21/08/2021 07:22
Tiền ngoại chờ 'săn' bất động sản nghỉ dưỡng
Việc đẩy mạnh tiêm chủng vắc-xin trên diện rộng đang tạo kỳ vọng lớn về sự phục hồi của ngành du lịch nói chung, bất động nghỉ dưỡng nói riêng và dòng vốn ngoại đang chực chờ để “săn” những dự án tiềm năng.
Niềm tin vẫn lớn
Mùa du lịch hè năm nay gần như “tê liệt” khi số lượng khách du lịch sụt giảm do nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội nhằm hạn chế sự lây lan nhanh chóng của biến chủng vi-rút mới Delta. Điều này ảnh hưởng nặng nề đến thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, phân khúc vốn phụ thuộc trực tiếp vào du lịch.
Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Vietnam cho rằng, đợt dịch lần này xuất hiện đúng vào thời điểm bắt đầu chuẩn bị cao điểm mùa du lịch hè, các kế hoạch kinh doanh du lịch bị đảo lộn khi các biện pháp phòng dịch được đưa ra và dần siết chặt hơn. Theo đó, trước mắt, kế hoạch về du lịch và kinh doanh du lịch sẽ bị thay đổi, kéo theo nhiều khó khăn cho mục tiêu phục hồi và phát triển du lịch trong năm nay, từ đó tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng.
Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn đặt niềm tin vào bất động sản nghỉ dưỡng, bởi kỳ vọng phân khúc này sẽ bật mạnh trở lại khi ngành du lịch phục hồi. Báo cáo mới đây của Savills Việt Nam cho thấy, sự hạn chế về nguồn cung mới khiến phân khúc biệt thự, resort nghỉ dưỡng ghi nhận giá tăng trong mùa dịch, mức hấp thụ đạt 88% trong quý II/2021. Giá đất tăng dao động trong khoảng 1.000-7.700 USD/m2, trong đó mức tăng cao nhất thuộc về dự án InterContinental Hạ Long tại Quảng Ninh. Giá chào bán dao động từ 0,5-7 triệu USD mỗi căn biệt thự biển, trong đó mức giá cao nhất thuộc về dự án Regent Villas & Resort ở Phú Quốc, Kiên Giang.
Sự lạc quan của các thành viên thị trường đối với bất động sản nghỉ dưỡng còn được thể hiện ở việc một loạt dự án được khởi công và giới thiệu tới khách hàng ngay trong mùa dịch, mới đây nhất là Tập đoàn Everland cùng lúc động thổ 2 dự án là Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Xuân Đài Bay và Crystal Holidays Marina Phú Yên với tổng diện tích đất 37 ha, tổng vốn đầu tư gần 2.200 tỷ đồng, nằm trong quần thể đô thị du lịch - dịch vụ rộng hơn 500 ha ở phía Nam thị xã Sông Cầu. Cách đó không xa, Công ty TNHH Indochina Kajima Development cũng động thổ dự án Khu nghỉ dưỡng Bãi Nồm trên diện tích 60 ha.
Hay tại Đà Nẵng, Tập đoàn Danh Khôi chính thức giới thiệu dự án Aria Đà Nẵng Hotel & Resort với kỳ vọng sẽ tạo sức hút đối với các nhà đầu tư, cũng như góp phần giúp thị trường bất động sản nghỉ dưỡng trong nước trở nên sôi động hơn. Tập đoàn Landora Group cũng đã tổ chức lễ khởi công tuyến phố đi bộ dài hơn 1,1 km tại trung tâm Đại đô thị The Empire (quận Ngũ Hành Sơn), sau những lùm xùm trong quá khứ, đây được xem là bước chuyển biến tích cực, mở ra một giai đoạn phát triển mới cho dự án này.
Ông Hồ Đức Trung, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần H&H Land đánh giá, nếu như năm 2020, khi dịch bệnh Covid-19 mới bùng phát, cả xã hội hoang mang, mọi hoạt động phát triển kinh tế bị đình trệ, thì sang năm 2021, người dân và Chính phủ đã có kinh nghiệm ứng phó và phòng chống đại dịch.
Đặc biệt, giai đoạn hiện nay, nguồn tiền trên thị trường bất động sản đang rất lớn từ cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Trong khi đó, nền kinh tế đang tiềm ẩn nguy cơ lạm phát, lãi suất tiền gửi ngân hàng ở mức thấp và các nhu cầu đầu tư bất động sản của người dân rất cao. Đây là lý do thúc đẩy dòng tiền quay lại thị trường bất động sản nghỉ dưỡng. Các doanh nghiệp cũng mong sớm khởi công trở lại các dự án bất động sản nhằm đáp ứng nhu cầu đang gia tăng nhanh.
Vốn ngoại chực chờ
“Nhiều nhà đầu tư quốc tế bày tỏ sự quan tâm tới phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng và khách sạn chất lượng cao, đối với cả các dự án đã hoạt động hoặc đang trong quá trình xây dựng”, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội nói và cho biết, lý do bởi các nhà đầu tư nước ngoài có cái nhìn dài hạn về tiềm năng phục hồi của thị trường nghỉ dưỡng Việt Nam sau dịch, khi tình hình được kiểm soát và các hoạt động phục vụ khách du lịch nội địa và quốc tế được mở cửa trở lại.
Ngay khi dịch được kiểm soát, bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản du lịch ven biển sẽ là phân khúc hấp dẫn và Việt Nam sẽ trở thành một trong những thị trường bất động sản tốt nhất Đông Nam Á đón đợi "đàn cá mập" đang săn mua các dự án lớn.
Ông Ngô Văn Giám đốc Marketing Tập đoàn Danh Khôi
Số liệu của Savills Việt Nam cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay, công suất thị trường khách sạn tại Hà Nội tăng 6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020. Mặc dù công suất tăng chủ yếu nhờ giãn cách xã hội giai đoạn này được nới lỏng hơn, song thị trường được đánh giá có nhiều hy vọng về sự hồi phục của ngành du lịch khi việc tiêm vắc-xin Covid-19 đang được đẩy mạnh trên diện rộng.
Ông Matthew Powell cho rằng, việc triển khai vắc-xin trên diện rộng sẽ tăng sự tự tin cho ngành du lịch. Kế hoạch của Việt Nam trong việc thí điểm sử dụng “hộ chiếu vắc-xin” ở Phú Quốc và Quảng Ninh là một bước quan trọng để chào đón du khách quốc tế quay trở lại Việt Nam. Vì thế, ngay từ bây giờ, các khách sạn cần có sự chuẩn bị thật tốt nhằm đáp ứng nhu cầu gia tăng đột biến một khi du lịch trở lại.
Đồng quan điểm, ông Ngô Văn, Giám đốc Marketing Tập đoàn Danh Khôi đánh giá, các nhà đầu tư lớn từ nước ngoài vẫn đang chờ đợi giãn cách được tháo gỡ để tiếp cận thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam. Theo ông Văn, mỗi quốc gia trong khu vực đều có những nhà đầu tư “cá mập” chuyên săn tìm bất động sản lớn ở những thị trường tiềm năng như Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Thái Lan… Đó là những nơi mà các nhà đầu tư luôn khao khát tìm kiếm dòng sản phẩm bất động sản có thể tăng trưởng cao trong vòng 3-5 năm.
“Vì thế, ngay khi dịch được kiểm soát, bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản du lịch ven biển sẽ là phân khúc hấp dẫn đối với cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Khi đó, tôi tin rằng, Việt Nam sẽ là một trong những thị trường tốt nhất Đông Nam Á đón đợi 'đàn cá mập' đang săn mua các dự án lớn”, ông Văn nhấn mạnh.
Các chuyên gia của JLL Việt Nam cũng dự báo, việc triển khai vắc-xin đang diễn ra nhanh chóng cùng với sự dồn nén “cơn khát” được đi du lịch của người dân sẽ tạo ra một lượng nhu cầu dịch chuyển khổng lồ khi đại dịch được kiểm soát. Ông Nihat Ercan, Giám đốc điều hành Bộ phận Đầu tư của JLL châu Á - Thái Bình Dương nhận định, những thông tin tích cực về việc triển khai vắc-xin và dấu hiệu phục hồi ngành du lịch bắt đầu xuất hiện khiến các nhà đầu tư phải tính toán từ bây giờ nếu không muốn bỏ lỡ cơ hội. Chu kỳ mới đã được thiết lập lại và thị trường đang bước vào giai đoạn phục hồi.
Trong cuộc khảo sát của đơn vị này, 36% nhà đầu tư được hỏi cho biết sẽ tập trung ưu tiên đầu tư vào tài sản của họ, cùng với việc kiểm soát chi phí và duy trì dòng tiền vào năm 2021. Sẽ có nhiều giao dịch được thực hiện trong bối cảnh hiện tại, những “tay chơi” muốn tăng giá trị sẽ sẵn sàng thâu tóm tài sản và định vị lại các khách sạn với mục tiêu chào bán sau 3-5 năm vận hành.
Advertisement
Advertisement