Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

TP.HCM có bất lực với nạn xây nhà không phép?

Hàng chục căn nhà không phép ở Thủ Đức, Bình Chánh, Nhà Bè… được xây dựng kiên cố nhưng chính quyền địa phương không hề biết hoặc bao che cho sai phạm.

Tràn lan nhà không phép

Đội thanh tra địa bàn quận Thủ Đức vừa kiểm tra phường Hiệp Bình Chánh đã phát hiện nhiều công trình không phép. Cụ thể, tại công trình tại nhà số 41, đường số 18, khu phố 4 do ông Võ Văn Phú làm chủ đầu tư. Tại đây, một phần công trình được Đội thanh tra địa bàn quận Thủ Đức xác định xây dựng không phép.

Anh 1 Hang chuc can nha xay khong phep o Binh Chanh
Hàng chục ngôi nhà kiên cố xây không phép ở ấp 5A, đường Thới Hòa, xã Vĩnh Lộc A.

Tương tự, tại công trình nhà không số đối diện nhà số 29/40/7/19 đường số 42, khu phố 8 xây dựng không có giấy phép. Còn công trình cạnh quán cà phê N2N và đối diện nhà số 73 đường số 10, khu dự án Công ty Địa ốc 10, khu phố 5 thì một công trình khác được xây dựng không phép, diện tích vi phạm tầng 1 lên tới 128,7m2, cột, khung kèo thép, chưa lợp mái.

Tại đường số 10, còn có công trình xây dựng không phép tọa lạc đối diện quán Gió Chiều. Thửa đất số 330 tờ 49 bàn đồ địa chính Hiệp Bình Chánh khi giấy phép được cấp cho ông Lê Hoàng Nam nhưng một chủ thể không được cấp phép khác lại tiến hành xây dựng.

Công trình tại số 46/4A đường số 18, khu phố 3 mặc dù có giấy phép xây dựng, nhưng sau khi hoàn công công trình, chủ đầu tư đã tiến hành xây dựng phát sinh thêm diện tích vi phạm gồm sân thượng cả phía trước, phía sau và tum thang...

Ở Bình Chánh, tình trạng xây dựng không phép đang diễn ra rất rầm rộ. Từ đầu hẻm vào tổ 11, 12 đi vào khoảng 200m của ấp 5A, đường Thới Hòa, xã Vĩnh Lộc A, hàng chục căn nhà hai tầng kiên cố mọc lên giữa cánh đồng cỏ trống trải.

Cùng với đó là nhiều nền đất đã hoàn thành móng, đang chuẩn bị xây. Xung quanh không có hạ tầng gì, chỉ có con đường mới đổ đất và xà bần tạm bợ. Điều đáng nói, tất cả các căn nhà này đều xây dựng không phép.

Từ con hẻm 13D trên đường Lê Thị Dung, ấp 4A, xã Vĩnh Lộc A đi sâu vào trong, gần như toàn bộ các căn nhà đều được xây theo hình thức, bên ngoài quây tôn, bên trong là nhà kiên cố. Những lớp tôn cũ, mới đan xen nhau tạo thành một khu phố nhà tôn xập xệ.

Tương tự, hàng chục căn nhà xây dựng sai phép ở hẻm 1991, ấp 4, xã Nhơn Đức, Nhà Bè vẫn đang tồn tại. Từ đường Lê Văn Lương, xã Nhơn Đức rẽ vào con hẻm 1991 thuộc ấp 4, chúng tôi nhận thấy phía trong cùng của con hẻm này, việc xây dựng nhà ở đang diễn ra rầm rộ. Có 3 loại nhà ở đây, một là loại nhà xây đúng phép, 2 là xây không đúng phép bị dỡ bỏ và 3 là những căn nhà xây không đúng phép nhưng vẫn được phép tồn tại cho đến nay.

Hẻm 1991 của ấp 4, xã Nhơn Đức chỉ rộng khoảng 2m nhưng các căn nhà cất sát nhau, hầu hết xây 1 trệt 1 lầu với diện tích đất nhỏ để chia thành 23 căn nhà bán cho nhiều người. Theo hồ sơ, khu đất này thuộc chủ quyền của ông Phan Hoàng Dũng, ngụ tại Nhơn Đức, Nhà Bè.

Trong khi giấy phép xây dựng số 1463, 1464, 1465 và 1466/GPXD do UBND huyện Nhà Bè cấp, chỉ cho phép dãy công trình này có chiều cao 6,4m, số tầng là 1 lửng. Thế nhưng chủ đầu tư trong quá trình xây dựng dãy nhà 23 căn này, ông Phan Hoàng Dũng đã cho xây dựng không đúng với giấy phép được cấp khi cố tình lấn phần không gian ban công ra và tăng diện tích tầng lửng.

Ở Thủ Đức, hàng loạt ngôi nhà cũng được xây dựng không phép, trái phép bắt đầu từ năm 2016-2017. Người dân nhiều lần phản ánh nhưng tình trạng xây trái phép vẫn tiếp diễn như không có chuyện gì cả.

Thậm chí, ngay cả khi Ủy ban Kiểm tra Thành ủy xuống một phường có 21 căn nhà xây trái phép liền kề nhau, xây cùng lúc ở quận Thủ Đức. Khi hỏi Chủ tịch phường xây lúc nào, Chủ tịch phường không biết, trong khi hỏi người dân xung quanh ai cũng biết.

Theo thống kê của Sở Xây dựng TPHCM, năm 2016 quận Thủ Đức có 314 công trình xây dựng không phép và trái phép. Đến năm 2017 có khoảng 150 và năm 2018 giảm chỉ còn 72 công trình không phép, sai phép. Còn ở Bình Chánh, năm 2016 có khoảng 850 trường hợp xây không phép và sai phép, thì đến năm 2017 là 1.092 trường hợp và năm 2018 khoảng 870 trường hợp. Cả 3 năm cộng lại là khoảng 2.700 trường hợp.

Bao che?

Theo ông Lôi Đại Phong, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B, trung bình mỗi tháng có khoảng 60 trường hợp xây dựng không phép tại xã này. Trong khi đó, ông Phan Thanh Nhã, Chủ tịch xã Vĩnh Lộc A khẳng định trong năm 2018 xã này chỉ có 32 trường hợp xây dựng không phép, trong đó có 13 trường hợp đã bị cưỡng chế.

Lý giải về tình trạng nhà không phép, trái phép tràn lan ở Bình Chánh, ông Trần Phú Lữ, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cho biết, do diện tích của huyện quá lớn nhưng đất ở quá ít. Điển hình như xã Vĩnh Lộc A có diện tích tự nhiên gần 2.000 ha mà đất có chức năng là đất ở đô thị hiện hữu chỉ có gần 66ha, chưa tới 5% tổng quỹ đất, còn lại 102ha đất có chức năng đất dân cư xây mới.

Cụ thể, xã Vĩnh Lộc B có diện tích hơn 1.700ha nhưng diện tích đất ở hiện hữu chỉ có khoảng 137ha, còn lại là đất nông nghiệp và đất dân cư xây mới.

Trong khi đó, nhu cầu nhà ở của người dân rất cao, trong khi quỹ đất không đủ để đáp ứng. Mua đất tại nơi có hạ tầng hoàn thiện và các tiện ích thì giá cao nên người có thu nhập thấp thường tìm tới các xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B để mua đất xây nhà trái phép.

Anh 2 Nhieu ngoi nha khong phep o Nha Be van ton tai

Hẻm 1991 của ấp 4, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè có nhiều căn nhà xây trái phép nhưng không bị xử lý.

Các đầu nậu cũng tổ chức bán lén lút, quảng cáo cho người mua xây dựng không phép. Tuy nhiên, cán bộ phụ trách ấp, cán bộ hợp đồng chưa kịp thời báo cáo cho cán bộ địa chính lập biên bản. Về việc này, tới đây huyện sẽ cương quyết lập hồ sơ xử lý ngay từ đầu.

Ông Lữ khẳng định, cuối năm 2018, huyện đã ban hành văn bản chỉ đạo, giao các đơn vị thường xuyên kiểm tra, không để bùng phát vi phạm xây dựng. Cùng đó là ban hành quyết định thanh tra về trật tự xây dựng và quản lý đất đai trên địa bàn cả hai xã Vĩnh Lộc A, B.

Trong một năm qua, huyện Bình Chánh đã họp Hội đồng kỷ luật tới mấy chục cuộc và kỷ luật hàng chục người liên quan đến các lĩnh vực này. Riêng xã Vĩnh Lộc A, Chủ tịch xã bị cảnh cáo, chuyển công tác xuống làm chuyên viên và Phó Chủ tịch xã cũng bị cảnh cáo, sau đó đã viết đơn nghỉ việc. Xã Vĩnh Lộc B cũng thay luôn cả Bí thư và Chủ tịch. Nhiều cán bộ địa chính khác cũng bị kỷ luật.

Trước tình trạng này nhà không phép tràn lan, UBND TPHCM đã yêu cầu UBND huyện Bình Chánh xử lý nghiêm các trường hợp xây dựng không phép trên đất nông nghiệp. Đồng thời, Công an TPHCM được giao tổ chức nắm tình hình về việc cán bộ công chức bao che, tiếp tay với các đầu nậu xây dựng nhà ở không phép trên đất nông nghiệp tại huyện Bình Chánh.

Nhằm ngăn chặn việc đầu cơ trục lợi, xây dựng không phép, phá vỡ quy hoạch, gây mất an ninh trật tự tại huyện Bình Chánh, Sở Quy hoạch Kiến trúc được giao nghiên cứu các quy định hiện hành có liên quan và nhu cầu thực tế sử dụng đất tại địa phương để tham mưu chuyển đổi chức năng quy hoạch sử dụng đất, lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 để cấp phép xây dựng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc tạo dựng nơi ở ổn định, hạn chế việc xây dựng sai phép, không phép.

TRÀ GIANG
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement