19/01/2017 07:21
Tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc thị trường bất động sản
Năm 2016, thị trường bất động sản tiếp tục phát triển ổn định, nhưng cũng đã xuất hiện những rủi ro, nhất là sự lệch pha cung cầu.
Để khắc phục những hạn chế này, Bộ Xây dựng tiếp tục chỉ đạo tái cấu trúc thị trường bất động sản gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia, trọng tâm là phát triển nhà ở xã hội, nhà vừa túi tiền.
Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, năm 2016, giá trị sản xuất kinh doanh ngành xây dựng đạt khoảng 1.089.000 tỷ đồng, tăng 10,4% so với năm 2015. Giá trị gia tăng của ngành xây dựng tính theo giá so sánh năm 2010 đạt khoảng 189.000 tỷ đồng, tăng 10% và chiếm 6,91% GDP, đóng góp 0,6% vào tăng trưởng chung.
Một số chỉ tiêu lớn khác như chỉ tiêu về đô thị hóa đạt 36,6% (tăng 0,9% so với 2015), quy hoạch chung phủ kín 100%, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch nông thôn đạt 99% và diện tích nhà ở toàn quốc đạt bình quân 22,8 m2/người, vượt so với kế hoạch (22,6 m2/người).
Bên cạnh đó, công tác xây dựng hoàn thiện thể chế cũng được quan tâm, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, nhất là công tác quản lý đầu tư xây dựng về chất lượng và chi phí xây dựng.
Năm qua, việc Luật Xây dựng 2014 đi vào cuộc sống với những quy định mới về thẩm định, thiết kế, thẩm định dự toán, đã tiết kiệm được 5,87% chi phí so với dự toán.
“Nếu chúng ta làm tốt công việc này, sẽ tiết kiệm được vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước mỗi năm khoảng 10.000 tỷ đồng”, ông Đỗ Đức Duy, Thứ trưởng Bộ Xây dựng đánh giá.
Về vông tác quản lý nhà ở và thị trường bất động sản, theo ông Duy, năm vừa qua tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh, tạo điều kiện giúp cải thiện chỗ ở cho người dân ngày một tốt hơn. Thị trường bất động sản tiếp tục duy trì sự tăng trưởng ổn định.
Giá cũng được giữ mức ổn định, đặc biệt là cơ cấu hàng hóa bất động sản được điểu chỉnh ngày càng hợp lý, đa dạng, đáp ứng nhu cầu của người mua. Ngoài ra, lĩnh vực khác như sản xuất vật liệu xây dựng đều tăng trưởng tốt so với năm 2015.
Định hướng quản lý thị trường bất động sản của Bộ Xây dựng trong thời gian tới, ông Duy cho biết, sẽ tập trung vào các giải pháp bảo đảm cho thị trường phát triển một cách ổn định, lành mạnh, bền vững, công khai, minh bạch.
Trong đó, chú trọng tập trung thực hiện Chiến lược Phát triển nhà ở quốc gia, nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu về nhà ở cho các đối tượng đang gặp nhiều khó khăn về chỗ ở, góp phần ổn định an sinh xã hội.
“Bộ Xây dựng với trách nhiệm của mình đã báo cáo Chính phủ và đã có trao đổi với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính quan tâm xem xét, báo cáo các cấp có thẩm quyền sớm bố trí nguồn vốn cho các ngân hàng để tiếp tục cho vay theo quy định của pháp luật về nhà ở xã hội.
Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ ngành liên quan (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội) nghiên cứu, sớm thu xếp nguồn vốn cho vay đối với lĩnh vực nhà ở xã hội”, ông Duy cho biết.
Cũng theo chia sẻ của ông Duy, ngành xây dựng tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý và phát triển đô thị, nhà ở, thị trường bất động sản; chỉ đạo các địa phương triển khai có hiệu quả Luật Nhà ở 2014, Luật Kinh doanh bất động sản 2014, cũng như các giải pháp điều hành của Chính phủ đã đề ra trong Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 và Nghị quyết số 61/NQ-CP ngày 21/8/2014.
Tiếp tục chỉ đạo tái cấu trúc thị trường bất động sản gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia, trọng tâm là phát triển nhà ở xã hội; phối hợp với các Bộ ngành, địa phương có các công cụ, giải pháp linh hoạt, kịp thời để kiểm soát, điều tiết thị trường, bảo đảm cho thị trường phát triển ổn định, tránh tình trạng phát triển quá nóng hay quá lạnh.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp