Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Tình trạng 'lặng gió' trước thềm bão thuế quan của Tổng thống Trump

Kinh tế thế giới

23/07/2025 18:53

Các mức thuế quan của Tổng thống Donald Trump cho đến nay mới chỉ tác động phần nào tới kinh tế toàn cầu, nhưng các nhà phân tích lo ngại rằng điều tồi tệ nhất vẫn còn ở phía trước.

Theo Al Jazeera, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế đối ứng đối với hàng chục quốc gia vào tháng 4, các chuyên gia đã cảnh báo về tác động kinh tế thảm khốc. Cho đến nay, lo ngại của họ vẫn chưa thành hiện thực.

Nền kinh tế Mỹ đã vượt qua mọi kỳ vọng trên nhiều chỉ số, với lạm phát duy trì ở mức thấp, việc làm và chi tiêu tiêu dùng vẫn mạnh mẽ, và thị trường chứng khoán đạt mức cao.

Tuy nhiên, ngay cả khi tác động hạn chế từ thuế quan của Tổng thống Trump gây bất ngờ, các nhà kinh tế cảnh báo rằng nền kinh tế Mỹ và toàn cầu có thể chỉ đang trải qua giai đoạn bình lặng trước cơn bão.

Hàng chục đối tác thương mại của Mỹ, bao gồm cả các đồng minh thân cận như Hàn Quốc và Nhật Bản, đang phải đối mặt với mức thuế từ 25% đến 40% trừ khi họ ký kết các thỏa thuận thương mại với chính quyền Tổng thống Trump trước hạn chót là ngày 1/8.

Giáo sư Joseph Foudy tại Trường Kinh doanh Stern thuộc Đại học New York (Mỹ) nhận định với Al Jazeera: “Khi thuế quan tăng lên mức 20% hoặc hơn, doanh nghiệp có thể ngừng nhập khẩu hoàn toàn. Họ buộc phải hoãn các quyết định quan trọng, trì hoãn tuyển dụng, dẫn đến suy giảm hoạt động kinh tế".

Ngay cả những quốc gia có thể đạt được thỏa thuận kịp thời cũng có khả năng phải đối mặt với mức thuế cao hơn đáng kể.

Ngày 18/7, tờ Financial Times đưa tin rằng Tổng thống Trump đang thúc đẩy mức thuế quan 15-20% đối với Liên minh châu Âu (EU). EU vốn là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ và đang phải đối mặt với nguy cơ chịu mức thuế 30% kể từ ngày 1/8. 

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cảnh báo rằng mức thuế quan 30% mà nhà lãnh đạo Mỹ Trump đe dọa sẽ "làm gián đoạn chuỗi cung ứng thiết yếu xuyên Đại Tây Dương, gây bất lợi cho các doanh nghiệp, người tiêu dùng ở cả hai bờ Đại Tây Dương".

Tình trạng 'lặng gió' trước thềm bão thuế quan của Tổng thống Trump- Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trả lời phỏng vấn báo chí tại Nhà Trắng ngày 15/7. Ảnh: THX/TTXVN

Hầu hết các nhà kinh tế đều đồng ý rằng tác động của việc áp dụng thuế quan cho đến nay vẫn chưa được cảm nhận đầy đủ, bởi nhiều doanh nghiệp đã chủ động tăng dự trữ hàng hóa từ sớm để giảm thiểu chi phí gia tăng.

Ông Bernard Hoekman tại Trung tâm nghiên cứu nâng cao Robert Schuman thuộc Viện Đại học châu Âu (Italy) đánh giá: “Còn quá sớm để chứng kiến những tác động lớn đến giá cả tại Mỹ, bởi trước đó đã có một làn sóng gia tăng mạnh các hoạt động xuất khẩu sang Mỹ nhằm đón đầu việc tăng thuế. 

Các doanh nghiệp hiện vẫn đang chờ đợi kết quả cuối cùng về mức thuế. Vì vậy, không quá ngạc nhiên khi cho đến nay, chúng ta chỉ thấy tác động ở mức hạn chế. Nhưng nếu Mỹ thực sự tăng mức thuế quan trung bình lên 20-30% thì tác động sẽ lớn hơn nhiều”.

Theo The Budget Lab tại Khoa Kinh tế Đại học Yale, dựa trên các biện pháp hiện hành - bao gồm mức thuế cơ bản 10% đối với hầu hết các quốc gia và mức thuế cao hơn đối với ô tô và thép - mức thuế quan trung bình của Mỹ hiện ở mức 16,6%, và dự kiến sẽ tăng thành 20,6% kể từ ngày 1/8.

Ngay cả khi Tổng thống Trump không tăng mạnh thuế quan vào ngày 1/8, các nhà kinh tế dự đoán lạm phát sẽ tăng một chút trong những tháng tới, và giá cả tăng cao hơn có thể sẽ kìm hãm tăng trưởng. 

Trong một phân tích được công bố vào tháng trước, BBVA Research ước tính rằng mức thuế quan hiện tại của Mỹ có thể làm giảm 0,5 điểm phần trăm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu trong ngắn hạn và hơn 2 điểm phần trăm trong trung hạn.

Tổng thống Trump và các đồng minh đã nhiều lần bác bỏ cảnh báo của các nhà kinh tế về thuế quan của ông.

Tình trạng 'lặng gió' trước thềm bão thuế quan của Tổng thống Trump- Ảnh 2.

Người tiêu dùng mua hàng trong cửa hàng của Tập đoàn bán lẻ Walmart ở Los Angeles, bang California, Mỹ ngày 20/5. Ảnh: THX/TTXVN

Trong một ghi chú vào tháng 7, các nhà kinh tế Tim Quinlan và Shannon Grein của ngân hàng Wells Fargo đã chỉ ra rằng chi tiêu tùy ý (khoản chi không thiết yếu sau khi đã trang trải các chi phí cần thiết) cho các dịch vụ tại Mỹ đã giảm 0,3% trong vòng một năm tính đến tháng 5, cho thấy những đám mây đen kinh tế tiềm ẩn phía trước. 

"Phải thừa nhận rằng đó là mức giảm khiêm tốn, nhưng điều đáng sợ là trong hơn 60 năm qua, thước đo này chỉ giảm trong hoặc ngay lập tức sau suy thoái", hai nhà kinh tế Quinlan và Grein cho biết.

Giáo sư Steven Durlauf tại Đại học Chicago (Mỹ) bình luận chính quyền Tổng thống Trump cho đến nay không có nhiều lý do để coi sức khỏe tương đối của nền kinh tế là minh chứng rằng kế hoạch kinh tế của họ đúng đắn.

Ông nêu bật: "Thứ nhất, có quan điểm phổ biến cho rằng những đe dọa áp thuế sẽ khó được hiện thực hóa trong các thỏa thuận cuối cùng. Thứ hai, tác động của thuế quan đối với giá cả và sản lượng cần một thời gian để có thể lan truyền trong hệ thống. Việc hiện tại chưa thấy các tác động rõ rệt đến hoạt động kinh tế thực và lạm phát không thể được coi là bằng chứng ủng hộ các lập luận của chính quyền Tổng thống Trump".

Đầu tháng 7 này, Tổng thống Trump đã gửi thư tới hàng chục quốc gia, đơn phương ấn định mức thuế quan sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8. Đến nay, mới chỉ có Indonesia đạt được thỏa thuận mang tính danh nghĩa để được hưởng mức thuế quan ưu đãi hơn so với mức được nêu trong thư, dù vẫn chưa rõ thỏa thuận này đã gần hoàn tất hay chưa.

HÀ LINH
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement