12/05/2017 01:55
Tổ chức tín dụng bị thu hồi giấy phép và thanh lý tài sản, người gửi tiền được ưu tiên ra sao?
Người gửi tiền mặc dù được ưu tiên chi trả trước các khoản nợ của TCTD nhưng lại xếp sau các khoản chi trả cho Nhà nước và người lao động.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành dự thảo thông tư quy định về trình tự, thủ tục thu hồi Giấy phép và thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài; trình tự, thủ tục thu hồi Giấy phép văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng.
Phải thanh lý tài sản trước khi thu hồi giấy phép
Theo đó, các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nếu chủ động đề nghị thu hồi giấy phép sau khi hết hạn hoạt động thì phải thuê tổ chức kiểm toán độc lập, cơ quan chuyên môn đánh giá thực trạng tài chính, định giá tài sản và xác định giá trị doanh nghiệp, đồng thời xây dựng phương án thanh lý tài sản trên cơ sở báo cáo tài chính đã được kiểm toán và gửi bộ hồ sơ yêu cầu đề nghị thu hồi giấy phép đến cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng.
Đối với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bị thanh tra giám sát, thì NHNN hoặc cơ quan thanh tra giám sát căn cứ trên kết quả thanh tra có quyền đề nghị Thống đốc có văn bản đình chỉ hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đồng thời TCTD trên cũng sẽ bị thu hồi giấy phép hoạt động sau khi hoàn thành việc thanh lý tài sản.
Riêng đối với trường hợp TCTD bị phá sản, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng có tờ trình đề nghị Thống đốc ra quyết định thu hồi Giấy phép sau khi Thẩm phán chỉ định Quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.
Việc tiến hành thanh lý tài sản chỉ được thực hiện sau khi có văn bản chấp thuận thu hồi giấy phép, văn bản chấp thuận phương án thanh lý có hiệu lực thi hành.
Thời hạn thanh lý tài sản là 12 tháng kể từ sau khi các văn bản chấp thuận trên có hiệu lực thi hành. Đáng lưu ý TCTD cũng có thể đề nghị gia hạn thanh lý nếu chưa thể hoàn thành việc thanh lý tài sản theo đúng thời hạn ban đầu, với số lần gia hạn không quá ba 03 lần và mỗi lần không quá mười hai 12 tháng.
Ngoài ra, trong quá trình thu hồi giấy phép, thanh lý tài sản thì các hành vi sau sẽ bị cấm: cất giấu, tẩu tán tài sản; thanh toán nợ không có bảo đảm; từ bỏ hoặc giảm bớt quyền đòi nợ; chuyển các khoản nợ không có bảo đảm thành nợ có bảo đảm bằng tài sản của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; tặng, cho, cầm cố, thế chấp và cho thuê tài sản; ký kết thỏa thuận, hợp đồng mới trừ các thỏa thuận, hợp đồng nhằm thực hiện chấm dứt hoạt động và cuối cùng là chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài.
Thứ tự phân chia tài sản
Theo điều 14 của dự thảo, thì trước khi thực hiện phân chia tài sản, trường hợp TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc trong giai đoạn kiểm soát đặc biệt đã được NHNN, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác cho vay đặc biệt, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam hỗ trợ tài chính phải ưu tiên hoàn trả lại giá trị của các khoản vay hỗ trợ này trước nhất.
Sau đó, các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ thực hiện phân chia tài sản theo thứ tự như sau: thứ nhất là chi trả các khoản lệ phí, chi phí theo quy định của pháp luật cho việc thực hiện thanh lý tài sản; thứ hai là các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội đối với người lao động theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết; thứ ba là các khoản nợ thuế; thứ tư mới đến các khoản chi trả cho người gửi tiền của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và các khoản tiền gửi của người gửi tiền.
Thứ năm là các khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản thế chấp hoặc cầm cố được ưu tiên thanh toán bằng chính tài sản thế chấp hoặc cầm cố đó.
Nếu giá trị tài sản thế chấp hoặc cầm cố không đủ thanh toán số nợ thì phần nợ còn lại sẽ được thanh toán trong quá trình thanh lý tài sản; nếu giá trị của tài sản thế chấp hoặc cầm cố lớn hơn số nợ thì phần chênh lệch được nhập vào giá trị tài sản còn lại của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Cuối cùng là chi trả cho các khoản nợ không có bảo đảm, theo nguyên tắc nếu giá trị tài sản đủ để thanh toán các khoản nợ thì mỗi chủ nợ đều được thanh toán đủ số nợ của mình; nếu giá trị tài sản không đủ để thanh toán các khoản nợ thì mỗi chủ nợ chỉ được thanh toán một phần khoản nợ của mình theo tỷ lệ tương ứng.
Như vậy, người gửi tiền mặc dù được ưu tiên chi trả trước các khoản nợ của TCTD, CN ngân hàng nước ngoài nhưng lại xếp sau các khoản chi trả cho Nhà nước và người lao động. Quy định này được kế thừa các quy định tại Thông tư số 34/2011/TT-NHNN ban hành ngày 28/10/2012.
Tuy nhiên, trong cơ cấu nợ/ phải trả của các TCTD hiện nay thì phần chi trả cho Nhà nước và người lao động thường chiếm tỷ trọng khá nhỏ, chủ yếu là các khoản tiền gửi của khách hàng, tổ chức kinh tế và các tổ chức tín dụng khác.
Trường hợp giá trị tài sản của TCTD sau khi đã thanh toán đủ các khoản theo quy định như trên mà vẫn còn thì phần giá trị tài sản còn lại được chia đều cho các cổ đông, chủ sở hữu, thành viên sáng lập, thành viên góp vốn theo tỷ lệ góp vốn tại thời điểm thực hiện việc phân chia tài sản. Đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài thì phần giá trị tài sản còn lại do ngân hàng mẹ quản lý.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp