07/10/2017 05:12
Tín hiệu trái chiều trên thị trường lãi suất
Nhiều ngân hàng đã điều chỉnh khung lãi suất huy động từ cuối tháng 8 đến nay, trong bối cảnh thanh khoản toàn hệ thống được đánh giá vẫn ổn định ở mức dồi dào. Trong khi đó có những ngân hàng quyết định ngược lại.
Bảng lãi suất tiền gửi công bố gần đây của Ngân hàng Thương mại CP Quốc tế (VIB) tăng đều 0,2% ở các kỳ hạn dưới 12 tháng, cụ thể kỳ hạn 1 - 5 tháng tăng từ 4,8% lên 5,0%, 6 tháng tăng từ 5,2% lên 5,4%, 7 - 8 tháng tăng từ 5,3% lên 5,5% và 9 - 11 tháng tăng từ 5,4% lên 5,6%.
Ngược lại, các kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng giảm 0,2%, cho thấy nhu cầu huy động vốn các kỳ hạn ngắn đã tăng trong khi áp lực nguồn vốn trung, dài hạn giảm xuống, sau khi ngân hàng đã phát hành thành công một lượng lớn chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 18 tháng và 24 tháng hồi đầu năm nay.
Trước đó vào cuối tháng 8, VPBank đã tăng 0,2% lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 - 2 tháng và 0,1% kỳ hạn từ 3 - 6 tháng. Đây là động thái đáng chú ý khi suốt những tháng qua ngân hàng này liên tiếp giảm lãi suất huy động nhờ nguồn vốn dồi dào sau khi đã đẩy mạnh phát hành chứng chỉ tiền gửi với giá trị tăng đến 8.255 tỷ đồng riêng trong quý I.
Cùng thời điểm DongA Bank cũng tăng lãi suất, cụ thể kỳ hạn 1 tháng tăng 0,6%, 2 tháng tăng 0,5%, 3 - 4 tháng tăng 0,3%, 5 - 6 tháng tăng 0,2% và 7 tháng tăng 0,1%. Hiện tại lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng của DongA Bank sau khi điều chỉnh đã ở mức kịch trần 5,5%. Song song đó là nhiều ngân hàng khác như BaoViet Bank tăng lãi suất 0,1 - 0,15% kỳ hạn 7 - 11 tháng, Saigonbank tăng từ 0,1 - 0,4% ở các kỳ hạn 2, 5, 9, 11 18 và 24 tháng, Lienvietpostbank tăng 0,3% ở kỳ hạn 6 tháng.
Ngược lại, gần đây cũng có những ngân hàng giảm lãi suất, như Techcombank ngày 9/9 đã giảm đều 0,1% ở các kỳ hạn dưới 12 tháng, giảm 0,2% ở kỳ hạn 12 - 13 tháng, tuy nhiên kỳ hạn 24 và 36 tháng lại tăng 0,1%. Kể từ tháng 2 đến nay, Techcombank luôn tăng lãi suất, do đó động thái giảm vừa qua là rất đáng chú ý.
Tương tự, từ 11/9 OCB bắt đầu giảm lãi suất tiền gửi đều ở các kỳ hạn, cụ thể 1 - 5 tháng giảm từ 0,15 - 0,2%, 7 - 11 tháng giảm từ 0,05 - 0,2% và các kỳ hạn 15, 18,24 và 36 tháng giảm từ 0,1 - 0,15%. Một ngân hàng khác là GPBank cũng giảm đều 0,1% ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên từ 18/9.
Trong khi đó, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đang có tín hiệu nhích lên. Nếu trong tháng 8 lãi suất qua đêm chỉ dao động quanh 0,5% thì từ đầu tháng 9 đến nay tăng trở lại, trong khi các kỳ hạn khác cũng có diễn biến tương tự.
Theo cập nhật gần nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến ngày 20/9, lãi suất qua đêm là 0,87%, tăng 26 điểm cơ bản so với đầu tháng, lãi suất kỳ hạn 1 tuần là 0,96%, tăng 26 điểm cơ bản, trong khi kỳ hạn 2 tuần tăng 22 điểm cơ bản lên 1,05% và kỳ hạn 1 tháng tăng 56 điểm cơ bản lên 1,99%.
Với việc NHNN có thể hoãn lại việc áp dụng quy định tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tối đa 40% sang đầu năm 2019 sẽ góp phần giúp giảm áp lực tăng trưởng huy động vốn lên các ngân hàng, nhất là đối với nguồn vốn trung dài hạn.
Hiện nay, nhiều ngân hàng đã sử dụng hết chỉ tiêu tín dụng mà NHNN giao từ đầu năm, do đó việc tăng chỉ tiêu này là tất yếu. Cụ thể như Ngân hàng Quân đội đã được điều chỉnh tăng 20% từ mức 16% ban đầu, OCB tăng từ 14% lên 22%, VIB tăng từ mức 16% lên 24%, ACB từ 16% lên 20%.
Tuy nhiên, với việc NHNN có thể hoãn lại việc áp dụng quy định tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tối đa 40% sang đầu năm 2019 sẽ góp phần giúp giảm áp lực tăng trưởng huy động vốn lên các ngân hàng, nhất là đối với nguồn vốn trung dài hạn. Chính vì vậy mà vừa qua, dù có ngân hàng tăng đều lãi suất ở các kỳ hạn dưới 12 tháng nhưng lại giảm ở các kỳ hạn dài.
Nhưng dù gì đi nữa, áp lực thanh khoản càng về cuối năm sẽ càng tăng là tất yếu, trước cầu vốn tăng nhanh để tập trung sản xuất, kinh doanh mùa cao điểm, do đó cũng sẽ ảnh hưởng lên mặt bằng lãi suất.
Cộng với việc thời gian qua nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất đầu vào thì xem ra yêu cầu giảm lãi suất cho vay thêm 0,5% của Thủ tướng Chính phủ e sẽ khó đạt được trong quý IV năm nay, nếu như NHNN không có những giải pháp định hướng thị trường hoặc hỗ trợ thêm cho các tổ chức tín dụng.
Hoặc nếu không thì việc giảm lãi suất cho vay dù có thể xảy ra nhưng chỉ ở một vài ngân hàng lớn có nguồn vốn dồi dào và cũng chỉ áp dụng mang tính hình thức là chính cho khách hàng mới theo các chương trình ưu đãi, khuyến mãi cho vay và các lĩnh vực được ưu tiên theo định hướng của NHNN, chứ khó có thể diễn ra đồng bộ trên toàn ngành.
Advertisement