09/10/2017 06:41
Tiêu Việt phải đối mặt những gì?
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), sản lượng hồ tiêu Việt Nam thực sự không nhiều như dự báo trước đó hay như báo cáo của các công ty nước ngoài.
Giá tiêu trong quý 3 sụt giảm mạnh có nguyên nhân do thị trường Brazil được mùa, khả năng giao hàng nhanh, giá cạnh tranh cộng với sản lượng tiêu tăng lên của Việt Nam nên đã gây áp lực lớn lên thị trường hồ tiêu toàn cầu, dẫn đến giá giảm.
Hồ tiêu Việt Nam đang bị cạnh tranh gay gắt bởi nhiều đối thủ
Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, tính đến hết tháng 8.2017, Việt Nam xuất khẩu được 167.496 tấn hồ tiêu các loại, bao gồm 149.053 tấn tiêu đen và 18.443 tấn tiêu trắng. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 901,39 triệu USD, trong đó tiêu đen đạt 763,27 triệu USD, tiêu trắng đạt 138,12 triệu USD.
So với cùng kỳ năm 2016, lượng xuất khẩu tăng 22,28% tương đương 30.523 tấn, tuy nhiên giá trị xuất khẩu lại giảm 19,06% tương đương giảm 212,29 triệu USD. Giá tiêu tại thị trường nội địa cũng sụt giảm rất mạnh, từ mức 120.000 - 130.000 đồng/kg hồi đầu năm, đến nay giá tiêu tại các vùng nguyên liệu lớn chỉ còn từ 80.000 - 82.000 đồng/kg.
Thực tế cho thấy không chỉ giá tiêu trong nước giảm tới mức "không phanh", mà ngành tiêu toàn cầu cũng chung xu hướng giá thấp. Các nhà phân tích cho rằng, giá tiêu toàn cầu sụt giảm ngoài chuyện sản lượng tiêu của Việt Nam tăng mạnh, còn do thị trường Brazil cũng được mùa khi có 2 đợt thu hoạch chính là các tháng 5-6-7, 8-9-10.
Theo đó, sản lượng tiêu của Brazil hiện tại rất lớn khi tăng đến hơn 20.000 – 30.000 tấn so với vụ trước. Đáng chú ý, giá bán tiêu của Brazil rất cạnh tranh, cộng với khả năng giao hàng rất nhanh kể cả số lượng nhiều nên đã gây áp lực rất lớn lên thị trường. Mặc dù độ cay của hồ tiêu Brazil không bằng của Việt Nam, nhưng bù lại tiêu của Brazil không có nhiều vấn đề về dư lượng, giá bán lại hấp dẫn hơn nên ngày càng có nhiều khách hàng đặt mua tiêu từ Brazil.
Theo thông tin từ Royal Golden General Trading, từ tháng 9 tới nay, giá tiêu đen xuất khẩu loại 500g/l được Brazil chào bán cho kì hạn tháng 11-12 chỉ khoảng 3.600 – 3.700 USD/tấn, tiêu Brazil Basta (tương đương ASTA 570) giao động quanh mức 4.000 – 4.200 USD/ tấn giao hàng tháng 9 – 10. Trong khi đó, giá tiêu đen xuất khẩu bình quân của Việt Nam trong tháng 8 ở mức trên 4.300 USD/tấn.
Nửa năm 2017, Brazil đã xuất được 21.000 tấn hồ tiêu, cao hơn 5.000 tấn cùng kỳ năm ngoái. Có tới 55% hồ tiêu xuất khẩu của Brazil vào thị trường Đức, Mỹ và Tây Ban Nha.
Bảng so sánh giá xuất khẩu tiêu đen và giá tiêu trắng trung bình 8 tháng từ năm 2015 - 2017:
Ngoài việc phải cạnh tranh với tiêu Brazil, hồ tiêu Việt Nam đang tiếp tục phải "đấu" với sản phẩm tiêu chất lượng của Campuchia, Ấn Độ, Indonesia... Trước tình hình này, các doanh nghiệp cũng bày tỏ sự kém lạc quan về giá tiêu Việt Nam trong thời gian tới.
Tuy nhiên, ngành tiêu Việt Nam vẫn còn một chút "an ủi" là bởi hiện nay, Việt Nam là nước cung cấp hạt tiêu chính cho thị trường toàn cầu. Giá bán sẽ không thể cao như các năm trước, nhưng sẽ không giảm quá thấp, do hiện nay hầu hết người dân đã ngừng trồng thêm diện tích tiêu mới nên áp lực về sản lượng sẽ không quá gay gắt.
Giá tiêu quý 4 rất khó tăng?
Trước tình hình trên, các nhà phân tích, chuyên gia nhận định giá hạt tiêu nội địa trong quý 4 sẽ không thể bật lên cao tới mức 100.000 đồng/kg như kì vọng. Cơ sở để đưa ra nhận định này chính là do đầu ra thấp, trữ lượng tiêu tồn trong dân còn nhiều (khảo sát sơ bộ của VPA ước khoảng 30% sản lượng 2017). Tâm lí bà con vẫn đang ngóng chờ giá tăng cao hơn nên việc giao dịch trong nước rất èo uột.
Theo VPA, có khả năng từ nay đến cuối năm sẽ có vài đợt sóng tăng giá mạnh trong vài thời điểm ngắn bởi nhiều đại lý mua vào lúc giá cao đầu vụ vẫn đang tìm cơ hội đẩy hàng ra để cắt lỗ. Tuy nhiên, giá sẽ không thể tăng đột biến bởi thị trường xuất khẩu hồ tiêu có chiều hướng càng khó khăn, nhiều rủi ro hơn do giá cả liên tục biến động và những quy định, rào cản ngày càng khắt khe từ một số thị trường, trong đó có Hoa Kỳ.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp