04/07/2017 12:50
Tòa đề nghị định lại tội danh: ‘Siêu lừa’ Huyền Như đối mặt khung hình phạt tử hình
TAND TP.HCM vừa lần thứ hai trả hồ sơ, đề nghị định lại tội danh của Huỳnh Thị Huyền Như, trong việc chiếm đoạt 1.085 tỷ của 5 công ty. Tòa nhận định Như có dấu hiệu tham ô, chứ không phải lừa đảo như VKS truy tố.
Chuyển 1.085 tỷ ra khỏi VietinBank rồi chiếm đoạt
Giai đoạn 2 của vụ án xem xét hành vi chiếm đoạt 1.085 tỷ đồng của Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Ngân hàng VietinBank) đối với 5 công ty gồm: Công ty Hưng Yên, An Lộc, Tổng công ty bảo hiểm Toàn cầu, Công ty chứng khoán Saigonbank – Berjaya, và Công ty CP chứng khoán Phương Đông.
Tại quyết định trả hồ sơ, tòa đánh giá từ tháng 5/2011 đến tháng 9/2011, Huyền Như đã kêu gọi nhiều cá nhân, tổ chức gửi tiền vào ngân hàng để hưởng lãi suất cao.
Sau khi 5 công ty nói trên mở tài khoản thanh toán tiền gửi vào VietinBank tổng cộng 1.085 tỷ, Huyền Như đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, dùng nhiều thủ đoạn gian dối để chuyển số tiền này ra khỏi VietinBank rồi chiếm đoạt.
TAND TP.HCM nhận định VKSND tối cao tiếp tục truy tố Huyền Như, và các đồng phạm về tội lừa đảo là chưa đầy đủ, bởi hành vi của các bị can này có dấu hiệu của tội tham ô.
Ở giai đoạn 1 của vụ án, tháng 1/2014 TAND TP.HCM đã tuyên Huyền Như tù chung thân về tội lừa đảo (tổng số tiền gần 4.000 tỷ đồng), và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức.
Sau đó, tòa phúc thẩm TAND tối cao đã tuyên hủy một phần bản án, để định lại tội danh của Huyền Như trong việc chiếm đoạt 1.085 tỷ, trong tổng số 4.000 tỷ. Theo đó Tòa tối cao cho rằng 1.085 tỷ đồng là do Huyền Như tham ô của VietinBank, chứ không phải lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng gửi tiền.
Nhận định hành vi tham ô là có cơ sở
Luật sư Lê Trung Phát – Đoàn Luật sư TP.HCM phân tích: Căn cứ theo Khoản 4 Điều 278 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi 2009), thì hình phạt cao nhất với tội tham ô có thể phải bị truy cứu là: tù hai mươi năm, chung thân hoặc tử hình. Đối chiếu với quy định tại Khoản 4 Điều 139 về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thì khung hình phạt cao nhất là tù chung thân. Như vậy nếu Huyền Như bị xét xử theo tội danh mới, thì sẽ có chiều hướng tăng nặng hình phạt hơn so với trước.
Theo luật sư Phát: "Trong trường hợp cụ thể này, việc tòa án nhận định hành vi của Huyền Như phạm vào tội tham ô là có cơ sở hơn so với tội lừa đảo. Bởi lẽ, hành vi này được hướng dẫn tại Điểm a, khoản 1.2 Điều 1 của Thông tư liên tịch số 21/2004/TTLT-BCA-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 23/11/2004 hướng dẫn rằng: “Nếu là người cho chức vụ, tức là người do bổ nhiệm, do bầu cử do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ và đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tiền của cơ quan, tổ chức mà mình có trách nhiệm quản lý… thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “tham ô” theo Điều 278 của Bộ luật hình sự”.
Sự hướng dẫn này là hoàn toàn phù hợp với trường hợp của Như vì:
- Như được bổ nhiệm vị trí quyền trưởng phòng giao dịch của ngân hàng, là người có chức vụ trong ngân hàng, có trách nhiệm trong việc giao dịch và quản lý tiền của ngân hàng tại chi nhánh của mình, trong khi đó ngân hàng VietinBank là ngân hàng có vốn thuộc sở hữu Nhà nước.
- Khách hàng không gửi tiền cho Huyền Như, mà thực hiện việc gửi tiền vào Ngân hàng một cách hợp pháp. Cụ thể, được ngân hàng mở tài khoản, được nhận giấy biên nhận gửi tiền do chính ngân hàng phát hành theo mẫu, tiền trước khi nộp vào ngân hàng đã được ngân hàng kiểm tra, kiểm đếm.Vì thế khi thực hiện xong việc gửi tiền, đồng nghĩa với việc họ là khách hàng thật sự của Ngân hàng trong mối quan hệ này.
Như vậy lúc đó tiền của họ thuộc quyền sở hữu của ngân hàng. Ngân hàng có thể sử dụng nguồn tiền này vào mục đích của mình, sau đó ngân hàng có trách nhiệm trả lãi theo thỏa thuận được ghi trong giấy tờ. Kể từ sau thời điểm khách nộp tiền đến khi tiền bị Huyền Như dùng thủ đoạn để chiếm đoạt số tiền này là phần quản lý nội bộ của ngân hàng, khách hàng không có trách nhiệm cho việc quản lý này.
Đáng tiếc Thông tư liên tục 21 đã hết hiệu lực 15/08/2013 và nó chưa có văn bản thay thế hướng dẫn về nội dung này, nhưng tôi nghĩ tinh thần hướng dẫn này vẫn có thể vận dụng để xét xử Huyền Như trong vụ án này".
Ngoài ra, việc Huyền Như hứa hẹn bỏ tiền để khách hàng được hưởng lãi suất cao, nó không phải là chính sách chung của ngân hàng tại thời điểm này, chỉ có giá trị khi giải quyết các tranh chấp phát sinh giữa người gửi tiền và ngân hàng liên quan đến lãi suất. Thật sự nếu lãi suất mà ngân hàng quy định thấp hơn so với Huyền Như mời chào, thì lúc này có thể áp dụng mức lãi suất do ngân hàng công bố (phần lãi suất huy động đã được thông báo cho ngân hàng Nhà nước). Như vậy, Huyền Như đã thực hiện việc vượt quá thẩm quyền trong khi giao dịch với khách hàng.
Luật sư Phát đánh giá thêm: “Như đã phân tích ở trên, nếu bị truy tố tội tham ô, thì hình phạt tù mà Huyền Như sẽ phải chịu có nguy cơ cao hơn tội lừa đảo, nhưng đó chỉ là một phần. Tuy nhiên, việc truy tố tội danh cụ thể sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến việc ai phải chịu trách nhiệm cho việc trả lại số tiền bị chiếm đoạt. Nếu tòa án nhận định hành vi của Huyền Như là “tham ô”, thì đồng nghĩa với việc xác định được tư cách gửi tiền của khách đối với ngân hàng. Lúc đó, giữa khách và ngân hàng đã phát sinh quan hệ hợp pháp, việc Huyền Như chiếm đoạt tiền là chiếm đoạt tiền của ngân hàng chứ không phải là chiếm đoạt tiền của khách hàng.
Lúc này, chủ thể bị xâm phạm do hành vi của Như gây ra là ngân hàng. Ngân hàng là đơn vị sẽ yêu cầu Huyền Như hoàn trả lại số tiền nêu trên cho mình. Và lúc đó, ngân hàng sẽ là đơn vị đứng ra trả tiền cho khách hàng của mình, theo những hợp đồng huy động vốn đã được ký kết”.
“Nhận định của Tòa án đã làm hé lên tia hy vọng của người gửi tiền. Tôi cho rằng việc nhận định của tòa là hoàn toàn có cơ sở, và phản ánh đúng bản chất của vụ án” – luật sư Phát nói.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp