Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Tôi đi làm đẹp bằng máu: Chuyên gia cảnh báo hiểm họa vì làm đẹp theo PRP, ngành y tế không biết? (bài 3)

Sức khỏe

19/11/2020 16:42

Không có bất cứ nghiên cứu nào chứng minh PRP có khả năng làm đẹp da như các cơ sở thẩm mỹ quảng cáo rầm rộ để đánh lừa người tiêu dùng...

Ngậm ngùi nhìn tiền mất vì làm đẹp theo phương pháp PRP

Theo BS. Cao Ngọc Bích, Phó Chủ tịch Hội Phẫu thuật thẩm mỹ TP.HCM - Trưởng khoa Phẫu thuật Thẩm mỹ BV An Sinh, đến nay vẫn chưa có một nghiên cứu khoa học chính thống nào công bố phương pháp làm đẹp bằng huyết tương giàu tiểu cầu (PRP). Phương pháp PRP mới chỉ được dùng để điều trị chấn thương gân, chấn thương cột sống, viêm dây chằng mãn tính hoặc viêm khớp gối, thoái hóa khớp gối...

Nhưng lợi dụng những tác dụng của phương pháp điều trị PRP trong y khoa, các cơ sở thẩm mỹ đã “hô biến” PRP thành thần dược trị bách bệnh về da từ nám, sẹo rỗ, làm chậm quá trình lão hóa từ bên trong, căng bóng, trắng sáng bên ngoài…Những mỹ từ “có cánh” đánh lừa không ít người tiêu rơi vào bẫy ngọt ngào mang tên PRP.

Khách hàng làm đẹp bằng PRP. 
Khách hàng làm đẹp bằng PRP. 

Theo chị Thu Hồng (40 tuổi, kế toán công ty dược tại quận 6, TP.HCM), da chị bị tình trạng sẹo rỗ nặng do mụn bọc. Được bạn bè giới thiệu phương pháp làm đẹp bằng huyết tương giàu tiểu cầu sẽ làm đầy và xóa được những sẹo rỗ trên mặt nên chị tìm hiểu và bị thuyết phục bởi những lời quảng cáo hấp dẫn của một cơ sở làm đẹp tại quận 12 TP.HCM. Cơ sở này cam kết sau 3 lần tiêm huyết tương giàu tiểu cầu, da chị sẽ mịn màn và trắng hồng, trẻ đẹp hơn 20 tuổi với giá cả “siêu mềm”.

Chị Hồng lo ngại vì da chị rất dễ dị ứng với những chất lạ và nổi mụn. Cơ sở này khẳng định với chị huyết tương giàu tiểu cầu được lấy từ chính cơ thể, sau đó đem đi ly tâm để tách các thành phần huyết tương, nên độ tương thích gần như hoàn toàn, sẽ không có tình trạng dị ứng hay biến chứng nào.

Nghe thuyết phục, chị Hồng quyết định thực hiện phương pháp làm đẹp này với giá 4,5 triệu/3 lần. Mỗi lần tiêm 1 triệu đồng và 500.000 đồng thuốc mang về thoa để da nhanh bong tróc. Mỗi tháng, chị Hồng phải đến làm một lần.

Sau 1 tháng tiêm PRP, da chị Hồng nổi đầy mụn bọc to và sưng phù. Chị phải đi bệnh viện da liễu điều trị. Chị Hồng có phản ánh lên cơ sở làm đẹp trên thì được phản hồi: “Do khách hàng sau khi thực hiện PRP không che chắn và dưỡng da kỹ, nên bị nổi mụn”. Chị Hồng cũng đành chấp nhận tiền mất tật mang.

Đây không phải là trường hợp hiếm gặp. Trước đó, bệnh viện Da liễu TP.HCM tiếp nhận không ít bệnh nhân biến chứng do PRP, như bà N.T.H., 45 tuổi, ngụ ở Quận 2, TP.HCM đến khám tại khoa thẩm mỹ da Bệnh viện Da Liễu, trong tình trạng mặt sưng phù, nhiều nốt bầm tím...

Bà cho biết trước đó có đến một thẩm mỹ viện ở Quận 2 và được nhân viên ở đây tư vấn tiêm tế bào gốc tự thân, để làm trẻ hóa da. Sau khi tiêm một ngày, mặt bà H. sưng phù, đau nhức. 

Trước bà H, bệnh viện Da Liễu cũng tiếp nhận một bệnh nhân nữ 40 tuổi, mặt nổi đầy nốt sần đỏ do tiêm tế bào gốc tại một spa. 

Theo số liệu của bệnh viện Da liễu TP.HCM, ttrung bình mỗi tháng khoa thẩm mỹ này tiếp nhận từ 5-7 bệnh nhân bị tác dụng phụ, tai biến khi sử dụng các dịch vụ từ tế bào gốc dưới dạng tiêm, bôi... 

Một bệnh viện thẩm mỹ bóc tách da mặt và tiêm huyết tương giàu tiểu cầu trái phép cho khách hàng. Ảnh: Cắt từ clip. 
Một bệnh viện thẩm mỹ bóc tách da mặt và tiêm huyết tương giàu tiểu cầu trái phép cho khách hàng. Ảnh: Cắt từ clip. 

Theo bác sĩ Minh Vinh, tình trạng viêm phù nề là do nhiễm trùng. Huyết tương giàu tiểu cầu, là những thành phần rất giàu dinh dưỡng. Đây là điều kiện thuận lợi để vi trùng, vi khuẩn phát triển. Những trường hợp bệnh nhân đang bị mụn hay viêm nhiễm, vô tình tiêm chích huyết tương giàu tiểu cầu, vi trùng xâm nhập vào trong mô, gây nên tình trạng nhiễm trùng huyết. Tình trạng này vô cùng nguy hiểm nếu không được xử lý kịp thời.

Còn bà N.T.T.T (Hà Nội) cho biết mình bị lừa làm PRP “dỏm” với giá 360 triệu tại Trung tâm chăm sóc sắc đẹp HD Korea Beauty Center (186A Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường 6, Quận 3, TP HCM). Sau khi phát hiện dịch vụ PRP của trung tâm này chưa được Bộ Y tế cấp phép, bà T muốn lấy lại tiền nhưng không được, vì đã trót ký vào bản yêu cầu sử dụng dịch vụ trước đó, trong đó có điều khoản “Không hoàn lại tiền…”. 

Nguy cơ tử vong vì làm đẹp bằng máu

Theo dược sĩ, bác sĩ Trương Ngọc Huy, hiện nay tại TP.HCM chưa có một văn bản nào của Sở Y tế TP.HCM cho phép áp dụng điều trị sẹo lồi bằng kỹ thuật ly trích huyết tương giàu tiểu cầu hay trẻ hóa. Nhiều cơ sở đang quảng cáo sai sự thật và thực hiện trái phép dịch vụ làm đẹp trên.

Bác sĩ Huy cho biết trong máu của chúng ta gồm huyết tương và các tế bào máu, như hồng cầu (chiếm 93%), bạch cầu (chiếm 6%)  và tiểu cầu (chiếm  1%). Vậy huyết tương giàu tiểu cầu là một phần rất nhỏ ở trong máu. 

Để thực hiện phương pháp PRP, sau khi lấy máu thì tiến hành tách huyết tương bằng phương pháp ly tâm với tốc độ quay 3.500 vòng/phút thì hầu như tất cả các cơ sở làm đẹp ở TP HCM đều sử dụng bơm tiêm. Có nơi quảng cáo là "bơm tiêm có laser dẫn đường", tiêm vài chục mũi, mỗi mũi là một lượng rất nhỏ PRP vào vùng da cần làm đẹp.

Chưa có bất cứ một chứng minh nào cho PRP trong lĩnh vực làm đẹp như các cơ sở làm đẹp quảng cáo.
Chưa có bất cứ một chứng minh nào cho PRP trong lĩnh vực làm đẹp như các cơ sở làm đẹp quảng cáo.

Vì tiểu cầu là một chất có tính nhờn và bóng, nên khi đưa vào trong cơ thể khách hàng sẽ có cảm giác căng bóng mịn màng ngay tại thời điểm đó. Bởi người sử dụng còn thiếu kiến thức, nên dễ dàng tin tưởng vào hoạt động quảng cáo rầm rộ của phương pháp làm đẹp với huyết tương giàu tiểu cầu này.

Cơ chế hoạt động của phương pháp PRP là tạo những vết thương giả trên vùng da, và những tiểu cầu được tiêm vào da sẽ có nhiệm vụ “lôi kéo” những tiểu cầu khác để làm lành vết thương. Nhưng thực tế lượng tiểu cầu quá nhỏ để có thể mang lại hiệu quả thật sự trên làn da.

Ngoài ra, PRP kết hợp với lăn kim, hay những phương pháp gây bong tróc trên nền da, gây tổn thương trên da. Đây là một trong những điều kiện để vi khuẩn và nấm phát triển và gây những bệnh lý về da nấm, viêm da.

Điều này chưa kể các thẩm mỹ viện hay spa, họ không phải là những người có kiến thức về lấy máu, đào tạo qua trường lớp, dẫn đến nhiễm trùng huyết, vỡ mạch do trong quá trình trích hút huyết tương giàu tiểu cầu mà hút lẫn hồng cầu, thì những hồng cầu này dễ kết lại thành cục máu đông, hoặc trong quá trình tiêm, kim tiêm làm tổn thương mạch máu lớn dẫn đến sự hình thành cục máu đông.

Nếu cục máu đông di chuyển lên não, nó sẽ gây nhồi máu não - là tai biến rất nặng, có thể tử vong hoặc di chứng liệt suốt đời. Di chuyển xuống ruột, nó gây nhồi máu mạc treo mà nếu không mổ cấp cứu kịp thời, cũng dễ dẫn đến tử vong, di chuyển xuống chân, nó gây viêm tắc tĩnh mạch chi dưới…

Chưa kể những bệnh lý về máu có thể lây nhiễm khi thực hiện phương pháp này, tiêu biểu như 2 trường hợp làm đẹp bằng phương pháp PRP tại Mỹ đã phát hiện mình bị nhiễm HIV.

Câu hỏi đặt ra là phương pháp làm đẹp PRP chưa được cấp phép, đầy những rủi ro nhưng lại được thực hiện tràn lan từ cơ sở làm đẹp nhỏ đến những thẩm mỹ viện lớn, mà cơ quan quản lý lại không hay biết?  

CẨM VIÊN
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement