24/03/2021 11:38
Tiết lộ sốc về giao dịch lan đột biến 'siêu khủng' 250 tỷ đồng ở Quảng Ninh
Theo xác minh của công an thị xã Đông Triều (Quảng Ninh), 250 tỷ đồng là số tiền để mua 5.000 cây giống lan đột biến Ngọc Sơn Cước theo thỏa thuận, cam kết giữa người bán và người mua.
Trao đổi với Dân trí, Thượng tá Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng công an thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) khẳng định, việc thỏa thuận mua bán giống lan đột biến Ngọc Sơn Cước thực tế là có thật. Tuy nhiên, nội dung thỏa thuận này là chuyển nhượng giống lan này để nhân giống trong thời hạn một năm với số lượng 5.000 cây giống.
"Qua xác minh, chúng tôi khẳng định chưa có hoạt động lừa đảo, vi phạm pháp luật trong thương vụ giao dịch hoa lan đột biến trị giá 250 tỷ đồng diễn ra ở Đông Triều (Quảng Ninh)" - ông nói.
Ngoài ra, ông Sơn còn thông tin thêm, việc thanh toán được thực hiện sau một năm ông Giang (người bán) giao đủ số lượng 5.000 cây giống thì ông Nguyễn Tiến Hưng (người mua) sẽ thanh toán số tiền như đã thỏa thuận là 250 tỷ đồng. Nhưng tại thời điểm giao dịch, giữa 2 bên chưa chuyển tiền.
Ông Bùi Hữu Giang, chủ vườn lan var Đất Mỏ, cho biết, cây lan Ngọc Sơn Cước trong thỏa thuận trên được ông mua của một người dân bán ven đường ở Sơn La trong đợt đi thăm quan từ đầu năm 2019.
250 tỷ đồng là số tiền mà tôi sẽ nhận được sau 1 năm nếu đáp ứng đủ các yêu cầu của bên mua là giao đủ 5.000 con giống lan đột biến Ngọc Sơn Cước" - ông Giang nói.
Trước đó, đại diện Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, nếu có cơ sở, bằng chứng giao dịch mua bán lan đột biến từ chục tỷ đến trăm tỷ đồng, người bán có thể bị truy thuế từ vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, các thông tin giao dịch lan chục tỷ đến trăm tỷ đồng đều mới chỉ được đồn thổi. Tổng cục Thuế, Cục thuế các địa phương liên quan vẫn đang rà soát, xác minh vụ việc cùng các cơ quan chức năng.
Về trách nhiệm thuế, nếu các vụ giao dịch xác định có giá đúng như dư luận nêu, các mức thuế đánh vào doanh nghiệp hoặc cá nhân sẽ khác nhau.
Còn theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, nếu các dấu hiệu trốn thuế được xác định, cơ quan thuế sẽ vào cuộc ngay. Tuy nhiên, thương vụ lan chục tỷ đến trăm tỷ đồng đều bị nghi ngờ giá ảo nên việc rà soát sẽ mất thời gian và thường các đối tượng sử dụng các chiêu thức lách thuế, qua mặt cơ quan chức năng.
Thực tế, từ các vụ lan đột biến chục tỷ đến trăm tỷ đồng tại Hòa Bình, Phú Thọ, và gần đây là Hà Nam, Quảng Ninh và Hòa Bình, các cơ quan chức năng gồm công an kinh tế, thuế, quản lý thị trường đều tập trung rà soát, cảnh báo thị trường. Thậm chí, một số Cục Thuế địa phương đã nhận định: Đây là các thương vụ giả mạo, thổi giá lan.
Các đối tượng sử dụng chiêu thức tung giá, đẩy giá cao gấp hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lần một sản phẩm bình dân, độc lạ, quý hiếm nhằm nâng giá cho các đường dây buôn bán lan đột biến một cách dễ dàng hơn.
Hiện tượng sốt ảo, giá ảo trong nông nghiệp Việt Nam đã xuất hiện nhiều ở những loại cây, con không có gì độc lạ, nhưng vẫn bị thổi phồng. Đơn cử như hiện tượng thổi giá cây sanh làm cảnh từ vài trăm nghìn lên chục triệu, trăm triệu và cả tỷ đồng. Thậm chí giống nhím, lợn rừng, cây sưa đỏ... cũng được thổi giá cao khiến rất nhiều người bị lừa phỉnh, mắc bẫy.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp