01/07/2017 06:56
Tin nhắn rác vẫn ‘vô tư’ làm phiền người dùng
Thanh tra Bộ TT-TT cho biết, hiện nay vấn nạn tin nhắn rác với nội dung quảng cáo vẫn liên tục tấn công người dùng bất kể ngày đêm, gây bức xúc cho khách hàng.
Phạt 7 doanh nghiệp vi phạm
Thanh tra Bộ TT-TT vừa ban hành quyết định xử phạt 7 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung số với 280 triệu đồng vì vi phạm phát tán tin nhắn rác để quảng cáo.
Quyết định xử phạt dựa theo điểm b khoản 4 Điều 60 Nghị định 174 ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, CNTT và tần số vô tuyến điện.
Theo đó, các doanh nghiệp bị Thanh tra Bộ TT-TT xử lý gồm, Công ty TNHH Quang Nhật; Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ công nghệ Huy Hoàng; Công ty TNHH thương mại công nghệ Thanh Bình; Công ty TNHH HeKa... Mức phạt tiền đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung số có hành vi phát tán tin nhắn rác là 40 triệu đồng/doanh nghiệp.
Thanh tra Bộ TT-TT nhận định, vấn nạn tin nhắn rác với nội dung quảng cáo cho các dịch vụ từ kinh doanh bất động sản, SIM số đẹp, quà tặng âm nhạc, dịch vụ truyền hình cáp, cho vay vốn ngân hàng, thời trang cho tới tin nhắn dẫn dụ, lừa đảo trừ tiền … vẫn liên tục tấn công người dùng bất kể ngày đêm, gây bức xúc cho khách hàng.
Bốn hành vi sai phạm phổ biến là: gửi, phát tán tin nhắn rác để quảng cáo dịch vụ trên đầu số cung cấp dịch vụ nội dung; cung cấp thông tin dự đoán trước kết quả xổ số khi cung cấp dịch vụ nội dung; cung cấp dịch vụ có nội dung cờ bạc, lô đề hoặc để phục vụ chơi cờ bạc, lô đề; không cung cấp công khai thông tin về giá cước trước khi tính cước người dùng gọi điện đến tổng đài 1900xxxx (cung cấp các dịch vụ thông tin, giải trí, thương mại).
SIM rác vẫn tràn lan
Thực tế cho thấy, việc mua bán Sim rác trên thị trường vẫn khá dễ dàng, và đây vẫn là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tin nhắn rác vẫn tràn lan.
Theo Bộ TT-TT, tính tới đầu tháng 3-2017, tổng cộng số lượng SIM kích hoạt sẵn của 5 nhà mạng đã lên tới 19 triệu SIM; đợt thu hồi SIM mới nhất có số lượng gần 2 triệu SIM (chưa sàng lọc). Ở đợt đầu năm nay, Viettel có số lượng SIM bị khóa nhiều nhất, sau đó tới MobiFone và VinaPhone.
Trong vai một khách hàng, chúng tôi ghé vào một tiệm bán SIM trên đường Nguyễn Thượng Hiền (quận 3, TPHCM) để mua SIM kích hoạt sẵn. Tất nhiên, chủ tiệm không cần phải giới thiệu với hàng loạt tấm biển treo tại tiệm đã quá rõ: “SIM mobi 30k TK 60K”, “SIM Viettel 20k TK 80K”, “SIM data mobi 10GB 100K”…
Tương tự, chủ tiệm bán SIM trên đường Tôn Đản (quận 4, TPHCM) cũng có đầy đủ SIM các nhà mạng với đa dạng sự lựa chọn. “SIM data mobi có dung lượng cao nhất, sử dụng trong 3 tháng sẽ hết hạn, chỉ nhắn tin không nghe gọi được. Muốn đăng ký gói cước sinh viên, ưu đãi gì cũng làm được”, chủ tiệm bán SIM khẳng định
Không chỉ bán công khai tại các tiệm lớn nhỏ dọc đường, các cá nhân, đại lý bắt đầu chuyển qua hình thức bán SIM trả trước qua mạng, họ quảng cáo các loại SIM đã kích hoạt trước thông qua các diễn đàn, mạng xã hội và giao tận nơi.
Thời gian qua, cơ quan nhà nước và các nhà mạng tuyên bố mạnh tay xử lý SIM rác, giao trách nhiệm cho các nhà mạng phải triển khai mạnh mẽ thu hồi SIM kích hoạt sẵn kèm theo chế tài xử lý. Thế nhưng, việc bán SIM đã kích hoạt vẫn còn diễn ra tràn lan. Và hơn ai hết, chính người dùng đang hàng ngày, hàng giờ đối mặt với các cuộc gọi, tin nhắn rác, lừa đảo.
Advertisement
Advertisement