26/05/2020 07:47
Tín dụng vào bất động sản vẫn tăng
Chủ trương của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là tiếp tục kiểm soát chặt tín dụng vào bất động sản để hạn chế rủi ro ở lĩnh vực này.
Trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây, NHNN cho biết, tạm tính đến cuối tháng 3/2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, dư nợ các lĩnh vực ưu tiên không tăng cao như cùng kỳ năm trước.
Riêng dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản tăng cao hơn mức tăng trưởng chung của hệ thống, tập trung chủ yếu vào dư nợ phục vụ mục đích tự sử dụng (khách hàng vay mua nhà để ở...).
Cụ thể, đến cuối tháng 3/2020, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tăng 1,23% so với cuối năm ngoái và chiếm 19,31% tổng dư nợ tín dụng.
Trong đó, dư nợ phục vụ nhu cầu về nhà ở chiếm khoảng 62,43% tổng dư nợ cho vay bất động sản.
Ðiều này cho thấy, tín dụng vẫn chảy vào bất động sản, cho dù ngành ngân hàng đang thực hiện lộ trình “siết” tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn theo Thông tư 22/2019/TT-NHNN.
Đến cuối tháng 3, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tăng 1,23% so với cuối năm ngoái. |
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, ngành ngân hàng tiếp tục kiểm soát chặt tín dụng để hạn chế rủi ro với lĩnh vực bất động sản, nhất là dự án phân khúc cao cấp, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, hướng dòng vốn vào nhu cầu thực.
Các ngân hàng chỉ xem xét cấp tín dụng đối với các dự án, phương án vay vốn khả thi, bảo đảm tính pháp lý, khách hàng có khả năng trả nợ đầy đủ và đúng hạn.
Chính sách hạn chế tín dụng vào lĩnh vực bất động sản được NHNN triển khai trong thời gian qua nhằm hạn chế rủi ro cho ngành ngân hàng.
Theo đó, dòng vốn vào lĩnh vực này chủ yếu phục vụ nhu cầu vay mua, hoặc xây sửa nhà (dưới danh nghĩa cho vay tiêu dùng cá nhân), mà hạn chế cấp tín dụng với các chủ đầu tư.
Trong đợt dịch vừa qua, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) và Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoReA) có văn bản kiến nghị Chính phủ hoàn thiện chính sách, pháp luật và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản, giảm lãi suất cho vay.
Chủ tịch HoReA cho rằng, doanh nghiệp bất động sản đang gặp không ít khó khăn trong đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, bất động sản không xin hỗ trợ bằng tiền mà hỗ trợ bằng thể chế, chính sách. Các doanh nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng nên nếu tiếp tục “siết” cả kênh huy động vốn qua phát hành trái phiếu thì doanh nghiệp bất động sản sẽ rơi vào tình trạng vô cùng khó khăn.
Theo Chủ tịch HoReA, năm 2019, các doanh nghiệp bất động sản huy động thành công 106.500 tỷ đồng, chiếm khoảng 38% tổng giá trị thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Trong đó, 84,2% doanh nghiệp phát hành trái phiếu có tổng giá trị dưới 3 lần vốn chủ sở hữu, lãi suất bình quân 10,3%/năm (tương đương lãi suất ngân hàng), đảm bảo được yếu tố an toàn và hợp lý. Riêng quý I/2020, dù dịch bệnh hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp cả nước có giá trị lên đến 37.308 tỷ đồng.
Mới đây, NHNN đã đưa ra Dự thảo Thông tư quy định về việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các nhà băng.
Theo lý giải của NHNN, thời gian qua, một số ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp nhằm cơ cấu lại nợ. Ðiều này tiềm ẩn nhiều rủi ro khi doanh nghiệp tiếp tục gặp khó và không có khả năng trả nợ gốc và lãi trái phiếu đến hạn, dẫn đến việc phát hành thêm trái phiếu để tiếp tục cơ cấu lại nợ.
Vì vậy, Dự thảo Thông tư mới quy định ngân hàng không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành với mục đích cơ cấu lại các khoản nợ.
Theo đó, khi một đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp với nhiều mục đích khác nhau, trong đó có mục đích cơ cấu lại khoản nợ thì ngân hàng cũng không được mua.
Bên cạnh đó, tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, trừ khi mua theo phương án cơ cấu lại đã được phê duyệt. Các ngân hàng cũng không được mua trái phiếu của doanh nghiệp có nợ xấu phát sinh trong một năm.
Ðiều này nhằm tránh tình trạng ngân hàng có nợ xấu cao nhưng vẫn mua bán trái phiếu doanh nghiệp, nâng cao chất lượng tín dụng, nhất là ở lĩnh vực có rủi ro cao là bất động sản.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp