Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Tổng công ty Tín Nghĩa niêm yết trên Upcom: Doanh nghiệp lớn nhưng kém hiệu quả (bài 2)

Doanh nghiệp

21/11/2018 08:17

Doanh thu 2017 của Tín Nghĩa đạt 9.247 tỷ đồng và lợi nhuận 430 tỷ đồng. Có nghĩa, làm ra gần 22 đồng doanh thu thì chỉ có 1 đồng lợi nhuận.

Quy mô hoành tráng

Tổng Công ty Tín Nghĩa đang đầu tư 8 khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu với tổng diện tích 3.500ha, thu hút hơn 250 doanh nghiệp với tổng vốn đầu tư hơn 5,3 tỷ USD. Công ty xếp thứ 4 tại thị trường miền Nam về bất động sản khu công nghiệp với 8% thị phần.

Các khu công nghiệp do Tín Nghĩa phát triển gồm, Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 với tổng diện tích 697ha tại 25B, xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch. Khu công nghiệp Ông Kèo có tổng diện tích 855,6ha ở xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch.

Khu công nghiệp An Phước rộng 201ha, nằm ở xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Khu công nghiệp Tân Phú có tổng diện tích 49,76ha ở thị trấn Tân Phú, huyện Tân Phú. Khu công nghiệp Nhơn Trạch 6 có tổng diện tích hơn 315ha ở xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch.

Tín Nghĩa có 16 công ty con và đơn vị trực thuộc, 10 công ty liên doanh và liên kết.
Tín Nghĩa có 16 công ty con và đơn vị trực thuộc, 10 công ty liên doanh và liên kết.

Khu công nghiệp Tam Phước rộng hơn 323ha đường số 6, xã Tam Phước, huyện Long Thành. Khu công nghiệp Bàu Xéo có tổng diện tích 496 ha ở Quốc lộ 55, xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ. Khu công nghiệp Đất Đỏ có tổng diện tích 500ha nằm ở huyện Trảng Bom.

Điểm đáng chú ý, Tín Nghĩa đã lắp đặt trạm quan trắc tại các khu công nghiệp mà mình đầu tư. Hệ thống quan trắc tự động thực hiện kiểm soát chất lượng nước sau khi xử lý tại các cửa xả để cung cấp dữ liệu về thông số nước thải đầu ra tại các khu công nghiệp đến các cơ quan chức năng. Hệ thống này sẽ giúp các nhà quản lý môi trường cảnh báo nhanh, phát hiện và khắc phục hậu quả kịp thời.

Trong lĩnh vực kho cảng và logistics Tín Nghĩa đã triển khai điểm thông quan ngoài khu vực cửa khẩu Biên Hòa và Đồng Nai thông qua 2 doanh nghiệp là Công ty Cổ phần Logistic Tín Nghĩa-ICD Biên Hòa và Công ty Cổ phần cảng Container Đồng Nai-ICD Đồng Nai.

ICD Biên Hòa chuyên kinh doanh khai thác điểm chuyển tiếp hàng hóa xuất nhập khẩu, khai thác và tiếp nhận các loại hàng hóa theo phương thức chuyển khẩu, chuyển cảng. Vận chuyển hàng hóa rời, hàng hóa container với đầu kéo và romooc nhập khẩu.

ICD Đồng Nai cho thuê kho bãi, dịch vụ bốc xếp, dịch vụ giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa... Vị trí đặt tại Km13, Quốc lộ 51, xã Tam Phước, TP. Biên Hòa và gần trung tâm khu công nghiệp Tín Nghĩa, khu công nghiệp Long Thành, khu công nghiệp Nhơn Trạch…

Hiện tại, Tín Nghĩa đang triển khai đầu tư dự án Tổng kho xăng dầu Phú Hữu-Nhơn Trạch để xây dựng hệ thống kinh doanh xăng dầu từ nhập khẩu trực tiếp đến phân phối cho người tiêu dùng.

Hoạt động kinh doanh xăng dầu hiện được Công ty Cổ phần Xăng dầu Tín Nghĩa, công ty con của Tổng Công ty Tín Nghĩa là đầu mối cung cấp xăng dầu lớn cho các nhà máy, xí nghiệp, các trạm xăng dầu trên địa bàn Đồng Nai và các tỉnh lân cận. Công ty sở hữu mạng lưới phân phối hơn 42 trạm xăng dầu khắp tỉnh Đồng .

Ngoài hệ thống bán lẻ, công ty còn kết hợp bán buôn cho nhiều đại lý và các khách hàng công nghiệp phát triển kinh doanh, đầu tư đội xe bồn vận chuyển xăng dầu và gas đốt để đa dạng hóa ngành nghề hoạt động cho công ty.

Quy mô hoành tráng nhưng ít ai biết, ngành nghề nuôi sống Tín Nghĩa lại là xuất khẩu cà phê. Cụ thể, từ khi thành lập đến nay, Tín Nghĩa là một trong 10 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê nhân hàng đầu Việt Nam. Từ 2004 đến nay, mặt hàng cà phê nhân xuất khẩu của Tín Nghĩa được Bộ Công thương bình chọn và trao danh hiệu “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín”.

Năm 2005, ngoài lĩnh vực kinh doanh xuất khẩu cà phê nhân và các sản phẩm nông sản truyền thống, Tín Nghĩa đã đầu tư sản xuất gia tăng giá trị sản phẩm mặt hàng cà phê rang xay, cà phê hòa tan “3 trong 1” với thương hiệu Scafe’.

Năm 2016, Tín Nghĩa cùng với một số đối tác đã thực hiện đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất cà phê hòa tan với công suất 3.200 tấn sản phẩm giai đoạn 1. Sản phẩm của công ty phần lớn được tiêu thụ ở thị trường Bắc Mỹ, Châu Âu và một nước thuộc Châu Á Thái Bình Dương.

Tín Nghĩa đang sống nhờ xuất khẩu cà phê và thương hiệu Scafe’.
Tín Nghĩa đang sống nhờ xuất khẩu cà phê và thương hiệu Scafe’.

Đến năm 2007, Tín Nghĩa đã mở rộng quy mô và phát triển sản xuất kinh doanh cà phê sang Lào. Hiện tại, Tín Nghĩa đã và đang triển khai các dự án trồng và kinh doanh cà phê tại huyện Paksong thuộc tỉnh Champasak nằm trên cao nguyên Bolaven.

Tại cao nguyên Bolaven, Tín Nghĩa đã thành lập 2 nông trường chuyên canh cà phê Catimor, thuộc dòng Arabica là nông trường cà phê Paksong 1 diện tích gần 400ha tại bản Chansavang, huyện Paksong đã trồng lấp đầy diện tích canh tác.

Nông trường cà phê Paksong 2 có diện tích ban đầu khoảng 183ha tại bản Nọng Khương, huyện Paksong. Nông trường đã trồng được 137ha cà phê, lấp đầy diện tích được chính quyền địa phương giao đất.

Kém hiệu quả

Tuy có được lợi thế lớn về đất nhưng nhiều năm trở lại đây, doanh thu lớn nhất của Tín Nghĩa lại từ kinh doanh cà phê và nhập khẩu thức ăn gia súc. Đến năm 2014, doanh thu từ kinh doanh hạ tầng mới chỉ có khoảng 88 tỷ đồng.

Đầu tháng 4/2016, Tín Nghĩa thực hiện IPO. Khi đó, tổng giá trị thực tế của doanh nghiệp là hơn 6.284 tỷ đồng, nợ phải trả là hơn 4.845 tỷ đồng. Đáng lưu ý, thông báo đấu giá cổ phần cũng cho biết tổng giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại Tín Nghĩa chỉ là hơn 1.439 tỷ đồng.

Trong khi đó, nợ phải trả của Tín Nghĩa là hơn 4.845 tỷ đồng, chiếm hơn ba phần tư tổng giá trị thực tế của doanh nghiệp. Nói cách khác, tài sản Tín Nghĩa, hóa ra, chủ yếu hình thành từ… vốn vay chứ không phải từ quỹ đất đất khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư mà doanh nghiệp này đang sở hữu.

Sau khi cổ phần hóa, từ ngày 18/5/2017, Tín Nghĩa hoạt động dưới hình thức cổng ty cổ phần và tình hình có sáng sủa hơn. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của Tín Nghĩa lúc này vẫn được phát triển dựa trên các mảng truyền thống.

Cụ thể, xuất khẩu cà phê và nông sản là ngành nghề kinh doanh chủ đạo của Tín Nghĩa ngay từ khi thành lập, đóng góp hơn 90,8% trên tổng doanh thu, đạt 8.397 tỷ đồng trong năm 2017. Trong đó, Tín Nghĩa xuất 64.075 tấn cà phê với kim ngạch xuất khẩu 130 triệu USD. Nhờ vậy, giúp Tín Nghĩa đứng vị trí thứ 2 trong top 10 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam.

Lĩnh vực kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp và bất động sản đóng góp nhiều thứ 2, chiếm 5,9% trong cơ cấu doanh thu với giá trị 539 tỷ đồng.

Trong khi đó, các hoạt động khác như cung cấp dịch vụ logistic, kinh doanh xăng dầu thông qua việc triển khai đầu tư dự án Tổng kho xăng dầu Phú Hữu, khí đốt, xây dựng… chỉ chiếm tỷ trọng khá nhỏ trong tổng doanh thu của Tín Nghĩa.

Chi tiết các khoản lợi nhuận gộp của Tín Nghĩa từ đầu 2017 đến 6 tháng đầu năm 2018.
Chi tiết các khoản lợi nhuận gộp của Tín Nghĩa từ đầu 2017 đến 6 tháng đầu năm 2018.

Kết quả năm 2017, tổng lợi nhuận gộp của Tín Nghĩa đạt 491 tỷ đồng, giảm 21,6% so với cả năm 2016. Nguyên nhân là hoạt động xuất khẩu cà phê và kinh doanh nông sản đóng góp nhiều nhất trong cơ cấu tổng lợi nhuận gộp chiếm 34,8%, đạt 171 tỷ đồng với tỷ suất lợi nhuận biên gộp là 2% do chịu ảnh hưởng nhiều từ giá vốn hàng bán.

Hoạt động từ lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp đứng vị trí thứ 2, chiếm 31,4% trong cơ cấu lợi nhuận gộp, đạt 154 tỷ đồng. Đây là mảng kinh doanh hiệu quả nhất của Tín Nghĩa trong năm 2017 bởi tỷ suất lợi nhuận biên gộp lên đến 60,3% nhờ vào chi phí đầu vào thấp.

Kết thúc năm tài chính 2017, doanh thu thuần của Tín Nghĩa đạt 9.247 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt gần 430 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với lợi nhuận sau thuế của cả năm 2016. Nguyên nhân đến từ doanh thu từ hoạt động kinh doanh cốt lõi là cà phê và thức ăn chăn nuôi chiếm tỷ trọng cao 90,8% tổng doanh thu, đạt giá trị 8.397 tỷ đồng, với kim ngạch xuất khẩu là 64.075 tấn cà phê và 118.677 tấn thức ăn chăn nuôi.

Doanh thu tài chính tăng đột biến, đạt gần 514 tỷ đồng, tăng hơn 5 lần so với cả năm 2016. Trong đó doanh thu từ hoạt động đầu tư đạt 452 tỷ đồng, chiếm 88,9% doanh thu tài chính. Nguyên nhân là trong năm Tín Nghĩa có phát sinh lợi nhuận từ việc đầu tư tài chính vào công ty con.

Ở đây, cần phải nói, doanh thu thuần của Tín Nghĩa đạt 9.247 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt gần 430 tỷ đồng. Có nghĩa, hiệu quả hoạt động của Tín Nghĩa khá thấp khi làm ra gần 22 đồng doanh thu thì chỉ có 1 đồng lợi nhuận.

Còn trong 6 tháng đầu năm 2018, Tín Nghĩa đạt 5.403 tỷ đồng doanh thu, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2017 nhờ vào mảng xuất khẩu nông sản với doanh thu đạt hơn 5.074 tỷ đồng, tăng 5,0% và chiếm tỷ trọng 93,9% tổng doanh thu.

Lợi nhuận sau thuế của Tín Nghĩa tăng 125,8% so với cùng kỳ nhờ vào việc ghi nhận doanh thu 875 tỷ đồng từ việc Công ty Cổ phần Đầu tư Nhơn Trạch, công ty con của Tín Nghĩa hoàn tất việc góp vốn và một phần chuyển quyền sử dụng đất cho Công ty TNHH Thành phố Công nghiệp mới Nhơn Trạch, công ty liên kết của Tín Nghĩa.

Theo Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC, qua 28 năm hoạt động, từ một đơn vị được thành lập với vốn ban đầu 15 triệu đồng, nhân sự 10 người thì Tín Nghĩa đã tăng trưởng không ngừng và đạt được vị thế đáng kể.

Kinh doanh nông sản, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và xuất nhập khẩu Tín Nghĩa giữ vững vị trí thứ 2 trong 10 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam. Điều ấn tượng là liên tục từ năm 2003 đến nay, Tín Nghĩa được Bộ Công thương công nhận là doanh nghiệp xuất khẩu uy tín hàng đầu.

Cần làm gì?

Ngoài việc xuất khẩu cà phê nhân đã khẳng định được thị trường thì kinh doanh xăng dầu sẽ là một lợi thế của Tín Nghĩa trong tương lai. Mạng lưới kinh doanh xăng dầu Tín Nghĩa vươn rộng, phủ sóng rộng khắp địa bàn tỉnh Đồng Nai và các địa phương lân cận, nơi có nhịp sống công nghiệp năng động nhất nước.

Tổng Công ty Tín Nghĩa, thông qua công ty con là Công ty Cổ phần Xăng dầu Tín Nghĩa xác lập vững chắc ví trí “ông lớn” trong giới doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu với 42 trạm xăng dầu.

Vẫn còn rất nhiều dư địa cho Tín Nghĩa khai thác ở mảng xăng dầu, bất động sản, logistics...
Vẫn còn rất nhiều dư địa cho Tín Nghĩa khai thác ở mảng xăng dầu, bất động sản, logistics...

Mạng lưới bán lẻ xăng dầu của công ty đặt tại đa số các huyện, thị xã trên điạ bàn tỉnh Đồng Nai, là một tỉnh trong Khu kinh tế trọng điểm phía Nam được Chính phủ phê duyệt trở thành vùng kinh tế phát triển nhanh, có tốc độ tăng trưởng cao hơn so với các vùng khác trong cả nước.

Đồng Nai tiếp giáp với tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và TP.HCM là nơi tập trung nhiều kho cảng tiếp nhận và đầu mối cung ứng xăng dầu của các doanh nghiệp lớn như Tổng công ty Dầu khí Việt Nam-Petro VietNam, Công ty Thương mại Kỹ thuật và Đầu tư-Petec, Công ty Dầu khí TP.HCM-Saigon Petro.

Do vậy thị trường xăng dầu ở Đồng Nai có sự cạnh tranh rất quyết liệt của nhiều doanh nghiệp. Thị trường bán lẻ xăng dầu luôn sôi động với sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân do đòi hỏi vốn đầu tư không quá lớn, quy mô xây dựng nhỏ và yêu cầu kỹ thuật không phức tạp.

Tuy nhiên, Công ty Cổ phần Xăng dầu Tín Nghĩa là doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lớn và có uy tín ở tỉnh Đồng Nai. Công ty hiện là 1 trong số 3 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lớn, dẫn đầu toàn tỉnh Đồng Nai về sản lượng xăng dầu bán lẻ ra thị trường.

Đồng Nai là trung tâm phát triển khu công nghiệp đầu tiên của cả nước, khu công nghiệp phía Nam luôn thu hút được nhiều FDI và là môi trường đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư Phần lớn các khu công nghiệp tại miền Nam được phát triển bởi các công ty nội địa. Tín Nghĩa đang xếp thứ 4 của khu vực, chiếm 8% thị phần bất động sản công nghiệp.

Hiện tại, các khu công nghiệp do Tín Nghĩa trực tiếp quản lý thu hút gần 250 nhà đầu tư với tổng số vốn hơn 5,3 tỷ USD. Chỉ tính riêng trong năm 2016, Tín Nghĩa đã thu hút được 38 nhà đầu tư vào các khu công nghiệp của mình với tổng vốn đầu tư hơn 200 triệu USD.

Tín Nghĩa là một trong những đơn vị thu hút được nhiều nhà đầu tư trong tỉnh Đồng Nai. Hầu hết các khu công nghiệp đã được Tín Nghĩa hoàn thành cơ bản giai đoạn đầu tư hạ tầng chuyển sang khai thác vận hành ổn định.

Với lợi thế nổi bật là nằm ở vị trí chiến lược của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, logistics cũng là một trong những thế mạnh của Tín Nghĩa. Hiện tại, Tín Nghĩa đang sở hữu các đầu mối kinh doanh gồm ICD Biên Hòa, ICD Đồng Nai và cảng sông ở Khu công nghiệp Biên Hòa I.

Do đó, hậu IPO thì Tín Nghĩa cần đẩy mạnh hiệu quả trong việc kinh doanh xăng dầu, hạ tầng khu công nghiệp, bất động sản, logistics bên cạnh xuất khẩu cà phê và và nhập khẩu thức ăn gia súc.

Tổng công ty Tín Nghĩa niêm yết trên Upcom: 3.500ha đất mang về bao nhiêu tiền cho Tín Nghĩa? (bài 3)

Tín Nghĩa là doanh nghiệp có quỹ đất lớn nhất tỉnh Đồng Nai với 3.500ha, chưa kể đất tại Lâm Đồng và Bà Rịa-Vũng Tàu. Tuy nhiên, hiệu quả lại là câu chuyện đáng bàn khi chỉ mang về cho Tín Nghĩa 539 tỷ đồng doanh thu và 154 tỷ đồng lợi nhuận cho cả 2017.

NGUYỄN DUY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement