Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

TP.HCM có 122 vụ hỏa hoạn, 2 người chết trong 8 tháng đầu năm 2022

Nóng trong ngày

12/09/2022 11:10

Đó là thông tin do Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cung cấp tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng cháy, chữa cháy...

Sáng 12/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng cháy, chữa cháy và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định số 83/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ và lực lượng phòng cháy, chữa cháy.

Hội nghị được tổ chức trực tuyến giữa điểm cầu Trụ sở Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Dự hội nghị tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.

Thời gian qua, tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn diễn biến phức tạp, khó lường, tần suất ngày càng cao, nhất là tại các vụ cháy tại các khu dân cư, chung cư cao tầng, khu công nghiệp, chợ, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là tại các quán karaoke…

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn - Ảnh 1.

Hội nghị có ý nghĩa thiết thực nhằm tạo sự chuyển biến thực chất trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn trên phạm vi toàn quốc. Ảnh: Nhật Bắc/VGP

Thủ tướng Chính phủ nhắc lại một số vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng gần đây như vụ cháy quán karaoke tại quận Cầu Giấy, Hà Nội ngày 1/8/2022 làm 3 chiến sĩ Cảnh sát PCCC hy sinh; vụ cháy kho xưởng khiến 3 mẹ con tử vong ở Thanh Oai, Hà Nội ngày 10/9/2022; vụ cháy quán karaoke tại Bình Dương ngày 6/9/2022 làm nhiều người chết…

Nhân hội nghị, Thủ tướng gửi lời chia buồn tới thân nhân người bị thiệt mạng, những người bị thương do các vụ cháy gây ra; yêu cầu các địa phương, cơ quan tiếp tục thăm hỏi, chia sẻ, hỗ trợ, động viên tinh thần, vật chất đối với các gia đình bị nạn, theo TTXVN.

Tại hội nghị, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM đã có báo cáo cụ thể.

Thực hiện Nghị định số 83/2017/NĐ-CP của Chính phủ, TP.HCM đã ban hành Kế hoạch số 7788 triển khai thực hiện công tác Phòng cháy chữa cháy. TP.HCM với đặc điểm là một đô thị lớn, chúng tôi rất chú ý tập trung xây dựng lực lượng cứu nạn, cứu hộ, phòng cháy chữa cháy tinh nhuệ, đồng thời thường xuyên củng cố, tập huấn lực lượng phòng cháy chữa cháy ở cơ sở cũng như các đội phòng cháy chữa cháy chuyên ngành ở 22 quận huyện và 312 xã, phường, thị trấn.

Chỉ tính từ ngày 1/8/2017 đến nay, trên địa bàn Thành phố đã xảy ra gần 3.500 vụ việc liên quan đến cháy, nổ và sự cố, tai nạn. 8 tháng đầu năm 2022, TP.HCM có 122 vụ, trong đó có 4 vụ lớn, 4 vụ nghiêm trọng và làm chết 2 người, bị thương 12 người.

Về nguyên nhân các vụ cháy, chúng tôi thấy rằng nhà ở của người dân gắn với các điều kiện an toàn điện cần phải có giải pháp xử lý. Nơi ở của người dân phải tiếp cận với các giải pháp phòng cháy chữa cháy khi có tình huống xảy ra. Hiện nay có rất nhiều nơi không đảm bảo, các chung cư hiện nay người dân hay làm các lồng sắt ngoài lô gia… Qua đây chúng ta thấy là công tác kiểm tra thường xuyên duy trì gắn với xử lý vi phạm có ý nghĩa rất quan trọng để phòng ngừa; cũng như việc xây dựng và phát huy lực lượng tại chỗ, tập huấn và trang bị cho các lực lượng này là rất quan trọng.

TP.HCM đã củng cố 17 đội phòng cháy chữa cháy với 150 thành viên, đặc biệt là ở các KCN-KCX, các chung cư lớn, chuyên ngành xăng dầu ở các tổng kho.

TP.HCM đã triển khai Công điện 792 của Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu các văn bản để quản lý nhà nước về công tác phòng cháy chữa cháy.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng cháy, chữa cháy tại điểm cầu Chính phủ. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Chúng tôi cũng rất quan tâm đến công tác tuyên truyền gắn với kiểm tra, xử lý, làm tốt công tác phòng ngừa. Tiếp tục củng cố lực lượng phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn, tập huấn, trang bị để nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng cháy chữa cháy.

Nhân đây, tôi cũng kiến nghị là sắp tới TP.HCM sẽ tách đội cứu hộ cứu nạn khỏi phòng cháy chữa cháy, mong Bộ Công an sẽ hướng dẫn, hỗ trợ.

Cuối cùng là TPHCM sẽ triển khai phòng cháy chữa cháy cho các công trình ngầm, các metro. Chúng tôi sẽ trình phương án, rất mong sẽ có hướng dẫn và có khung pháp lý trong thời gian sắp tới.

TP.HCM có 3 kiến nghị với Thủ tướng và Trung ương. Cần hoàn thiện thể chế, các quy định về trách nhiệm chủ trì, phối hợp và trách nhiệm, các hình thức chế tài của các bên liên quan; các quy định, quy chuẩn; khắc phục những điểm chồng chéo.

Vừa qua, TP.HCM có quy định thợ hành nghề hàn phải được tập huấn. Những gì cần thiết chúng ta phải thực hiện.

Chúng ta cần có cơ chế phối hợp lực lượng hoạt động phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn cho vùng trọng điểm kinh tế phía nam, hằng năm cần có diễn tập trong khu vực. Đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư để tăng tính cơ động và hiệu quả phòng cháy chữa cháy trên địa bàn, kể cả trang bị trực thăng chữa cháy, tàu chữa cháy trên sông hoặc robot, người máy tham gia chữa cháy, tăng cường thêm xe, thang và các phương tiện cứu hộ cứu nạn khác.

Nếu chúng ta không làm tốt hiệp đồng, không diễn tập, không trang bị thì thiệt hại rất lớn, đặc biệt là với vùng trọng điểm kinh tế phía nam.

TP.HCM cũng thống nhất đề nghị xem xét, bổ sung công việc phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn vào danh mục nghề độc hại nguy hiểm để chúng ta có chính sách xứng đáng.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn - Ảnh 3.

Vụ cháy quán karaoke làm 32 người chết ở Bình Dương. Ảnh: VTC News

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, ông Lê Hồng Sơn cũng báo cáo nhanh về công tác thực hiện triển khai chỉ đạo của Thủ tướng tại Công điện số 792 ngày 10/9/2022 về chỉ đạo khắc phục vụ cháy tại Bình Dương.

Ngay sau khi nhận được Công điện của Thủ tướng Chính phủ, TP. Hà Nội đã ban hành Công điện về tăng cường công tác phòng chống cháy nổ trên địa bàn và yêu cầu các cơ quan đơn vị trên địa bàn thành phố thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng đồng thời chỉ đạo thực hiện trên toàn thành phố một số nhiệm vụ như sau:

Hoàn thành việc tổng kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường. Hiện nay trên thành phố Hà Nội có trên 1.400 quán bar, vũ trường đang hoạt động; xử lý nghiêm các vi phạm bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Giám sát chặt chẽ các cơ sở đã bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động do không bảo đảm các quy định phòng cháy, chữa cháy theo yêu cầu; vi phạm điều kiện phòng cháy chữa cháy và yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, phường, thị trấn, doanh nghiệp chịu trách nhiệm trước UBND Thành phố nếu xảy ra vi phạm. Hiện nay toàn thành phố đã đình chỉ 326 trường hợp, theo VTV.

Đối với các cơ sở kinh doanh trong thời gian sửa chữa, kiên quyết không cho phép hoạt động và nếu xảy ra sự cố đáng tiếc phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

TP. Hà Nội xin báo cáo về "Giải pháp xây dựng lực lượng dân phòng đáp ứng yêu cầu thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố Hà Nội": Thủ đô Hà Nội có khoảng 10 triệu người; đơn vị hành chính gồm 30 quận, huyện, thị xã; 579 xã, phường. Trên địa bàn Thành phố hiện nay với khoảng 1.437 công trình nhà cao tầng, siêu cao tầng; 09 khu công nghiệp, khu công nghệ cao, 70 cụm công nghiệp; 5.311 khu dân cư, trong đó có 438 khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao.

Thực tiễn cho thấy vai trò của lực lượng dân phòng trong công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ (CNCH) trên địa bàn là rất quan trọng. Việc đầu tư và hoạt động hiệu quả của lực lượng này góp phần giảm thiểu số vụ cháy, kịp thời dập tắt các đám cháy ngay từ khi mới phát sinh và không để cháy lan, cháy lớn, gây hậu quả nghiêm trọng.

Về thực trạng lực lượng dân phòng hiện nay, đã xây dựng và thành lập 5.362 Đội dân phòng/ 5.362 thôn, tổ dân phố (đạt tỉ lệ 100%); với tổng 46.101 đội viên đội dân phòng; mỗi đội dân phòng được bố trí 01 đội trưởng, từ 1-2 đội phó tùy theo số lượng thành viên.

Về trang bị phương tiện PCCC và CNCH, cơ bản các đội dân phòng trên địa bàn Thành phố đều đã được trang bị phương tiện PCCC và CNCH ban đầu như: Bình chữa cháy, đèn pin, búa, rìu, xà beng, búa tạ,… Tuy nhiên, một số đơn vị chưa trang bị đầy đủ theo quy định của Chính phủ, Bộ Công an, nhất là về trang phục chữa cháy (quần áo, găng tay, mũ, ủng, mặt nạ phòng độc,…). Hiện tại, Thành phố đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị rà soát, trang bị bổ sung đảm bảo theo quy định.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn - Ảnh 4.

Quán karaoke ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, khiến 3 cảnh sát hy sinh. Ảnh: Internet

Công tác huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ chữa cháy, CNCH: Hằng năm, lực lượng dân phòng đều được đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng và cấp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ nghiệp vụ PCCC và CNCH.

Về chế độ chính sách cho lực lượng dân phòng, căn cứ Nghị định số 136/2020 của Chính phủ, HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 16/2021 quy định mức hỗ trợ cho các chức danh Đội trưởng, Đội phó Đội dân phòng, cụ thể: Với Đội trưởng là 30% và Đội phó là 25% mức lương tối thiểu vùng; đối với đội viên đội dân phòng, các chế độ chính sách được chi trả khi tham gia huấn luyện, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo quy định của Chính phủ.

Về thực trạng hoạt động và tính hiệu quả của lực lượng dân phòng trong công tác PCCC và CNCH trên địa bàn Thủ đô, trong công tác PCCC, đã bước đầu phát huy được tính hiệu quả nhất định. Đây là cánh tay nối dài của UBND và công an cấp xã trong công tác đảm bảo an toàn về PCCC tại địa phương, nhất là đối với khu dân cư, hộ gia đình.

Trong công tác CNCH, lực lượng dân phòng chủ yếu là phối hợp, hỗ trợ lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH hướng dẫn được người dân thoát nạn, thoát hiểm trong những vụ việc đơn giản; di chuyển và bảo vệ tài sản, an ninh trật tự phục vụ công tác chữa cháy. Các vụ cứu nạn, cứu hộ người mắc kẹt trong đám cháy, trên các tầng cao, dưới nước, sập đổ cấu kiện, công trình đều do lực lượng chuyên nghiệp thực hiện.

Giải pháp xây dựng lực lượng dân phòng đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ CNCH trên địa bàn Thành phố trong thời gian tới: Hiện tại, thành phố Hà Nội đang chỉ đạo xây dựng Đề án Tổng thể nâng cao năng lực và đảm bảo an toàn PCCC&CNCH trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2022-2025, định hướng 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá là xây dựng, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng dân phòng đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ công tác PCCC và CNCH trong tình hình mới, theo phương châm "bốn tại chỗ" trong công tác PCCC và CNCH. Cụ thể:

Rà soát, kiện toàn về lực lượng dân phòng, bổ sung ngay các điều kiện cần thiết về trang phục, thiết bị bảo hộ cá nhân, nơi làm việc và chế độ chính sách cho thành viên đội dân phòng trong hoạt động PCCC và CNCH tại địa phương.

Giao Công an Thành phố tăng cường huấn luyện, đào tạo, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ PCCC và CNCH cho lực lượng dân phòng đảm bảo đáp ứng yêu cầu để xử lý các tình huống cháy nổ, sự cố, tai nạn trong giai đoạn ban đầu.

TP Hà Nội có một số đề xuất với Quốc hội, Chính phủ và Bộ Công an như sau:

Đề nghị Quốc hội sớm ban hành luật Lực lượng tham gia bảo vệ An ninh, trật tự ở cơ sở để có cơ chế huy động các lực lượng quần chúng, lực lượng bán chuyên trách tham gia công tác PCCC, cứu nạn, cứu hộ được rộng rãi hơn, đông đảo hơn.

Đề nghị Chính phủ nghiên cứu sửa đổi Nghị định số 83 năm 2017 của Chính phủ và các Thông tư, hướng dẫn của Bộ Công an có liên quan về công tác CNCH để phù hợp với mô hình mới sau khi sáp nhập Cảnh sát PCCC và CNCH vào Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo mô hình mới.

(Tổng hợp)

AN LY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement