01/02/2018 17:28
TP.HCM cần gần 26.000 tỉ đồng để di dời 20.000 dân
Để di dời, tổ chức lại cuộc sống cho 20.000 người trên và ven kênh rạch, TP.HCM cần 2.508 tỉ đồng từ ngân sách, 23.240 tỉ đồng từ xã hội hoá.
Tại hội nghị mời gọi tham gia chương trình cải tạo, di dời nhà trên và ven kênh rạch, chỉnh trang đô thị do UBND TP.HCM tổ chức ngày 1/2, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP.HCM khẳng định, TP.HCM quyết tâm tìm mọi phương thức mới, cơ chế mới, kinh nghiệm quốc tế và khả năng nội tại để giải quyết vấn đề đặc thù, trong đó có việc chỉnh trang đô thị, giúp người dân có chỗ ở, điều kiện làm việc tốt hơn.
Hiện nay, TP.HCM có 6 dự án kêu gọi đầu tư di dời nhà trên và ven kênh rạch. Trong đó, dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm khá phức tạp nên TP.HCM cần hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện. Đối với 5 dự án còn lại, TP.HCM kêu gọi và lựa chọn nhà đầu tư cạnh tranh để triển khai thực hiện.
“TP.HCM phấn đấu trong năm 2018 kêu gọi đầu tư hai dự án để đến năm 2020 hoàn tất việc di dời 20.000 hộ dân. UBND TP.HCM cũng cần có chương trình tập huấn cho cán bộ làm công tác quy hoạch, học hỏi kinh nghiệm từ Nhật Bản theo hướng không di dời người dân đi chỗ khác mà cải tạo đô thị ngay trên chính phần đất hiện hữu nhằm sử dụng đất hiệu quả hơn, tăng giá trị đất sử dụng đất”, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
TP.HCM sẽ di dời và tổ chức lại cuộc sống cho 20.000 người dân sống ven và trên kênh rạch. |
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, tuy là trung tâm kinh tế lớn của cả nước nhưng TP.HCM vẫn là một đô thị chưa hoàn chỉnh, phải đối phó với những thách thức như kẹt xe, ngập nước, vệ sinh môi trường, biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, TP.HCM vẫn có hơn 20.000 hộ dân sống trên và ven kênh, rạch. Đây là nỗi đau, trăn trở và day dứt của lãnh đạo thành phố qua nhiều thời kỳ.
Chính vì vậy, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X nhiệm kỳ 2015-2020 đặt ra chỉ tiêu đến năm 2020, di dời và tổ chức lại cuộc sống cho 20.000 người dân đang sống trên và ven kênh rạch.
Để thực hiện được mục tiêu này, trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp TP.HCM chủ trương xã hội hóa đầu tư và có chính sách ưu đãi thu hút các nguồn vốn theo phương thức đối tác công tư. Thành phố cam kết tạo mọi điều kiện để các nhà đầu tư tiếp cận những chính sách ưu đãi, đảm bảo công khai, minh bạch khi đấu thầu triển khai dự án.
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, việc di dời người dân khu vực này nhằm giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường, ngập nước, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống. Đồng thời, đảm bảo chất lượng sống đô thị, góp phần xây dựng thành phố văn minh, hiện đại nghĩa tình.
Nhu cầu vốn thực hiện chương trình di dời và tổ chức lại cuộc sống của người dân đang sống trên và ven kênh, rạch khoảng 2.508 tỉ đồng từ ngân sách và khoảng 23.240 tỉ đồng từ xã hội hoá.
Các dự án công khai kêu gọi đầu tư di dời nhà trên và ven kênh rạch gồm dự án bờ Nam Kênh Đôi, rạch Xuyên Tâm, rạch Văn Thánh, rạch Cầu Dừa, quận 4, hồ Song Tân, rạch Bần Đôn, kênh Tẻ, dự án cải thiện môi trường nước thành phố lưu vực kênh Tàu Hủ-Bến Nghé-kênh Đôi-kênh Tẻ giai đoạn 3, dự án mười quy hoạch phân khu dọc sông Sài Gòn, huyện Củ Chi.
Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione cho rằng, triển khai dự án này, TP.HCM sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề như vốn, di dời và tái định cư người dân.
Trong bối cảnh ngân sách TP.HCM cũng như của Chính phủ hạn hẹp, vốn ODA ngày càng ít, không đủ chi tiêu cho các dự án lớn nên TP.HCM sẽ phải huy động các nguồn lực, từ việc tăng phí xả thải, xử lý nước thải môi trường cho đến nguồn vốn từ kinh tế tư nhân và đối tác công tư.
Muốn thực hiện được điều này, TP.HCM sẽ phải cải cách mạnh mẽ hơn nữa về thể chế. Đồng thời tăng cường kiểm tra và giám sát của các cơ quan chuyên môn. Ngân hàng Thế giới cam kết sẽ tiếp tục hợp tác toàn diện, hỗ trợ TP.HCM triển khai dự án cải tạo dòng kênh để xây dựng thành phố hiện đại, vì lợi ích người dân.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp