Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Tổng công ty Tín Nghĩa niêm yết trên Upcom: Mua 35% cổ phần, TTC Group đã được hưởng lợi gì từ Tín Nghĩa (bài 6)

Chứng khoán

27/11/2018 08:06

Bỏ ra 586 tỷ đồng để mua 35% vốn điều lệ của Tín Nghĩa, Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group) của ông Đặng Văn Thành được hưởng hàng loạt đặc ân.

Đưa người vào tiếp quản

Ngày 1/4/2016, Tổng công ty Tín Nghĩa đã IPO gần 14,9 triệu cổ phần, tương ứng 9,56% vốn điều lệ. Có 9 đại lý và nhà đầu tư tham gia đấu giá cổ phần trong đợt IPO này là Công ty Chứng khoán Ngân hàng ACB, Đông Á, Vietinbank, Maritimebank, Vietcombank, Công ty Chứng khoán Sài Gòn, Công ty Chứng khoán TP.HCM, Công ty Chứng khoán Bản Việt, Công ty Chứng khoán VNDirex.

Có tổng cộng 30 nhà đầu tư đăng ký mua 30,26 triệu cổ phần của Tín Nghĩa, hơn gấp 2 lần lượng cổ phần mà Tín Nghĩa sẽ chào bán 14,9 triệu cổ phần. Trong đó, cá nhân trong nước là 22 nhà đầu tư với số lượng đăng ký mua 15,36 triệu cổ phiếu. Tổ chức trong nước có 2 nhà đầu với số lượng đăng ký là 10.000 cổ phiếu. Tổ chức nước ngoài có 4 nhà đầu tư với khối lượng đăng ký là 14,8 triệu cổ phiếu.

Cơ cấu cổ đông hiện tại của Tín Nghĩa, theo số liệu đến ngày 30/6/2018. Tỷ lệ sở hữu của các cổ đông có chênh lệch so với thời điểm 30/6/2016.
Cơ cấu cổ đông hiện tại của Tín Nghĩa, theo số liệu đến ngày 30/6/2018. Tỷ lệ sở hữu của các cổ đông có chênh lệch so với thời điểm 30/6/2016.

Kết quả đấu giá có mức giá đấu thành công cao nhất là 14.000 đồng/cổ phiếu. Mức giá thấp nhất là 11.600 đồng/cổ phiếu và giá đấu thành công bình quân là 11.885 đồng/cổ phiếu. Số tiền mà Tín Nghĩa thu về từ đợt IPO này là hơn 177 tỷ đồng.

Số nhà đầu tư trúng giá là 12 nhà đầu tư, trong đó có 3 tổ chức và 9 cá nhân. Đáng chú ý, trong số 12 nhà đầu tư này, Dragon Capital đã mua 8% vốn của Tín Nghĩa, tương ứng khoảng hơn 12 triệu cổ phiếu. Tính theo mức giá trúng thầu thấp nhất tại phiên IPO thì Dragon Capital đã chi ra tối thiếu hơn 140 tỷ đồng.

Sau đợt IPO gần 15 triệu cổ phần, Tín Nghĩa tiếp tục chào bán 35% vốn cho không quá 3 đối tác chiến lược với 54,53 triệu cổ phiếu. Tiêu chí nhà đầu tư chiến lược là có thời gian hoạt động 5 năm, tổng tài sản đến cuối năm 2014 là 1.500 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu tối thiểu 500 tỷ và có lợi nhuận trong 3 năm liên tiếp, từ 2012-2014.

Đến 30/6, Tín Nghĩa công bố đã chọn được nhà đầu tư mua 35% vốn điều lệ là Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group). Giá bán cho nhà đầu tư chiến lược bằng mức giá trúng thầu tại phiên IPO, có nghĩa TTC Group phải chi ra tối thiểu 586 tỷ đồng để sở hữu 54,5 triệu cổ phần Tín Nghĩa.

Như vậy sau khi thực hiện IPO và chào bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, cơ cấu cổ đông Tín Nghĩa gồm Tỉnh uỷ Đồng Nai giữ 50%, TTC Group giữ 35%, Dragon Capital nắm gần 8% và cán bộ nhân viên nắm Tín Nghĩa giữ 5,5%.

Trở thành cổ đông chiến lược của Tín Nghĩa, TTC Group đã đưa người của mình vào nắm nhiều vị trí quan trọng tại Tổng công ty này. Điển hình, bà Huỳnh Bích Ngọc vợ của ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị TTC Group trở thành Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Tín Nghĩa. Tuy nhiên bà Ngọc là Thành viên Hội đồng quản trị không điều hành.

Bà Ngọc cũng đang là cố vấn cấp cao ban Tổng giám đốc TTC Group, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị TTC Land, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Toàn Hải Vân, cố vấn cấp cao ban Tổng giám đốc TTC Sugar. Bà Ngọc đang nắm 227.632 cổ phần, chiếm 0,1% vốn điều lệ của Tín Nghĩa.

Người thứ 2 là ông Huỳnh Lê Phú Kiệt, Phó tổng giám đốc Tín Nghĩa và cũng là nhân vật từng gắn bó lâu năm, nắm chiều chức vụ quan trọng ở TTC Group cũng như các công ty con liên quan đến nhà Đặng Văn Thành.

Cụ thể, từ năm 2012, ông Kiệt là Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Kiến trúc Xây dựng Toàn Thịnh Phát rồi làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Lê Quý Đôn ở Biên Hòa, Thành viên Hội đồng quản trị Sacombank.

Ông Kiệt cũng có thời gian làm Tổng giám đốc TTC Land, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị TTC Land, Phó chủ tịch Hội đồng điều hành kiêm Phó chủ tịch TTC Group… Ông Kiệt đang nắm 100.000 cổ phần, chiếm 0,050% vốn điều lệ của Tín Nghĩa.

Bà Huỳnh Bích Ngọc vợ của ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị TTC Group trở thành Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Tín Nghĩa.
Bà Huỳnh Bích Ngọc vợ của ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị TTC Group trở thành Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Tín Nghĩa.

Tương tự, ông Thái Văn Chuyện, Tổng giám đốc TTC Group cũng là Thành viên Hội đồng quản trị không điều hành của Tín Nghĩa. Ông Chuyện là người đại diện cho TTC Group sở hữu 67.287.500 cổ phần, chiếm 33,64% vốn điều lệ Tín Nghĩa. Bản thân ông Chuyện cũng có 227.632 cổ phần, chiếm 0,1% vốn điều lệ Tín Nghĩa.

Ở trong Ban kiểm soát Tín Nghĩa, có ông Nguyễn Văn Triển là Giám đốc khối Tài chính của TTC Land và Kế toán trưởng tại 3 công ty con của TTC Group làm Thành viên Ban kiểm soát của Tín Nghĩa.

Như vậy, sau khi mua lại 35% cổ phần tại Tín Nghĩa, TTC Group đã đưa 2 người vào trong Hội đồng quản trị, 1 người làm Phó tổng giám đốc và 1 người du học ở Úc về tài chính nắm Ban kiểm soát ở Tín Nghĩa.

Nâng tầm

Trước khi trở thành cổ đông chiến lược của Tín Nghĩa, TTC Group có 19 công ty, 3 công ty liên kết và công ty hạt nhân là Đầu tư Thành Thành Công. Tổng đóng góp ngân sách năm 2014 đạt gần 500 tỷ đồng.

TTC Group được thành lập năm 1979 với tiền thân là cơ sở sản xuất cồn được thành lập bởi ông Đặng Văn Thành và bà Huỳnh Bích Ngọc. Tại thời điểm đó, TTC Group có vốn điều lệ 100 triệu đồng và 20 cán bộ nhân viên, ngành nghề hoạt động chính là sản xuất cồn.

Đến năm 2001, TTC Group tăng vốn điều lệ lên 25 tỷ đồng. Năm 2011, cái tên TTC Group được ra đời với vốn điều lệ hơn 3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sự chuyển mình của TTC Group chỉ bắt đầu khi trở thành cổ đông chiến lược của Tín Nghĩa vào năm 2016.

Cũng trong năm 2016, TTC Group bắt đầu chuyển đổi hoạt động theo mô hình Tổng công ty ngành với 5 lĩnh vực chính là Bất động sản, Năng lượng, Mía đường, Du lịch và Giáo dục.

Năm 2017, TTC Group hoàn thiện quá trình chuyển đổi và vận hành theo mô hình Tổng công ty. Quy mô Tập đoàn TTC năm 2017 gồm 1 công ty hạt nhân, 4 Tổng công ty ngành, 1 Ủy ban ngành với hơn 150 đơn vị trực thuộc trong và ngoài nước, hơn 10.000 cán bộ nhân viên. Vốn điều lệ 14.378 tỉ đồng. Tổng tài sản 49.305 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.489 tỉ đồng.

Nếu nhìn kỹ, cơ cấu ngành nghề của TTC Group cũng na ná như mô hình hoạt động của Tín Nghĩa với lĩnh vực hoạt động từ Khu công nghiệp, Bất động sản, Năng lượng, Nông sản, Du lịch, Logistics. Do đó, TTC Group và Tín Nghĩa dễ dàng bắt tay nhau hợp tác.

TTC Group chuyển mình mạnh mẽ.
TTC Group chuyển mình mạnh mẽ.

Điển hình, trong lĩnh vực năng lượng, TTC Group đang làm điện gió. Việc trở thành cổ đông lớn của Tín Nghĩa có thể giúp TTC Group phát triển mảng năng lượng bởi không chỉ có kinh nghiệp trong phát triển năng lượng, Tín Nghĩa còn đang nắm hệ thống phân phối xăng dầu khu vực tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu.

Một lĩnh vực khác và cũng là ẩn số lớn nhất khi ông Đặng Văn Thành đầu tư vào Tín Nghĩa là lĩnh vực nông nghiệp. Nên nhớ, lĩnh vực đem lại doanh thu chính cho Tín Nghĩa trong suốt 5 năm qua là xuất khẩu cà phê.

Tín Nghĩa đã đầu tư trồng 700ha cà phê Arabica tại Lào và đã bắt đầu bước vào giai đoạn thu hoạch. Tham vọng của Tổng công ty này là trồng khoảng 3.000ha cà phê và xây dựng nhà máy chế biến cà phê nhân ở Lào.

Trong khi đó, hồi tháng 5/2017, Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Gia Lai đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thay đổi tên gọi từ Công ty TNHH Mía đường Hoàng Anh Gia Lai (HALG Sugar) thành Công ty TNHH Mía đường TTC Attapeu.

HALG Sugar là pháp nhân nắm Công ty TNHH Mía đường Hoàng Anh Attapeu, đơn vị sở hữu nhà máy đường và nông trường mía của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai tại tỉnh Attapeu, Lào. Để M&A thương vụ này, TTC Group đã bỏ ra hơn 1.330 tỷ đồng.

Rõ ràng với thế mạnh nguồn nguyên liệu rộng khắp cùng hệ thống kho bãi, logistics phụ trợ, TTC Group và Tín Nghĩa dễ dàng bắt tay với nhau để phát triển lĩnh vực kinh doanh nông sản với danh mục sản phẩm rộng khắp từ mía đường, chè, cà phê, hạt điều…

Lột xác TTC Land

Điểm dễ nhận thấy nhất ở TTC Group sau khi “kết duyên” với Tín Nghĩa là nâng tầm Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín. TTC Group đã bỏ thương hiệu Sacomreal, vốn gắn liền với Sacombank để khoác lên chiếc áo mới TTC Land.

Trước khi về “chung nhà” với Tín Nghĩa, TTC Group cũng là một doanh nghiệp có tiếng trong lĩnh vực bất động sản ở TP.HCM với các dự án sản phẩm địa ốc nhà ở tại phân khúc trung bình cao và cao cấp.

TTC Land phát triển thêm mảng bất động sản khu công nghiệp và Logistics, vốn là thế mạnh của Tín Nghĩa ở Đồng Nai.
TTC Land phát triển thêm mảng bất động sản khu công nghiệp và Logistics, vốn là thế mạnh của Tín Nghĩa ở Đồng Nai.

Dưới bóng TTC Group có hàng loạt công ty con như Sacomreal, Toàn Thịnh Phát, Đặng Huỳnh, Toàn Hải Vân, Thành Thành Nam... Tuy nhiên, nếu so với các ông lớn trong làng bất động sản thì TTC Group vẫn chưa thể sánh nổi. Và mua 35% cổ phần của Tín Nghĩa là bước đi khôn ngoan, giúp mảng bất động sản của TTC Group với hạt nhân là TTC Land chuyển mình mạnh mẽ.

Đại hội cổ đông bất thường của TTC Land hồi cuối năm 2017, quyết định nhiều nội dung quan trọng. Trong đó có việc TTC Group nâng tỷ lệ sở hữu của TTC Land lên 36% và phát triển theo mô hình Tổng công ty, mở rộng quy mô đầu tư ra Đồng Nai, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Tây Ninh, Long An, Lâm Đồng, Phú Quốc…

Hiện tại, TTC Land có tổng tài sản gần 17.000 tỷ đồng, quỹ đất sạch hơn 1.500ha đủ để công ty phát triển trong vòng 15 năm tới. Trong đó, có hàng ngàn hecta đất ở Đồng Nai. Với mô hình Tổng công ty, TTC Land đang có 7 khối với 24 phòng ban chuyên môn.

Đến cuối tháng 3/2018, Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín chính thức khoác lên mình chiếc áo TTC Land. Bên cạnh việc phát triển các dự án bất động sản dân dụng như trước nay, doanh nghiệp này sẽ mở rộng lĩnh vực hoạt động trong nhóm ngành bất động sản như bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, bất động sản thương mại cho thuê, bất động sản khu vông nghiệp, logictis và các dịch vụ bất động sản.

Kết quả, trong 9 tháng đầu năm 2018, doanh thu thuần của TTC Land đạt 2.060 tỷ đồng, tương đương 99% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế lũy kế tăng 202% từ 74 tỷ đồng lên 222 tỷ đồng, đạt 90% kế hoạch năm. 

Trong quý IV, TTC Land dự kiến tiếp tục mở bán 651 sản phẩm để hoàn thành chỉ tiêu bán hàng trong năm 2018. Công ty đã mở bán đợt 3 dự án Chamington Iris vào tháng 10 và sẽ mở bán đợt cuối cùng tháng 12 để kịp ghi nhận doanh thu trong năm 2021 như kế hoạch bàn giao đã cam kết.

TTC Land kỳ vọng, tổng sản phẩm bàn giao năm 2018 dự kiến vượt kế hoạch 32%. Doanh thu bán bất động sản sẽ ghi nhận vào khoảng 570 tỷ đồng và doanh thu thuần cả năm kỳ vọng đạt 2.630 tỷ đồng, vượt 27% so với kế hoạch năm 2018.

NGUYỄN DUY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement