25/08/2017 10:47
TPHCM cần 850.000 tỷ đồng để tạo đột phá
Để thực hiện 7 chương trình đột phá trong giai đoạn 2016-2020, TPHCM cần khoảng 850.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngân sách thành phố chỉ đáp ứng được 20% tổng nhu cầu vốn đầu tư. Đây là một thách thức lớn đối với đầu tàu kinh tế đất nước.
Tại hội nghị kết nối nhà đầu tư với ngân hàng, tổ chức tín dụng tham gia thực hiện các dự án thuộc 7 chương trình đột phá của TPHCM diễn ra ngày 24/8, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, thành phố đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng về các vấn đề ô nhiễm, kẹt xe, biến đổi khí hậu...
Theo ông, những vấn đề này không chỉ là trở ngại mà còn là rào cản tác động trực tiếp đến khả năng tăng trưởng và khả năng cạnh tranh của thành phố (TP).
Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, nhu cầu vốn đầu tư cho 7 chương trình đột phá của TP giai đoạn 2016-2020 là rất lớn, ước tính khoảng 850.000 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực hạ tầng giao thông, môi trường, chống ngập nước chiếm tỷ lệ khoảng 60%.
Theo ông, trong khi TP cần nguồn lực tài chính lớn thì ngân sách TP chỉ đáp ứng được khoảng 20%, đó là một thách thức lớn đối với TP trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, ông Phong đánh giá: “Hiện nay lợi thế lớn nhất của TP là dư địa tăng trưởng kinh tế còn rất cao. TP hoàn toàn có đủ cơ sở để nằm trong top 10 TP đẳng cấp thế giới nếu có cơ chế tài chính ngân sách đặc thù và biết khơi dậy nguồn vốn của các tổ chức tín dụng và nguồn vốn nhàn rỗi trong nhân dân”.
Ông Phong cho biết trong thời gian qua TP đã đẩy mạnh huy động nguồn vốn khu vực tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài thông qua xã hội hóa đầu tư, hợp tác công tư (PPP). Đây là những giải pháp nhằm khai thác nguồn lực trong xã hội để tham gia đồng hành cùng TP tạo bước đột phá.
Ông Phạm Phú Quốc - Tổng giám đốc Công ty đầu tư tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC) cho biết, để có nguồn lực tài chính quy mô đủ lớn tài trợ cho các dự án PPP cũng như các dự án trọng điểm khác của thành phố, HFIC được giao chủ trì xây dựng Đề án huy động các nguồn lực trong dân cũng như nguồn kiều hối từ nước ngoài.
Hiện nay, HFIC đang nghiên cứu việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu công trình theo cơ chế doanh nghiệp tự vay tự trả, từ đó giảm áp lực nợ công cho ngân sách thành phố.
Ông Nguyễn Thành Phong cho biết: “Mặc dù số lượng dự án hình thức đầu tư PPP không lớn, chỉ chiếm khoảng 5% số dự án đầu tư công của thành phố, nhưng nguồn vốn cần huy động rất lớn, gấp 5 lần nguồn lực đầu tư công của thành phố giai đoạn 2011-2015”.
Ông đánh giá giải pháp mà HFIC đang nghiên cứu phù hợp với nhu cầu đầu tư của TP.
Vì vậy, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, TP sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo bỏ các điểm nghẽn về cải cách hành chính; đưa đấu giá, đấu thầu thành phương thức chủ yếu phân bổ các nguồn lực nhằm minh bạch và tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế tiếp cận bình đẳng các cơ hội đầu tư trên địa bàn TP.
Hội nghị cũng chứng kiến lễ ký kết biên bản thỏa thuận cho vay vốn 8 dự án PPP giữa các nhà đầu tư và các ngân hàng, với số vốn vay là 26.000 tỷ đồng.
Các dự án về hạ tầng giao thông đầu tư theo hình thức PPP được hỗ trợ vay vốn gồm: dự án đầu tư xây dựng đường trục Bắc Nam, với vốn đầu tư 18.000 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng đường Nguyễn Tất Thành 4.669 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng đường song hành phía Nam cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây (đoạn từ nút giao An Phú đến Vành đai 2) 869 tỷ đồng.
Một số dự án trong lĩnh vực y tế gồm: dự án đầu tư xây dựng Khu Dịch vụ số 1 - Bệnh viện Nhi Đồng 1, quy mô vốn đầu tư 800 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Tân Phú 973 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng đầu tư, nâng cấp và vận hành các trạm y tế phường tại quận 3 với 100 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Y tế Dự phòng Quận 7 với 99 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có dự án đầu tư xây dựng Trung tâm thể dục thể thao quận 2, với 226 tỷ đồng.
Advertisement
Advertisement