnh TP.HCM thực hiện hồ sơ xin công nhận Địa đạo Củ Chi là Di sản văn hoá Thế giới. Việc thực hiện hồ sơ này phải xem xét trên tất cả các yếu tố, trong đó có việc ảnh hưởng đến quốc phòng hay không.
Du khách nước ngoài tham quan Địa đạo Củ Chi |
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhận định, việc nằm trong danh sách Di sản văn hoá Thế giới sẽ khiến Địa đạo Củ Chi nói riêng và TP.HCM nói chung thu hút nhiều khách du lịch hơn. Song song đó, các sở, ngành cũng phải hoàn thiện các địa điểm du lịch khác như Rừng Sác (Cần Giờ) để Thành phố có nhiều chương trình phát triển du lịch.
Địa đạo Củ Chi (huyện Củ Chi) nằm phía tây bắc TP.HCM, cách trung tâm Thành phố khoảng 70km. Hiện hệ thống địa đạo được bảo tồn ở hai địa điểm gồm: Địa đạo Bến Dược (căn cứ Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định) tại ấp Phú Hiệp, xã Phú Mỹ Hưng và Địa đạo Bến Đình (căn cứ Huyện ủy Củ Chi) tại ấp Bến Đình, xã Nhuận Đức.
Địa đạo là một hệ thống đường hầm dài hơn 200km bao gồn nhiều phòng chức năng như bệnh xá, phòng ở, nhà bếp, kho chứa, phòng làm việc, hệ thống đường ngầm. Địa đạo Củ Chi được xây dựng trên vùng đất được mệnh danh là "đất thép", nằm ở điểm cuối đường mòn Hồ Chí Minh. Đây cũng chính là ngõ tấn công vào Sài Gòn của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trong Chiến dịch Mậu Thân 1968.
Tham quan Rừng Sác (Cần Giờ) |
Năm 2015, khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động. Năm 2016, nơi này đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Theo thống kê, mỗi ngày hiện có khoảng 1.200 – 1.500 khách đến thăm và tìm hiểu về địa đạo Củ Chi.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp