07/04/2020 08:20
Tiền mới tiếp sức cho niềm tin đầu tư
Công ty TNHH một thành viên Đầu tư SCIC (SCIC Invest) vừa đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu FPT. Động thái này cùng với việc nhiều doanh nghiệp công bố mua vào cổ phiếu quỹ đã tiếp sức cho niềm tin trên thị trường chứng khoán, vốn đang bị lung lay dữ dội bởi “bão” Covid-19.
SCIC Invest là công ty con do Tổng công ty Ðầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) nắm 100% vốn, được thành lập năm 2013, với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, nhằm thực hiện chức năng đầu tư tài chính. Nếu giao dịch này thành công, dự kiến, SCIC Invest phải bỏ ra ít 42,3 tỷ đồng, tính theo giá đóng cửa ngày 1/4/2020.
SCIC Invest quyết định mua vào cổ phiếu trong điều kiện thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua gần một tháng tồi tệ nhất kể từ khủng hoảng nợ dưới chuẩn năm 2008, hiện tượng bán tháo liên tục xảy ra.
Chỉ trong tháng 3/2020, chỉ số VN-Index giảm 25,8%, chỉ số VN30-Index giảm 27%, các chỉ số và cổ phiếu giao dịch vùng quá bán kéo dài ở mức thấp kỷ lục.
Xét về mức định giá, chỉ số P/E của thị trường theo dữ liệu Bloomberg ngày 1/4/2020 là 10,56 lần, so với mức P/E 20 lần tại thời điểm 31/12/2017, và mức đỉnh 22 lần xác lập vào tháng 4/2018.
Có thể thấy, kể từ đỉnh tháng 4/2018, thị trường đã trải qua giai đoạn giảm giá mạnh, tạo ra mặt bằng định giá cổ phiếu thấp hơn đáng kể.
Với diễn biến giảm sâu của các cổ phiếu trong thời gian qua, FPT có thể không phải là cổ phiếu duy nhất trong đích ngắm của tổ chức đầu tư tài chính chuyên nghiệp này.
Bên cạnh dòng tiền kỳ vọng được SCIC Invest giải ngân, thị trường chứng khoán Việt Nam dự kiến đón thêm dòng tiền mới.
Theo ước tính của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), kể từ đầu tháng 2 tới hết tháng 3, các doanh nghiệp đăng ký và thông qua kế hoạch mua cổ phiếu quỹ lên tới 4.000 tỷ đồng, trong khi lãnh đạo doanh nghiệp và người liên quan đăng ký mua vào khoảng 2.000 tỷ đồng.
Việc giải ngân dự kiến sẽ được diễn ra trực tiếp trên sàn, chủ yếu là mua bán liên tục. Nếu các kế hoạch mua vào cổ phiếu của doanh nghiệp và cổ đông nội bộ được thực hiện, dòng tiền trên thị trường chứng khoán Việt Nam được bổ sung khoảng 6.000 tỷ đồng.
Dòng tiền hoàn toàn mới này không chỉ giúp “đỡ giá” cổ phiếu, mà còn có thể giải quyết được vấn đề cốt lõi hiện tại của thị trường là nhà đầu tư thiếu niềm tin về triển vọng doanh nghiệp, của thị trường chứng khoán trong ngắn và trung hạn.
Khi niềm tin quay trở lại, giới đầu tư sẽ dần nhận ra sự định giá vô lý của nhiều doanh nghiệp có tiền mặt lớn, cổ tức cao như ở thời điểm hiện tại. Kỳ vọng dòng tiền mới từ lãnh đạo, doanh nghiệp cũng như SCIC Invest sẽ giúp nhà đầu tư dần dần khôi phục lại niềm tin, tránh phản ứng thái quá với diễn biến của dịch bệnh.
Quan sát thị trường chứng khoán những phiên gần đây có thể thấy, sau phiên bán tháo mạnh ngày 30/3, thị trường đã dần lấy lại sự thăng bằng và hồi phục mạnh trong phiên giao dịch đầu tháng 4.
Chỉ số VN-Index đã tăng hơn 2,5% và lấy lại mốc 680 điểm.
Phiên giao dịch cuối tuần qua, ngày 3/4, bên cạnh sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu bluechip giúp thị trường duy trì đà tăng khá tốt, thì sóng cổ phiếu vừa và nhỏ tiếp tục dâng cao, giúp chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 692 điểm, tăng 11,77 điểm.
Nhìn ra thế giới, sự xuất hiện của những dòng tiền mới đủ lớn luôn như chiếc “phanh hãm” đà lui của chỉ số chứng khoán.
Chẳng hạn, năm 2015, đà bán tháo xuất hiện trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, khiến chỉ số Shanghai Composite giảm 42,6%, chỉ số CSI 300 giảm 43% chỉ trong một thời gian ngắn.
Nguyên nhân được cho là do chính sách bơm tiền quá mức trước đó, dòng tiền đổ vào thị trường tạo bong bóng, chỉ trong vòng từ tháng 6/2014 tới tháng 6/2015 chỉ số Shanghai Composite đã tăng 150%.
Sự tăng sốc của thị trường chứng khoán theo ngày đã thu hút lượng lớn nhà đầu tư, theo ước tính, 80% nhà đầu trên sàn chứng khoán Trung Quốc thời điểm đó là nhà đầu tư cá nhân. Vì vậy, khi thị trường điều chỉnh, hiện tượng bán tháo đã xuất hiện theo hiệu ứng domino.
Ở thời điểm đó, để hỗ trợ thị trường, Chính phủ Trung Quốc đã ra quy định cấm cổ đông lớn bán ra cổ phiếu trong vòng 6 tháng.
Chính phủ Trung Quốc còn được cho là đã chỉ đạo các quỹ quốc doanh (công ty chứng khoán, quỹ đầu tư) thực hiện chi ra 236 tỷ USD để mua vào cổ phiếu trong vòng 3 tháng, tính từ thời điểm bán tháo tới tháng 8/2015.
Mặc dù năm đó, chỉ số chứng khoán Mỹ giảm từ đỉnh xuống, nhưng so với giá đầu năm, chỉ số CSI 300 vẫn tăng 5,6% so với đầu năm.
Ðầu năm 2020, khi Chính phủ Trung Quốc ngoài chính sách bơm tiền kích thích kinh tế, đã tiếp tục cho phép các quỹ quốc doanh mua vào cổ phiếu để bình ổn giá chứng khoán. Vì vậy, mặc dù Trung Quốc là điểm khởi đầu của dịch Covid-19, nhưng cũng là thị trường chứng khoán hồi phục đầu tiên trên thế giới.
Từ đầu năm đến nay, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngoài việc cắt giảm lãi suất hai lần từ 1,75%/năm về 1,25%/năm và từ 1,25%/năm về 0,25%/năm, nhằm hỗ trợ nền kinh tế, còn thực hiện chi ra 1.500 tỷ USD để mua các tài sản tài chính.
Fed vẫn để ngỏ khả năng tiếp tục bơm tiền vào thị trường tài chính.
Ngân hàng Trung ương Anh ngoài hạ lãi suất cũng đã mua thêm 200 tỷ Bảng trái phiếu chính phủ nhằm hỗ trợ thị trường.
Nhiều quốc gia cũng thực hiện gói cứu trợ như Singapore với gói 33,7 tỷ USD, Ðức là 390 tỷ USD, Tây Ban Nha 220 tỷ USD, Pháp là 50 tỷ USD, Thái Lan là 18 tỷ USD…
Có thể thấy, việc mua trái phiếu là hình thức bơm tiền trực tiếp cho tổ chức lớn như ngân hàng đầu tư, quỹ đầu tư để có thể gián tiếp hỗ trợ thị trường chứng khoán.
Việc so sánh Việt Nam với các quốc gia lớn trên thế giới và khu vực có thể là khập khiễng, do quy mô kinh tế, các chính sách hỗ trợ thị trường khác nhau, tuy nhiên, khi nhìn nhận lại đợt giảm giá vừa qua, có thể thấy tâm lý nhà đầu tư trong nước bị lung lay rất mạnh, hiện tượng bán tháo theo hiệu ứng đám đông.
Cái thị trường thiếu hiện tại đó là niềm tin vào doanh nghiệp, vào nền kinh tế sẽ sớm vượt qua khó khăn do dịch bệnh gây ra và dần dần khôi phục trong 6 tháng cuối năm. Việc có thêm kỳ vọng về dòng tiền mới vào thị trường thời điểm này là rất cần thiết, để tâm lý nhà đầu tư dần ổn định trở lại.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp