28/08/2020 17:34
Tôn chỉ 'làm việc hay chết' đẩy Thủ tướng Abe đến giới hạn từ chức
Tình hình sức khỏe của Thủ tướng Shinzo Abe đã đẩy chính trường Nhật Bản vào tình cảnh rối ren.
Khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nghỉ phép 3 ngày vào mùa hè này, rồi dùng ngày 17/8 để kiểm tra sức khỏe, ông đã mở "chiếc hộp Pandora" của chính trị Nhật Bản. Khi ông phải vào bệnh viện khám lần hai chỉ một tuần sau, mọi thứ có lẽ đã đến ngưỡng không thể xoay chuyển được nữa.
Ông Akira Amari, đồng minh và là bạn của ông Shinzo Abe, đã nổi giận cho rằng các trợ lý của thủ tướng Nhật Bản bắt ông làm việc quá sức. Những chính trị gia đối lập chớp ngay lấy thời cơ để nghi ngờ ông Abe không còn phù hợp với công việc.
Thủ tướng Abe rời Bệnh viện Đại học Keio hôm 17/8, sau buổi khám sức khỏe dài 7 tiếng rưỡi. Ảnh: Reuters |
Câu chuyện của ông Abe phần nào thể hiện sự ám ảnh trong văn hóa làm việc Nhật Bản đối với tinh thần gambaru, hiểu nôm na là nỗ lực hết sức mình và kiên trì vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất. Trở về tư gia sau buổi khám sức khỏe, ông Abe thông báo: "Tôi sẽ trở lại làm việc và cố gắng gambaru".
Chỉ vài ngày sau, truyền thông Nhật Bản ngày 28/8 tiết lộ thông tin thủ tướng có ý định từ chức, vì vấn đề sức khỏe.
"Làm việc hay là chết"
Tôn chỉ "làm việc hay là chết" trong tinh thần gambaru đã thấm nhuần trong xã hội Nhật Bản. Người Nhật cho rằng việc đeo đuổi mục tiêu đặt ra có ý nghĩa hơn hệ quả mà họ phải nhận lãnh.
"Thủ tướng quyết tâm có mặt để đích thân lãnh đạo mọi việc", Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga trả lời báo chí lý nhà lãnh đạo 65 tuổi đã làm việc liên tục 147 ngày không nghỉ ngơi.
Ông Abe bị bệnh viêm loét đại tràng kinh niên. Đã có không ít lo ngại rằng áp lực của đại dịch sẽ khiến bệnh tình của ông thêm trầm trọng. Mọi chuyện đang diễn ra tương tự thời điểm ông Abe từ chức với lý do sức khỏe vào năm 2007, chỉ một năm sau khi đắc cử thủ tướng.
Mặt khác, nghi vấn sức khỏe của ông Abe, cùng tình trạng làm việc liên tục của nhà lãnh đạo trước khi tin đồn xuất hiện, có thể mang lại lợi ích chính trị cho cá nhân ông và chính phủ. Sự kiên trì tạo nên hình ảnh thủ tướng đang gambaru đến phút cuối, nỗ lực làm việc cho đến khi cơ thể ông không cho phép tiếp tục.
"Nhìn ở nhiều góc độ, đó là cách vẻ vang nhất để ông ra đi", Koichi Nakano, chuyên gia về chính trị tại Đại học Sophia, chia sẻ.
Bằng cách này, ông Abe và đảng Dân chủ Tự do (LDP) có thể tránh được những chỉ trích trong dư luận, rằng nhà lãnh đạo đang bỏ bê công việc. Điều này đặc biệt quan trọng giữa bối cảnh chính phủ đối diện cùng lúc 2 cuộc khủng hoảng kinh tế và y tế.
Trong một năm khủng hoảng của Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe làm việc liên tục gần 150 ngày trước khi nghỉ phép để khám sức khỏe. Ảnh: Reuters. |
Nhật Bản đã ghi nhận hơn 63.000 ca nhiễm virus corona. Nhật Bản vẫn đang loay hoay kiềm chế bùng phát lây nhiễm, trong khi phần lớn Đông Á đã kiểm soát tương đối tốc độ lây lan của virus.
Tobias Harris, nhà phân tích lâu năm về chính trường Nhật Bản, đoán Thủ tướng Abe đã muốn nén đau tiếp tục làm việc, kể cả khi bệnh tình xấu đi. Nhà lãnh đạo Nhật Bản từng phải trải qua cảm giác nhục nhã khi từ chức vào năm 2007. Ông bị dè bỉu sau khi thừa nhận suy tiêu hóa nghiêm trọng, là nguyên nhân kết thúc nhiệm kỳ chỉ sau một năm.
"Ông Abe chắc hẳn đã quyết tâm tránh kết cục tương tự lần này", Harris nhận định.
Không chỉ vì danh dự, thủ tướng Nhật Bản chọn con đường gambaru để bảo vệ di sản kinh tế của chính mình, còn được gọi là "Abenomics". Ông Abe từng đặt tham vọng kéo đất nước khỏi tình trạng giảm phát kéo dài nhiều thập kỷ. Thị trường chứng khoán Nhật Bản hồi sinh trong nhiệm kỳ thứ hai của lãnh đạo LDP, nhưng rồi đại dịch ập đến và phá hỏng mọi kế hoạch.
Câu chuyện chung của nước Nhật
Một cách hy hữu, vấn đề sức khỏe của nhà lãnh đạo như một biểu tượng nhắc lại hiện tượng phổ biến trong xã hội Nhật Bản - karoshi, hay chết vì làm việc quá sức.
Năm 2016, một nghiên cứu chính phủ phát hiện cứ 5 người lao động tại Nhật Bản lại có một người có nguy cơ làm việc đến chết. Chính phủ của ông Abe trong những năm qua đang nỗ lực khắc phục tình trạng này. Nhà lãnh đạo cho rằng "cải cách phong cách làm việc" là giải pháp để Nhật Bản "tái sinh", trong đó có phương án tăng lao động nữ.
Mặc dù đã xuất hiện những tín hiệu đổi mới, Nhật Bản vẫn nổi tiếng với văn hóa làm việc khắc nghiệt. Nhân viên được yêu cầu có mặt tại cơ quan trong nhiều giờ liền và làm ngoài giờ.
Trong giai đoạn đầu đại dịch, một số công ty trì hoãn chuyển đổi sang mô hình làm việc tại nhà. Sự thay đổi thật sự chỉ diễn ra sau khi chính phủ tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc vào tháng 4. Nhưng khi sắc lệnh này được dỡ bỏ vào cuối tháng 5, cảnh chen chúc lại nhanh chóng xuất hiện trên những chuyến tàu điện, bất chấp khuyến cáo từ giới chuyên gia về duy trì giãn cách xã hội. Gần 2 tháng sau, dịch bùng phát trở lại.
"Tại châu Âu, có một kỳ nghỉ hè kéo dài được xem là điều đáng tự hào. Còn tại Nhật Bản, nói rằng bạn luôn bận rộn mới được xem là thành công, mặc dù người trong độ tuổi ngoài 20 không tôn sùng công việc nhiều như cha mẹ họ", Mari Imada, một người bán hoa từng làm việc ở Paris gần 20 năm, chia sẻ.
Ông Abe có vẻ là hiện thân của sự tôn sùng công việc. Tính từ tháng 1, ông đã làm việc liên tục 150 ngày không nghỉ, để lèo lái nỗ lực khống chế đại dịch và giải cứu Olympics Tokyo 2020. Cuối cùng thì sự kiện quốc tế lớn nhất trong năm của Nhật Bản vẫn phải trì hoãn sang năm 2021. Chính phủ Nhật Bản trong cùng giai đoạn còn phải đối phó với nhiều thách thức khác, từ lũ lụt trên đảo Kyushu, mùa hè nóng kinh hoàng, đến đà suy giảm GDP lịch sử.
Những áp lực trong hơn nửa năm đầy biến động có lẽ cuối cùng đã bắt kịp ông Abe. Hãng tin NHK ngày 28/8 bất ngờ tiết lộ Thủ tướng Abe đã quyết định từ chức, để tránh việc bệnh tình ngày càng trầm trọng, ảnh hưởng đến chính trị nước nhà.
Dẫn nguồn tin riêng, NHK khẳng định ông Abe dự kiến tổ chức họp báo vào chiều tối 28/8 để giải thích lý do đi đến quyết định này. Sáng cùng ngày, ông được cho là đã gặp lãnh đạo đảng LDP cầm quyền và các thành viên chính phủ.
Phó thủ tướng Nhật Bản Taro Aso dự kiến trở thành quyền thủ tướng. Tuy nhiên, việc ông Abe từ chức chắc chắn sẽ dẫn đến cuộc chạy đua vị trí lãnh đạo trong LDP. Theo CNN, sự thay đổi lãnh đạo về ngắn hạn có thể là cú hích cần thiết cho uy tín của những quyết sách tiếp theo từ chính phủ do LDP dẫn đầu.
Advertisement
Advertisement