23/09/2020 13:30
Tiêu hủy một tấn heo mắc dịch tả châu Phi chuẩn bị đưa đi tiêu thụ
Gần 1 tấn heo mắc dịch tả heo châu Phi đang trên đường chở đi tiêu thụ thì bị lực lượng chức năng phát hiện và bắt giữ.
Vừa qua, theo thông tin từ Tổng cục Quản lí thị trường (QLTT), lực lượng QLTT tỉnh Tuyên Quang phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan đã tiến hành kiểm tra và phát hiện một chiếc xe ô tô trên Quốc lộ 2C thuộc địa phận tỉnh Tuyên Quang chở gần 1 tấn sản phẩm động vật và động vật mắc bệnh dịch tả heo Châu Phi.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện trên xe ô tô do ông Bốn điều khiển có 501 kg sản phẩm động vật (thịt heo bao gồm cả xương và mông) và 10 con heo (tổng trọng lượng 400 kg) đang trong quá trình phân hủy, bốc mùi hôi thối, không có giấy tờ kèm theo. Toàn bộ số heo và thịt heo đều cho kết quả dương tính với virut dịch tả heo châu phi.
|
Số thịt heo thối đã bị tiêu hủy dưới sự giám sát của lực lượng chức năng. (Ảnh: Tổng cục Quản lí thị trường) |
Người lái xe đồng thời là chủ sở hữu số hàng hóa nêu trên đã khai nhận đang vận chuyển các sản phẩm trên về tỉnh Vĩnh Phúc để tiêu thụ. Người này đã xin tự tiêu hủy toàn bộ hàng hóa bao gồm 501 kg sản phẩm động vật và 10 con heo nhằm phòng chống lây lan dịch bệnh.
Theo đó, Đội QLTT số 3 đã thành lập Hội đồng tiêu hủy thành phần gồm các cơ quan chức năng có liên quan và thống nhất để chủ sở hữu số hàng hóa nêu trên tự tiêu hủy trước sự giám sát của các thành viên Hội đồng và hướng dẫn của cơ quan thú y theo đúng qui định của pháp luật.
Theo Tổng cục QLTT, mức xử phạt đối với hành vi vi phạm về giết mổ động vật mắc bệnh, kinh doanh sản phẩm động vật mang mầm bệnh thuộc danh mục bệnh động vật cấm giết mổ theo quy định là phạt tiền 27,5 triệu đồng.
Để ngăn chặn tình hình giết mổ và tiêu thụ heo lậu, tại Hải Phòng đã đặt ra nhiều mục tiêu quan trọng nhằm chủ động giám sát và phát hiện sớm dịch bệnh để kịp thời có biện pháp phòng, chống hiệu quả. Giúp giảm thiểu tổn thất về kinh tế, hạn chế tác động xấu của giá thịt heo đến chỉ số giá tiêu dùng, thị trường tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn và xuất khẩu.
Theo đó, trong vòng 5 năm tới TP.Hải Phòng sẽ tiến hành xây dựng thành công ít nhất 10 cơ sở chăn nuôi lợn an toàn, 100% cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô lớn, 90% cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô vừa và 80% cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ áp dụng các biện pháp chăn nuôi heo an toàn sinh học.
Quản lý chặt tốt việc giết mổ và tiêu thụ các sản phẩm thịt heo cũng là 1 trong những yếu tố quan trọng giúp phòng chống dịch tả heo châu Phi. Ảnh minh họa. |
Bằng các giải pháp, trong 2 năm đầu sẽ phải có ít nhất 90% số xã, phường, thị trấn ở TP.Hải Phòng không có bệnh dịch tả heo châu Phi, trong 2 năm tiếp theo là trên 95% và 2 năm cuối thực hiện kế hoạch là trên 99%
TP.Hải Phòng sẽ đầu tư để nâng cao năng lực phòng thí nghiệm của Trạm Chẩn đoán xét nghiệm và điều trị bệnh động vật trực thuộc Chi cục Chăn nuôi & Thú y, để cơ sở này đạt an toàn sinh học cấp độ III, đủ năng lực chẩn đoán xét nghiệm bệnh dịch tả heo châu Phi, góp phần phát hiện sớm, xử lý kịp thời khi dịch mới phát sinh.
Mặt khác, UBND TP.Hải Phòng cũng đưa ra những quy định, hướng dẫn cụ thể về chăn nuôi an toàn sinh học, tổ chức nuôi tái đàn, giám sát dịch bệnh, quản lý giết mổ, tiêu thụ các sản phẩm thịt và việc kiểm soát vận chuyển, buôn bán, sản phẩm từ heo,… sát với thực tế của địa phương.
Trong đó, đáng lưu ý là UBND TP.Hải Phòng yêu cầu thịt heo, sản phẩm từ heo được buôn bán, tiêu thụ trên địa bàn TP.Hải Phòng và vận chuyển đi các tỉnh, thành phố khác phải được giết mổ, sơ chế tại các cơ sở giết mổ được thẩm định, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Sản phẩm sau khi giết mổ phải vận chuyển bằng phương tiện vận chuyển lạnh chuyên dụng đáp ứng theo quy định khi đi tiêu thụ.
(Tổng hợp).
Advertisement